Ngày 26-7-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20L/CTN công bố Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND). Cùng với hệ thống cơ quan Viện KSND các cấp ở miền Bắc từ khu vực Vĩnh Linh, Quảng Trị trở ra, Viện KSND tỉnh Nam Định được thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Viện KSND Tối cao, của Tỉnh uỷ, sự giám sát của HĐND tỉnh; trong suốt 50 năm qua, các thế hệ cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao qua từng thời kỳ cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Viện KSND tỉnh đón nhận Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2009 của Viện KSND Tối cao tặng.
Ảnh: Xuân Thu
|
Ngay từ ngày đầu thành lập, hoạt động công tác kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ yêu cầu bảo vệ thành quả cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển quan hệ sản xuất, đấu tranh chống các đối tượng phản cách mạng và tội phạm nghiêm trọng khác. Những năm 1965-1975, miền Bắc vừa xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa làm nhiệm vụ hậu phương lớn, ngành KSND tỉnh đã thực hiện có hiệu quả các hoạt động bảo đảm tăng cường pháp chế trong thời chiến, nhất là các yêu cầu và bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, vật tư quốc phòng, thực hiện nghĩa vụ quân sự và chính sách hậu phương quân đội, đấu tranh chống các loại tội phạm, góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện sức người, sức của cho miền Nam. Từ sau đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa; quán triệt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và chỉ đạo của Viện KSND Tối cao, hoạt động kiểm sát đã tập trung thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm: Chương trình lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu; chương trình dân số và lao động. Qua kiểm sát ở các lĩnh vực, Viện KSND tỉnh đã phát hiện nhiều vi phạm, kịp thời ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục và thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước, cho tập thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời thường xuyên phối hợp cùng các ngành làm án của tỉnh phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm.
Trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng, căn cứ quy định của Luật Tổ chức Viện KSND năm 1992, công tác kiểm sát đã được tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả trên cả hai mặt công tác là: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội và thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Công tác kiểm sát đã góp phần tích cực giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa yêu cầu phát huy quyền tự chủ, năng động của các đơn vị kinh tế với vai trò quản lý Nhà nước. Trong lĩnh vực bảo vệ trật tự an toàn xã hội, Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật đề xuất biện pháp và tham gia tổ chức Chỉ thị 135/CT ngày 14-5-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về trấn áp tội phạm, kết quả đã góp phần phát hiện xử lý nhiều nhóm và nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Năm 1997, sau 32 năm sáp nhập, Viện KSND tỉnh Nam Định được tái lập. Toàn ngành đã nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động công tác kiểm sát đã tập trung phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là việc chấp hành pháp luật trong quản lý tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, quản lý các chương trình và mục tiêu về giáo dục đào tạo, dân số, y tế... Thông qua công tác kiểm sát, toàn ngành đã phát hiện, kháng nghị sửa đổi hoặc huỷ bỏ hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm, thu hồi nhiều tỷ đồng bị thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Viện KSND tỉnh đã cùng các cơ quan bảo vệ pháp luật đưa ra xử lý nhiều vụ án lớn về kinh tế và nhiều án đặc biệt nghiêm trọng về mua bán trái phép chất ma tuý như vụ: Nguyễn Văn Tám, vụ Tô Ngọc Thà...
Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi bổ sung và Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002 được ban hành trong đó quy định Viện KSND thực hiện quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ngày 2-1-2002 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, tiếp đó ngày 2-5-2005 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49/NQ-TW về chiến lược cải cách tư pháp, trong đó nêu rõ yêu cầu nâng cao trách nhiệm pháp lý của Viện KSND. Qua thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định mới, công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp được đặc biệt coi trọng từ kiểm sát việc xử lý các tin báo tố giác tội phạm, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, việc áp dụng các biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam và cả quá trình điều tra xử lý vụ án. Ngành KSND tỉnh đã phối hợp với các cơ quan: Công an, Toà án nhân dân trong việc điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự, trong đó có nhiều vụ án trọng điểm về ma tuý, tham nhũng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác. Toàn tỉnh không xảy ra việc bắt giam, truy tố, xét xử oan sai, không có việc hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế. Các hoạt động kiểm sát thi hành án, kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, hôn nhân gia đình, lao động và kinh doanh thương mại… thường xuyên được tăng cường; những khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp thuộc trách nhiệm của Viện KSND được giải quyết dứt điểm. Ngoài ra công tác kiểm sát còn góp phần giữ vững an ninh nông thôn và giải quyết dứt điểm những yêu cầu trọng tâm khác ở một số địa bàn trọng điểm của tỉnh.
Cùng với việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần nghị quyết của Đảng, chỉ đạo của ngành, Viện KSND tỉnh luôn chú trọng chăm lo công tác xây dựng ngành về mọi mặt. Từ những ngày đầu mới thành lập số lượng cán bộ ít lại không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, đến nay lực lượng cán bộ của Viện Kiểm sát cả hai cấp đã được tăng cường về số lượng và chất lượng. Trong đội ngũ cán bộ đã có nhiều đồng chí có trình độ thạc sỹ luật học, trên 90% cán bộ tốt nghiệp đại học, nhiều đồng chí được đào tạo cao cấp lý luận chính trị… Qua khó khăn thử thách, đội ngũ cán bộ công chức trong ngành vững vàng về lập trường chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất chính trị, lối sống lành mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức đoàn thể quần chúng luôn được gắn liền với công tác xây dựng ngành; các tổ chức cơ sở Đảng và tổ chức đoàn thể ở cả hai cấp kiểm sát trong tỉnh đều được công nhận trong sạch, vững mạnh.
Với kết quả đã đạt được trong 50 năm xây dựng và trưởng thành, ngành KSND tỉnh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 12 Huân chương Lao động, được Chính phủ tặng Cờ thi đua và 8 Bằng khen, nhiều lần được Viện KSND tối cao, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen; 1 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Lao động; 8 đồng chí được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Phát huy những thành tích đã đạt được trước yêu cầu nhiệm vụ mới, nhất là yêu cầu về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2-5-2005 của Bộ Chính trị, ngành KSND tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ động, tích cực thực hiện thắng lợi chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm; nâng cao chất lượng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính, kiểm sát thi hành án và kiểm sát giải quyết đơn khiếu nại về hoạt động tư pháp của công dân đã đảm bảo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tăng cường công tác xây dựng ngành, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của ngành, kết hợp chặt chẽ nguyên tắc Đảng lãnh đạo và nguyên tắc tập trung thống nhất trong ngành, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tiếp tục xây dựng ngành KSND tỉnh trong sạch vững mạnh, trong đó đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng về chính trị và chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức theo yêu cầu cải cách tư pháp để xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát "Công minh - Chính trực - Khách quan - Thận trọng - Khiêm tốn"./.