Những vấn đề đặt ra trong công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá

08:07, 09/07/2010

Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi TP Nam Định tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ VIII.  Ảnh: Xuân Thu
Tiết mục văn nghệ của thiếu nhi TP Nam Định tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh lần thứ VIII.                                              Ảnh: Xuân Thu
Qua 5 năm triển khai Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hoá nói chung và trên các lĩnh vực hoạt động văn hóa chuyên ngành như: văn hóa thông tin cơ sở (hệ thống các thiết chế văn hóa); hoạt động nghệ thuật biểu diễn; thư viện, bảo tàng, điện ảnh; hoạt động quảng cáo, xuất bản và phát hành sách.

Trên lĩnh vực xã hội hóa các hoạt động văn hóa cơ sở, trong xu hướng "tìm về cội nguồn" theo tinh thần Nghị quyết hội nghị Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng, nhiều loại hình nghệ thuật dân gian trong tỉnh được khôi phục, phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 400 đội văn nghệ quần chúng, 1568 CLB sở thích với nhiều loại hình nghệ thuật dân gian phục vụ nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hoá của nhân dân. Nhiều đội Chèo trong tỉnh hoạt động theo phương thức xã hội hoá, tự đóng góp kinh phí, mua sắm thiết bị âm thanh, trang phục biểu diễn. CLB nghệ thuật truyền thống huyện Ý Yên là một điển hình. CLB ra đời là nơi tập hợp những người yêu thích nghệ thuật Chèo, Ca trù với hơn 30 nghệ sỹ đồng quê là hạt nhân trong các đội văn nghệ quần chúng cơ sở. Bằng tình yêu nghệ thuật sân khấu truyền thống, họ tự viết kịch bản "tự biên, tự diễn" phục vụ nhân dân địa phương vào các dịp lễ hội, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước và địa phương, tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên toàn quốc và khu vực. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế nhà văn hóa (NVH) ở tỉnh ta trong những năm qua có sự phát triển mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 215/229 xã, phường, thị trấn có NVH; 1435/3682 thôn, xóm, tổ dân phố có NVH. Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống và nhu cầu của nhân dân, nhiều địa phương đã kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước, ngân sách của địa phương và thực hiện phương châm "Lấy sức dân, trí dân xây dựng cơ đồ cho dân" để xây dựng các thiết chế văn hoá. Huyện Hải Hậu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, khen thưởng việc xây dựng NVH thôn, xóm như: hỗ trợ 3 triệu đồng xây mới NVH xóm, thưởng 30 triệu đồng cho xã nào hoàn thành 100% NVH thôn, xóm. Chỉ tính riêng năm 3 năm (2006 - 2008), đã xây dựng mới 201 NVH thôn, xóm với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Đến nay, toàn huyện có 100% xã, thị trấn có NVH; 369/550 thôn, xóm, tổ dân phố có NVH.

Công tác xã hội hóa hoạt động bảo tàng ở tỉnh ta ngày càng thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Các câu lạc bộ và hội sưu tầm cổ vật cùng sự ra đời của các bảo tàng tư nhân góp phần khắc phục tình trạng thất thoát cổ vật ra nước ngoài, tạo điều kiện để công chúng tiếp cận với các di vật, cổ vật quý giá của đất nước. Trong lĩnh vực hoạt động bảo tàng đơn vị công lập, Bảo tàng Nam Định hiện có gần 20.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh về các lĩnh vực đời sống, xã hội của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử; trong đó có nhiều bộ sưu tầm cổ vật có giá trị, vừa phong phú ở loại hình vừa đa dạng ở chất liệu. Ngoài việc thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, công tác xã hội hoá ở Bảo tàng Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm, Bảo tàng Nam Định vận động tuyên truyền tới các tổ chức, các cá nhân tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, gìn giữ, tôn tạo các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Qua đó, Bảo tàng tỉnh đã tổ chức tiếp nhận 4 đợt hiến tặng với 496 hiện vật của các tổ chức và cá nhân, trong đó, có nhiều bộ sưu tập cổ vật có giá trị lớn như: sưu tầm gốm thời Lý - Trần, sưu tầm đồ đồng thuộc nền văn hoá Đông Sơn.

