Làng văn hoá Đông Ngạc và Tiến sỹ Phan Phu Tiên

09:07, 16/07/2010

Làng Đông Ngạc, tên nôm là làng Vẽ, nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Làng nằm bên bờ phía nam cầu Thăng Long. Các dong ngõ, cổng làng đều hướng ra đường An Dương Vương, ra sông Hồng. Làng Đông Ngạc có 44 danh nhân, tiến sỹ trước Cách mạng Tháng Tám, 44 người có học vị tiến sỹ sau Cách mạng Tháng Tám (đến năm 2000). Làng là một điểm đặc biệt trong những điểm an toàn khu của Trung ương Đảng ta thời kỳ 1941-1945, nơi đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh và các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ… thường xuyên đi về, hoạt động cách mạng. Làng Đông Ngạc là điểm sáng trong phong trào xây dựng làng văn hoá của thủ đô Hà Nội… Làng có một danh nhân văn hoá có nhiều đóng góp cho quê hương Thiên Trường - Nam Định, cho lịch sử và văn học thời Trần. Đó là Tiến sỹ Phan Phu Tiên.

Phan Phu Tiên tự Tín Thần, hiệu Mạc - Hiên, người làng Đông Ngạc - tên nôm là làng Vẽ, huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội. Ông đã từng đỗ thái học sinh vào khoa thi cuối cùng của triều Trần năm 1396, rồi làm việc ở Quốc Sử viện của triều Trần. Hồ Quý Ly đoạt ngôi của nhà Trần, ông đi ở ẩn. Khi Lê Thái Tổ dẹp xong giặc Minh xâm lược, ông lại đi thi và trúng tuyển kỳ thi Minh kinh đầu triều Lê năm 1429. Ông được triều đình cho giữ chức An Phủ sứ phủ Thiên Trường một thời gian dài. Từ năm 1448, ông về Kinh làm Quốc Tử Giám bác sỹ Tri Quốc sử viện, vừa dạy học ở Quốc Tử Giám vừa trông nom Quốc sử viện. Năm 1455, Lê Nhân Tông "sai Phan Phu Tiên soạn Đại Việt sử ký từ Trần Thái Tông đến khi người Minh về nước" (BK 11,90). Lời tựa của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng nói rõ: "Bản triều, Nhân Tông lại sai quan tu sử Phan Phu Tiên chép tiếp từ Trần Thái Tông trở xuống cho đến khi người Minh về nước, đều gọi là Đại Việt sử ký".

Trong bài tựa Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết năm Kỷ Hợi, Hồng Đức thứ 10 (1479) có đoạn chép: "Đến đời Trần Thánh Tông, mới sai học sỹ Lê Văn Hưu soạn lại (trùng tu) từ Triệu Vũ Đế trở xuống đến năm đầu Lý Chiêu Hoàng".

Trần Thái Tông làm vua từ 1225 đến 1258. Theo chế độ nhà Trần, năm 1258 Thái Tông nhường ngôi cho con là Thánh Tông, xưng là Thượng hoàng và cùng con trông coi chính sự.

Trong thời gian giữ chức giám tu phụ trách viện Quốc sử, Lê Văn Hưu đã biên soạn Đại Việt sử ký. Bộ sử gồm 30 quyển, chép từ Triệu Vũ Đế (207-136 trước Công nguyên) đến Lý Chiêu Hoàng (1224-1225), hoàn thành và dâng lên vua Trần Thánh Tông năm 1272, trước khi Thượng hoàng Trần Thái Tông qua đời 5 năm (1272-1277). Thượng hoàng Trần Thái Tông và vua Trần Thánh Tông đã phê duyệt bộ sử của Lê Văn Hưu.

Đến thời Lê Sơ, bộ quốc sử do Phan Phu Tiên soạn được coi như kế tục bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu, chép từ Trần Thái Tông đến khi quân Minh bị quét sạch ra khỏi nước ta, tức từ năm 1226 đến năm 1427. Vì vậy, theo cách gọi ngày xưa, bộ sử của Phan Phu Tiên được gọi là Sử ký tục biên hay Quốc sử biên lục. Theo Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú bộ sử của Phan Phu Tiên gồm 10 quyển.

