Thầy và trò trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên) trong giờ thực hành môn Vật lý.
Ảnh: Thu Hà
|
Hiện nay, trong chương trình học phổ thông, các môn Lý, Hóa, Sinh đều có các tiết thực hành thí nghiệm nhằm giúp học sinh nắm vững kiến thức hơn và qua đó biết ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Song, trong nhiều nhà trường hiện nay, phòng thí nghiệm chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tại một trường THPT, phòng thí nghiệm có diện tích tương đương một phòng học, trong đó được trang bị bàn ghế, dụng cụ thí nghiệm nên chỉ đủ chỗ cho từng nhóm học sinh khoảng 10 em vào thực hành thí nghiệm cùng giáo viên hướng dẫn, số còn lại phải ở ngoài chờ đến nhóm của mình (nếu vẫn còn thời gian). Vì vậy, khi giáo viên kết luận về kiến thức, kết quả thực hành vừa diễn ra, nhiều học sinh vẫn ngơ ngác vì chưa hiểu hoặc có hiểu cũng chỉ là "qua lý thuyết", bên cạnh đó, không phải các dụng cụ, trang thiết bị trong các phòng thí nghiệm đều đáp ứng được yêu cầu thực hành. Một học sinh lớp 12 cho biết: Kính hiển vi ở phòng thí nghiệm trường em rất mờ nên khi thực hành chúng em không thấy được sự vật, hiện tượng giống như những kiến thức đã học ở phần lý thuyết. Vì thế mà tiết thực hành chỉ diễn ra qua quýt. Không chỉ riêng kính hiển vi, nhiều thiết bị không đồng bộ hoặc hư hỏng một phần nên không đạt được hiệu quả sử dụng. Một số bạn rất ham mê các bài thí nghiệm nên ngoài kiến thức được học trong phần học lý thuyết, thường lên mạng để tìm kiếm thông tin và nghiên cứu sâu hơn về bài thực hành nhưng như vậy cũng chỉ hiểu mà không được ứng dụng thực tế!
Trong mỗi trường học hiện nay, bình quân có từ 2 đến 4 phòng thí nghiệm. Nhiều trường đã phân công để các lớp luân phiên nhau vào thực hành thí nghiệm. Vì thế, nhiều khi lớp này vừa kết thúc, lớp khác vào thực hành và vì nhiều nguyên nhân, thiết bị đã không còn sử dụng được, thầy cô giáo phải dạy "chay" học sinh chỉ "biết" bộ thí nghiệm thực hành. Chương trình học hiện nay, hầu hết các môn học, qua 1-2 chương mới có một tiết thực hành thí nghiệm, và chuyện bỏ qua tiết thí nghiệm cũng thường xảy ra. Một thực trạng nữa là ở các trường sư phạm hiện nay chưa có chuyên ngành đào tạo giáo viên phụ trách thí nghiệm và nhiều giáo viên các môn học, ngành học, cấp học cũng chưa được chuẩn bị thật tốt cho việc thực hành thí nghiệm tương ứng với giáo trình, sách giáo khoa. Việc dạy cho học sinh biết bố trí một thí nghiệm kiểm chứng khoa học theo đúng mục đích đặt ra của bài thực hành thí nghiệm cũng rất khác với việc biểu diễn một thí nghiệm cho học sinh xem. Nhiều giáo viên cho rằng, dạy thí nghiệm chủ yếu là rèn kỹ năng thực hành cho học sinh nên tất nhiên có khó hơn dạy kiến thức khoa học cơ bản. Do đó, giáo viên rất ngại tiết thực hành… Học sinh hiện nay ngoài kiến thức được học trên lớp, các em có thể dễ dàng thu thập thêm kiến thức từ nhiều nguồn, còn để có thực hành tốt thì các em phải tự mày mò và thực hành đến thuần thục thì mới có được kỹ năng cần thiết, nhưng thời gian trên lớp không cho phép và không phải học sinh nào cũng có thể được trực tiếp thực hành. Bên cạnh đó, việc dạy thực hành thí nghiệm hiện nay, chương trình khung của Bộ GD-ĐT mới chỉ nêu được "dạy cái gì’’, còn "dạy như thế nào’’ thì lại là vấn đề của đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy. Và như vậy, việc học sinh giỏi lý thuyết nhưng lơ mơ thực hành là hiện tượng phổ biến trong các trường phổ thông hiện nay. Chỉ những em học lớp chuyên, có điều kiện về cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm, được thầy cô đầu tư nhiều công sức, trí tuệ, hoặc những em chuyên tâm tự mày mò tìm hiểu thêm ở nhà, ở các nơi có liên quan đến chuyên môn thì việc thực hành mới có hiệu quả. Những hạn chế trên, vô hình chung đã làm cho học sinh phổ thông dần xa lạ với việc tự nghiên cứu, ít gợi mở cho các em một nhu cầu, một khuynh hướng định hình cho bản thân những ham mê khám phá, sáng tạo để có thể ứng dụng kiến thức được học thành thực tế, tránh nặng về "lý thuyết hàn lâm" mà cần quan tâm đến ứng dụng thực tế, trong đó việc thực hành thí nghiệm trong nhà trường là bước khởi đầu. Đó là mong muốn của hầu hết những người quan tâm đến giáo dục phổ thông hiện nay./.
Thảo Linh