Tuy nhiên, công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa ở tỉnh ta phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể, ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Trước hết ở loại hình diễn xướng dân gian, nhiều làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và nghệ thuật truyền thống đang bị mai một hoặc có nguy cơ "thất truyền". Thực tế, các trò chơi như đáo đía, kéo chữ trên sông, hát thanh đề, múa bài bông… giờ đây chỉ còn là "ký ức". Trong việc tổ chức và quản lý lễ hội, không ít nơi chỉ chú trọng đến phần "lễ", xem nhẹ phần "hội", nhất là việc khai thác, bảo lưu những giá trị di sản văn hoá đặc sắc của quê hương từ các trò chơi dân gian, dân vũ. Rồi loại hình âm nhạc độc đáo như hát Xẩm, múa Bài bông, Ca trù phát triển sâu rộng đầu thế kỷ XX thì hiện nay, ngày một "vắng bóng" trong đời sống xã hội, có chăng chỉ xuất hiện tại các liên hoan, hội diễn nghệ thuật được xếp vào loại hình "không chuyên". Điều này cho thấy, công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá và hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá ở một số địa phương chưa sâu rộng, chưa tương xứng với thế mạnh và tiềm năng quê hương.

Vấn đề quản lý Nhà nước đối với hoạt động xã hội hóa dịch vụ văn hoá gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng "bùng nổ" thông tin, công tác quản lý Nhà nước chưa đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá với sự gia tăng về số lượng, sự đa dạng về loại hình, phương tiện. Nhất là đối với các lĩnh vực được coi là nhạy cảm như: hoạt động quảng cáo; hoạt động vũ trường, karaoke; hoạt động trò chơi điện tử; kinh doanh băng đĩa… Theo quy định, các điểm bán và cho thuê băng đĩa có giấy phép hoạt động thì phải có nguồn cung cấp băng đĩa hợp pháp, có bản quyền (do Cty Điện ảnh và chiếu bóng cung cấp). Trên thực tế, lượng băng đĩa do Cty Điện ảnh cung cấp không nhiều, phần lớn các ấn phẩm băng đĩa đang lưu hành tại các cửa hàng kinh doanh trên phần lớn là tự sao chép, in nối bản trái phép hoặc nhập lậu, không rõ nguồn gốc với giá rẻ từ 2 đến 5 nghìn đồng/đĩa. Trong khi đó, một đĩa được dán tem, nhãn có giá cao gấp từ 10 đến 15 lần đĩa tự in sao, nhập lậu. Cùng với sự "bùng nổ" thị trường băng đĩa lậu, là sự phát triển ồ ạt các điểm đại lý Internet công cộng và trò chơi điện tử. Bên cạnh những tiện ích, thì xung quanh những điểm dịch vụ Internet và trò chơi điện tử vẫn tồn tại những hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Phần lớn "khách hàng" đều trong độ tuổi thanh thiếu niên, học sinh, truy cập mạng để chát hoặc chơi game, trong đó có nhiều trò chơi bạo lực hoặc bị biến tướng thành tệ nạn cờ bạc, cá độ, ăn thua gây mất trật tự an ninh công cộng. Nếu không có sự kiểm soát và quản lý chặt chẽ, vô hình chung, các điểm Internet công cộng trở thành nguồn cung cấp những trang Web đen, những thông tin thiếu lành mạnh ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của giới trẻ. Trong lĩnh vực quảng cáo, "lộn xộn" nhất là hình thức rao vặt đã gây bức xúc cho toàn xã hội bằng hình thức dán hoặc sơn lên tường tại những nơi công cộng và khu dân cư, gây mất mỹ quan đô thị. Đối với lĩnh vực hoạt động vũ trường, karaoke, không ít các các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke có biểu hiện vi phạm và tìm mọi cách đối phó, gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra, nhiều phòng hát không đạt tiêu chuẩn hoặc để khách hát đến hơn 12h đêm.

Để nâng cao hiệu quả xã hội hóa các hoạt động văn hóa, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, các chính sách, cơ chế của Nhà nước trong toàn xã hội. Nhất là, có chính sách ưu tiên, đầu tư kinh phí cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, các làng nghề truyền thống; khuyến khích và có cơ chế hỗ trợ đối với các thành phần kinh tế, tư nhân tham gia xã hội hóa các hoạt động văn hóa như các đoàn nghệ thuật tư nhân, bảo tàng tư nhân, những cá nhân tham gia công tác sưu tầm, nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trên các hoạt động văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực quản lý dịch vụ văn hóa, vận động các hộ kinh doanh tự giác thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước; phát động quần chúng, nhân dân ở cơ sở đấu tranh, tố giác với các cơ quan chức năng về những biểu hiện và hành vi vi phạm để kịp thời sử lý theo pháp luật; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra theo định kỳ và đột xuất, kịp thời phát hiện những vi phạm, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm./.

Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com