Bộ sử của Phan Phu Tiên cũng như bộ sử của Lê Văn Hưu, đầu tiên được Ngô Sỹ Liên tiếp thu đưa vào bộ Đại Việt sử ký toàn thư, rồi sau đó Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy tiếp tục hiệu chỉnh. Theo bản Chính Hoà tức Đại Việt Sử ký toàn thư - bộ Quốc sử lớn của dân tộc, lần đầu được khắc in toàn bộ và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông tức năm 1697, thì bộ sử của Phan Phu Tiên viết từ Trần Thái Tông đến khi Lê Lợi lên ngôi, tương ứng với các quyển 5, 6, 7, 8, 9 và một phần của quyển 10 của Đại Việt sử ký toàn thư.

Kể từ khi Lê Văn Hưu viết xong Đại Việt sử ký (năm 1272) cho đến lúc nhóm Lê Hy hoàn thành Đại Việt sử ký toàn thư (năm 1697), quá trình biên soạn bộ Quốc sử này đã kéo dài 425 năm. Có thể coi Đại Việt sử ký toàn thư là sản phẩm tiêu biểu của nền sử học chính thống Việt Nam từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVII, kết tinh công sức đóng góp của những nhà sử học nổi tiếng nhất trong thời kỳ lịch sử bấy giờ. Đóng góp vô giá của Phan Phu Tiên là ông đã biên soạn phần lịch sử từ Trần Thái Tông đến khi Lê Lợi lên ngôi, từ 1225 đến 1428.

Phan Phu Tiên chủ yếu là một nhà sử học. Ông còn là soạn giả bộ hợp tuyển thơ văn hoàn chỉnh đầu tiên về thời Lý, Trần và đầu Lê (Lê Sơ). Ông lấy tên bộ hợp tuyển thơ văn là Việt âm thi tập. Tên gọi Việt âm thi tập - tập thơ ghi lại âm thanh của đất Việt - chính là phản ánh tinh thần tự chủ, tự hào về văn hiến của Tổ quốc của Phan Phu Tiên.

Phan Phu Tiên khởi đầu công việc tuyển tập thơ Văn Lý - Trần - Lê Sơ ngay từ những năm sau khi dân tộc ta toàn thắng giặc Minh xâm lược (1428). Đến năm 1433 thì tạm hoàn thành. Sách này có bài tựa của ông viết năm 1433, sau được Chu Xa bổ sung gồm đến 700 bài. Năm 1459, sách được Lý Tử Tấn hiệu đính và cho khắc in.

Sở dĩ có sự tạm dừng công việc trên vào năm 1433 vì ông được bổ "làm An phủ sứ ở tỉnh ngoài", tức rời kinh đô về làm An phủ sứ ở Thiên Trường.

Việt âm thi tập khắc in lần đầu năm 1459, sau đó bị thất lạc. Vì thế năm 1729, một nhóm người có tâm huyết với thơ văn Lý, Trần, Lê Sơ lại khắc in lại. Hiện nay ở thư viện của Viện nghiên cứu Hán Nôm còn giữ được một văn bản không đầy đủ (ngót một nửa) của bản in này.

Dù sao, sau khi giặc Minh xâm lược nước ta, đem về nước nhiều di sản vật thể và phi vật thể, trong đó có sách sử thơ, văn, để xoá trắng nền văn hiến Việt Nam thời Đại Việt, việc viết lịch sử thời Trần từ năm 1225 đến 1427 và làm hợp tuyển thơ văn thời Lý, Trần, Lê Sơ của Phan Phu Tiên là đóng góp vô giá của ông vào lịch sử và văn học nước nhà nhằm chấn hưng văn hoá dân tộc, sau một thời kỳ, bị giặc ngoại xâm cố tình huỷ diệt.

Theo một số công trình gần đây, về những nhân vật lịch sử nước nhà, Phan Phu Tiên còn là soạn giả cuốn Bản thảo thực vật toản yếu (trong Từ điển văn hoá Việt Nam) hay Bản thảo thực vật toát yếu (trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam) hay Thực vật toát yếu (trong Văn hoá khoa bảng làng Đông Ngạc).

