|
Cán bộ Liên đoàn Lao động huyện Nam Trực phổ biến nội quy, quy chế tiếp dân cho cán bộ công đoàn cơ sở.
Ảnh: Dương Đức
|
Nhằm bảo đảm quan hệ lao động hài hoà, ổn định trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, thời gian qua, các cấp công đoàn đã tập trung đẩy mạnh công tác pháp luật trong CNVCLĐ. Hàng năm, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với chuyên môn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền chế độ, chính sách pháp luật của Nhà nước có liên quan đến CNVCLĐ. Các cấp công đoàn đã xây dựng 554 tủ sách pháp luật với nhiều đầu sách phục vụ CNVCLĐ tự nghiên cứu, tìm hiểu về chế độ, chính sách pháp luật; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ-PCCN trong CNVCLĐ; tổ chức tuyên truyền pháp luật tại địa bàn cư trú cho gần 1000 lao động ở trọ tại xã Mỹ Xá (thành phố Nam Định)…; tổ chức 15 hội nghị, hội thảo tuyên truyền về chế độ chính sách đối với người lao động trong 6 tháng đầu năm 2010. Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và thi hành pháp luật lao động trong CNVCLĐ. Các cấp công đoàn còn tập trung xây dựng, củng cố lực lượng cán bộ, đẩy mạnh hoạt động của các mô hình tư vấn, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho CNVCLĐ. Đến nay, 100% CĐCS đã bố trí cán bộ làm công tác tư vấn pháp luật. 100% LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành đã thành lập tổ tư vấn pháp luật. Từ năm 2004, LĐLĐ tỉnh đã thành lập Văn phòng tư vấn pháp luật với 5 cán bộ chuyên trách công tác tư vấn pháp luật và 4 cộng tác viên là cán bộ đang trực tiếp công tác trong các cơ quan pháp luật. Lực lượng cán bộ tư vấn cũng được chú trọng đào tạo kiến thức pháp luật liên quan đến người lao động và trang bị kỹ năng phổ biến những kinh nghiệm xử lý tình huống khi tư vấn, hoà giải pháp luật lao động phức tạp. Bình quân mỗi năm Văn phòng tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh tư vấn miễn phí hiệu quả cho gần 50 trường hợp. Thông qua hoạt động tư vấn, nhiều CĐCS còn kịp thời nắm bắt thông tin góp phần xử lý sớm, hiệu quả nhiều tình huống mâu thuẫn lao động mới phát sinh. Thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, các cấp công đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng triển khai, giám sát; thanh kiểm tra việc thực hiện Luật Lao động, Luật Công đoàn, các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động của cơ quan, doanh nghiệp. Nhờ đó, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, đồng thời hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật đối với người lao động. Đến nay, 100% các doanh nghiệp đều tiến hành ký HĐLĐ với người lao động; trong đó số lao động được ký HĐLĐ trong các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đạt 97,47%, số lao động được tham gia BHXH, BHYT đạt 85,1%, số lao động được tham gia Bảo hiểm thất nghiệp đạt 78,2%. Việc thương lượng, ký kết và triển khai thực hiện thoả ước lao động tập thể đã có 138 đơn vị tiến hành tổ chức, ký kết. 100% các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước đã kiện toàn lại Ban Thanh tra nhân dân. Việc mở hội nghị CBCC, đại hội CNVC và hội nghị người lao động được các đơn vị nghiêm túc thực hiện. Hàng năm, đạt 99% đơn vị tổ chức hội nghị CBCC, 95,2% đơn vị tổ chức đại hội CNVC, 63,7% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động. Công tác bảo đảm ATVSLĐ, PCCN, BVMT cho người lao động được nhiều doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc… Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, đội ngũ cán bộ công đoàn làm công tác pháp luật đã tham gia hoà giải 26 vụ tranh chấp lao động, 7 vụ phản ứng tập thể của hàng ngàn người lao động tại các Cty: TNHH len Sài Gòn Vĩnh Lộc, Cty cổ phần dây lưới thép Nam Định, Cty cổ phần may Nam Hải, Cty Universal Candle Việt Nam, Cty TNHH Youngone Nam Định... Các cuộc hoà giải đều đạt kết quả cao, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, giải toả mâu thuẫn, tạo mối quan hệ hài hoà giữa người lao động và chủ doanh nghiệp. Thông qua việc hoà giải thành công các vụ tranh chấp lao động, các cấp công đoàn không chỉ tạo dựng vị thế cho tổ chức mà còn góp phần ổn định môi trường đầu tư, ổn định tâm lý, tư tưởng của cả người lao động và người sử dụng lao động./.
Nguyễn Thanh Thuý