|
Làng văn hoá Trung Thịnh, xã Nam Hồng (Nam Trực). Ảnh: Thu Hà |
Từ những năm 1990, phong trào xây dựng làng văn hoá ở Nam Hồng (Nam Trực) đã phát triển mạnh. Xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình làng văn hoá, gia đình văn hoá và con người văn hoá trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa yếu tố lịch sử, truyền thống và hiện đại. Làng văn hoá có các yếu tố: kinh tế phát triển, có cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, có nhiều gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, người trong làng thương yêu giúp đỡ nhau... Ban Chỉ đạo TDĐKXDĐSVH của xã cùng với ban công tác ở cơ sở hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân thực hiện các quy chế, quy ước xây dựng NSVH. Ban văn hoá xã và Uỷ ban MTTQ xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên đài truyền thanh, panô áp phích, khẩu hiệu... và phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền trong các hội nghị về quy chế, quy ước, tiêu chuẩn NSVH, lấy kết quả thực hiện cuộc vận động TDĐKXDĐSVH và tiêu chuẩn NSVH vào công tác thi đua, coi đây là tiêu chí để bình xét thi đua của chi bộ và các đoàn thể hàng năm. Đến nay, nhiều thôn làng đã đạt tiêu chuẩn "5 không": không có trẻ em bỏ học, thất học, không có người vi phạm pháp luật, không có người nghiện hút, không có người sinh con thứ 3. Có 8/21 làng được công nhận làng văn hoá là: Hồng Long, Hồng An, Phúc Đức, Đoài Bàng, Trung Thịnh, Tiền Làng, Ân Thái và Liên Tỉnh. Mỗi làng được công nhận làng văn hoá, ngoài những tiêu chí chung, đều có thế mạnh riêng. Thôn Hồng Long nổi bật trong phong trào bê tông hoá đường dong ngõ xóm, phong trào khuyến học khuyến tài, có nhiều người học hành thành đạt. Thôn Hồng An nổi bật với truyền thống đoàn kết, tình làng nghĩa xóm tương thân tương ái, kỷ cương trong từng gia đình, dòng họ được duy trì, củng cố và có các phong trào đi đầu xã. Xóm Trung Thịnh nổi bật trong phong trào xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở, nguồn vốn chủ yếu được huy động từ nhân dân. Điều đáng nói tại các làng văn hoá này tỷ lệ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá chiếm từ 75 đến 85%. Phong trào xây dựng làng văn hoá đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội ở thôn xóm. Tại các thôn xóm được công nhận làng văn hoá như xóm Trung Thịnh, Đoài Bàng từ năm 2005 đến nay không có người vi phạm TNXH; riêng thôn Hồng An từ năm 2001 đến nay không có trường hợp vi phạm TNXH.
Đạt được kết quả trên, ngoài sự quan tâm chỉ đạo của chi bộ Đảng và các đoàn thể thôn, xóm, xã Nam Hồng biết phát huy vai trò của người cao tuổi trong việc giáo dục con cháu phấn đấu vươn lên trong học tập, công tác. Vì vậy từ nhiều năm nay, phong trào khuyến học khuyến tài của xã là đơn vị dẫn đầu huyện. Đến nay, xã có 15 dòng họ được Huyện uỷ, UBND huyện tặng bức trướng khuyến học khuyến tài. Nhiều chi hội khuyến học có nguồn vốn do nhân dân đóng góp và tài trợ tới 20 triệu đồng, hàng năm tổ chức khen thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt và giúp đỡ các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn vươn lên học giỏi. Trên cơ sở kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, thông qua hương ước, các thuần phong mỹ tục ở Nam Hồng được duy trì, nhiều hủ tục lạc hậu bị xoá bỏ, tình làng nghĩa xóm được nhân lên, kỷ cương trong từng gia đình, dòng họ được củng cố. Cùng với việc gắn phong trào xây dựng làng văn hoá với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xã luôn quan tâm tới việc sưu tầm, quản lý, giữ gìn di sản văn hoá quê hương, xây dựng nhà văn hoá thôn xóm. Đến nay, toàn xã có 15/21 xóm có nhà văn hoá là nơi diễn ra các hoạt động hội họp, học tập, vui chơi giải trí của các tầng lớp nhân dân.
Xây dựng làng văn hoá đã và đang trở thành động lực để xã Nam Hồng tiến lên xây dựng mô hình nông thôn mới./.
Minh Thuận