Sau nhiều năm tìm kiếm, mới đây gia đình liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng ở xã Hải Bắc (Hải Hậu) đã tìm được hài cốt của liệt sỹ đưa về quê hương. Lễ tiếp nhận, truy điệu, an táng vừa được cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể địa phương tổ chức trang trọng…
Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Phùng (hiện công tác tại Cục Thuế tỉnh) - đồng đội cùng quê Hải Hậu với liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng kể lại: Năm 1970, cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào thời điểm ác liệt. Tỉnh đã thành lập tiểu đoàn 616 để chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau thời gian huấn luyện, 600 cán bộ, chiến sỹ của tiểu đoàn, trong đó hầu hết là con em huyện Hải Hậu đã hành quân gấp vào chiến trường miền Đông Nam Bộ. Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Xuân Phùng vừa tốt nghiệp trường THPT Hải Hậu A là những người có mặt trong đoàn quân thần tốc ấy. Đến nơi tập kết, tiểu đoàn được chia nhỏ tăng cường cho các đơn vị chiến đấu ở phân khu 5 (Bình Dương) và phân khu 6 (Sài Gòn - Gia Định). Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Xuân Phùng cùng nhiều chiến sỹ quê Hải Hậu khác được tăng cường cho C2, tiểu đoàn Phú Lợi thuộc tỉnh đội Bình Dương, chiến đấu ở địa bàn các huyện Lái Thiêu, Thủ Đức, Bến Cát, Châu Thành (nay là thị xã Thủ Dầu Một)… Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Phùng kể tiếp: Vào khoảng 3-1972, quân giải phóng bắt đầu mở chiến dịch Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ngày 15-4-1972, tiểu đoàn Phú Lợi tiến đánh, tiêu diệt toàn bộ đồn An Lợi (thuộc xã Hoà Lợi, huyện Bến Cát) của địch. Diệt xong đồn An Lợi, đơn vị rút về ém quân ở căn cứ Lò Gạch. Được ít ngày, căn cứ bị địch phát hiện. Chúng huy động một đơn vị chủ lực kết hợp với lực lượng dân vệ bao vây. Tối 1-6-1972, đơn vị nhận lệnh chia làm 2 mũi rút lui khỏi căn cứ. Anh Thắng và anh Phùng ở hai mũi khác nhau. Trong khi mũi của anh Phùng thoát khỏi căn cứ an toàn thì mũi của anh Thắng bị địch phục kích, tấn công. 7 chiến sỹ hy sinh tại chỗ, 2 người khác bị thương nặng, chạy tiếp được đến cầu Trại Của (thuộc huyện Tân Uyên) bị địch truy sát… Trong số 9 người ngã xuống, có 7 người con quê Nam Định, trong đó có anh Nguyễn Văn Thắng. Sau trận đánh ấy cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn Phú Lợi, lại lao vào những trận đánh mới, không biết thêm được tin tức về những người đồng đội đã ngã xuống…
Chị Nguyễn Thị Dung, cháu gọi liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng là chú ruột, hiện công tác tại trường THPT Hải Hậu B, người đã trực tiếp đi tìm hài cốt liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng, nghẹn ngào kể lại: Sau giải phóng, gia đình chị và làng xóm bàng hoàng, đau đớn khi nhận được tin chú Thắng hy sinh và không biết phần mộ ở đâu. Mấy chục năm qua, gia đình luôn đau đáu ước nguyện tìm được hài cốt của liệt sỹ. Cha chị, ông Nguyễn Văn Din đã nhiều lần lặn lội vào các tỉnh miền Đông Nam Bộ tìm hài cốt của em trai nhưng không có manh mối. Mới đây, gia đình chị đã tìm đến Trung tâm công nghệ tin học ứng dụng UIA (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), đơn vị đang tiến hành nghiên cứu những tiềm năng đặc biệt của con người ứng dụng trong cuộc sống, trong đó có việc tìm hài cốt liệt sỹ. May mắn hơn, mới đây gia đình chị đã tìm gặp được cựu chiến binh Nguyễn Xuân Phùng, đồng đội của liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng. Qua ông Phùng, gia đình chị đã vào Bình Dương, gặp được các cựu chiến binh Quý và Quán, hai đồng đội cùng quê Hải Hậu, cùng chiến đấu với liệt sỹ Thắng ở tiểu đoàn Phú Lợi năm xưa. Sau giải phóng, ở lại lập nghiệp trên mảnh đất xưa là chiến trường. Nhờ có sự giúp đỡ của hai người đồng đội, gia đình chị đã tìm gặp được gia đình ông Ba Lý ở Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương). Thời điểm những năm 1970, gia đình ông Ba Lý là cơ sở cách mạng. Thửa ruộng của gia đình ông chính là nơi đã diễn ra trận đánh đêm 1-6-1972. Việc Nguyễn Văn Thắng và các đồng đội hy sinh qua hồi ức của những người trong gia đình ông Ba Lý được tái hiện: Sau khi sát hại các chiến sỹ giải phóng, địch đưa các anh lên xe bò chở ra đường 2 phơi xác các chiến sỹ đã hy sinh trong nhiều giờ để uy hiếp tinh thần quân giải phóng. Sau đó, chúng cho chôn chung trong một hố chôn tập thể ở phần đất phía bên kia đường 2 thuộc địa phận huyện Bến Cát ngày nay. Khoảng năm 1980 chính quyền địa phương đã tiến hành quy tập đưa hài cốt các anh về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Bến Cát. Được sự giúp đỡ, xác minh của các đồng đội, người dân, chính quyền địa phương, gia đình chị đã tìm được mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng trong số rất nhiều ngôi mộ chưa tìm thấy tên tại đây và tiến hành các thủ tục pháp lý, tâm linh, đưa hài cốt liệt sỹ về truy điệu, an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ xã Hải Bắc tháng 5 vừa qua…
Được biết sau ngày giải phóng tiểu đoàn 616 năm xưa bị hy sinh quá nhiều. Hiện ban liên lạc của các ông chỉ liên lạc được với hơn 50 người. Nhiều năm qua, định kỳ, ban liên lạc tổ chức gặp mặt, ôn lại kỷ niệm chiến trường, động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống mới, đặc biệt đặt ra nhiệm vụ thu thập thông tin về các đồng đội đã hy sinh, nhất là thông tin về những đồng đội hy sinh chưa tìm được hài cốt để giúp đỡ thân nhân trong việc tìm kiếm. Ông Phùng cho biết: Thời gian qua ban liên lạc đã thông tin, hỗ trợ nhiều gia đình tìm được hài cốt của 10 liệt sỹ đồng đội ở khắp các chiến trường Đông Nam Bộ, trong đó, cách đây 2 năm đã tìm được hài cốt của liệt sỹ Đoàn Văn Thắng quê ở xã Hải Tân (Hải Hậu) một đồng đội đã chiến đấu, hy sinh cùng liệt sỹ Nguyễn Văn Thắng trong trận đánh đêm 1-6-1972. Ông tâm sự: Tìm lại những đồng đội đã hy sinh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là tâm nguyện thiêng liêng của ông và các đồng đội còn sống, nguyện hết sức, hết lòng để tri ân các anh, những người đã hy sinh vì cuộc sống tốt đẹp hôm nay./.
Trần Duy Hưng