Sách Văn hoá khoa bảng làng Đông Ngạc viết: "Ngoài lĩnh vực văn học, sử học cụ Phan còn san định Quốc triều luật, còn sưu tầm gần 400 cây thuốc nam, soạn thảo thành "Thực vật toát yếu", năm 1432 hiện còn lưu ở trường Viễn Đông bác cổ… Cứ xem vậy đủ biết cụ là một nhà Nho uyên thâm, một nhà bác học thông thái, xứng đáng là một danh nhân văn hoá của thời đại, đã được Nhà nước ta lấy tên đặt cho một con đường thuộc nội thành Hà Nội.

*

* *

Nhà sử học, văn học, y học Phan Phu Tiên có những hậu duệ là tiến sỹ thời Nho học và thời tân học đầu thế kỷ XX.

Tiến sỹ Phan Lê Phiên (sau đổi là Phan Trọng Phiên) - tiến sỹ khoa Đinh Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng đời Lê Hiển Tông (1757). Các trước tác ông để lại gồm:

- Càn Nguyên thi tập - là 4 tập thơ góp nhặt thơ chữ Hán, chữ Nôm thời Lê mạt, gồm 200 bài.

- Cao Bằng lục - là bộ địa chí tỉnh Cao Bằng, gồm 3 quyển.

- Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, gồm 4 quyển, liệt kê danh sách những người đỗ Đại khoa từ năm 1075 dưới triều Lý đến năm 1787 dưới triều Lê Chiêu Thống. Sách này ông cùng soạn với các ông Nguyễn Hoán, Vũ Miên và Uông Sĩ Lăng.

Ngoài ra, ông còn viết Phan Thị gia phả (Gia Phả họ Phan) và nhiều câu đối bằng chữ Hán.

Ông Phan Tuấn Phong và Phan Trọng Kiên hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, bị giặc Pháp bắt, đày đi Côn Đảo.

Tiến sỹ luật Phan Văn Trường đã cùng cụ Phan Châu Trinh đẩy mạnh phong trào Việt kiều yêu nước ở Pháp đầu thế kỷ XX. Khi Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến Pari, tiến sỹ Phan Văn Trường đã hết lòng giúp đỡ, nhường nhà ở, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc nâng cao trình độ tiếng Pháp, sưu tầm tài liệu về Chủ nghĩa Mác, về Cách mạng Tháng Mười ở Nga… Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc rời Pari đi Mátxcơva thì tiến sỹ Phan Văn Trường cũng rời Pháp về Việt Nam. Tới Sài Gòn, cộng tác với báo "Tiếng chuông rè", "Nước Nam" để công kích chính sách thực dân, tuyên truyền tinh thần yêu nước và cách mạng. Ông bị toà án thực dân kết án tù. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục mở văn phòng luật sư và tham gia các hoạt động dân chủ của giới trí thức tiến bộ ở Sài Gòn, cho tới khi qua đời, ngày 23-4-1933.

Như vậy, dòng tộc họ Phan, từ cụ Phan Phu Tiên, đã tiếp tục sự nghiệp cầm bút phục vụ Tổ quốc, đóng góp cho sử học, văn học, y học, giáo dục, luật học, báo chí nước nhà, tôn vinh văn hiến làng văn hoá Đông Ngạc - điểm sáng của văn hoá Hà Nội ngày nay./.

Trần Quang Vinh

Sách tham khảo

1 - Đại Việt sử ký toàn thư - Tập I - NXBKHXH 1998.

2- Từ điển văn học - Tập II - NXBKHXH 1984.

3 - Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - NXB Giáo dục, tái bản lần thứ nhất 2005.

4 - Từ điển văn hoá Việt Nam (phần nhân vật chí) - NXB Văn hoá - Thông tin - 1993.

5 - Văn hoá khoa bảng làng Đông Ngạc - NXB Thanh niên - Hà Nội - 2001.

6 - Lược truyện các tác gia Việt Nam - Trần Văn Giáp - NXBKHXH 1972.

7 - Lịch sử xã Đông Ngạc - Ban nghiên cứu lịch sử xã Đông Ngạc - NXB Hà Nội - 1994.

8 - Tiến sỹ Nho học Thăng Long - Hà Nội (1075-1919) Bùi Xuân Đính - NXB Hà Nội - 2003.

9 - Hà Nội di tích lịch sử văn hoá và danh thắng Doãn Đoan Trinh - Trung tâm UNESCO bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc Việt Nam - Hà Nội - 2000.

10 - Phan gia diễn lục (gia phả họ Phan Đông Ngạc, 5 chi) lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.1768.

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com