|
Công đoàn Cty CP may Nam Định bàn biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội trong đoàn viên Công đoàn. Ảnh: Dương Đức |
Thực hiện chương trình phối hợp đẩy mạnh công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong CNVC-LĐ, các cấp công đoàn đã chủ động đổi mới phương pháp tuyên truyền, nội dung tuyên truyền lồng ghép với chương trình văn nghệ, tổ chức cho CNVC-LĐ tiếp xúc trực tiếp với những người đã thành công trong cai nghiện ma tuý, đến nơi có người lao động cư trú để tuyên truyền về nội dung các biện pháp phòng chống tệ nạn xã hội thiết thực, hiệu quả, cấp phát đến CBCNVC-LĐ trên 2000 cuốn sổ tay về chủ đề phòng chống tệ nạn xã hội. Ngoài ra, các cấp công đoàn đã tổ chức hơn 60 lớp bồi dưỡng kiến thức truyền thông về phòng chống ma tuý cho CNLĐ; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho toàn bộ đội ngũ cán bộ các cấp và các ngành; tổ chức huấn luyện quân sự từ 5-10 ngày cho 100% đầu mối của các đơn vị tự vệ trong doanh nghiệp Nhà nước, cơ quan, xí nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn còn phối hợp với các đoàn thể tổ chức phong trào thi đua: "Cơ quan, doanh nghiệp không có ma tuý", "Trường học an toàn", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc theo hướng tự quản, tự phòng, tự bảo vệ". Các CĐCS doanh nghiệp sản xuất phát động nhiều đợt thi đua nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao mức thu nhập, cải thiện điều kiện sống và làm việc, giúp người lao động yên tâm làm việc, không vướng vào các tệ nạn xã hội. Trong Tháng cao điểm phòng chống ma tuý năm 2009, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các CĐCS cho hơn 1000 lượt CNLĐ và cán bộ công đoàn khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh và KCN Hoà Xá về thực trạng, tác hại của tệ nạn ma tuý, trách nhiệm với công tác phòng chống TNXH. LĐLĐ tỉnh còn phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền phòng chống lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho hàng nghìn nữ CNLĐ ở trọ tại xã Mỹ Xá (thành phố Nam Định) và CCN An Xá. LĐLĐ các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Hải Hậu, thành phố Nam Định... tổ chức cho hơn 2000 CBCNVC-LĐ học tập Pháp lệnh Phòng, chống tệ nạn xã hội, cách thức tự phòng, tự bảo vệ... Thông qua các hoạt động, các đơn vị đã đạt được nhiều kết quả thiết thực: Xã Nghĩa Thái xây dựng thành công mô hình điểm về thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ Tổ quốc", Cty cổ phần dệt may Sơn Nam xây dựng thành công mô hình phối hợp phòng chống tệ nạn xã hội giữa công đoàn và lực lượng bảo vệ. Nhận thức được quyền lợi, trách nhiệm của mình với công tác phòng chống tệ nạn xã hội, gần 80% số CĐCS và trên 80% CNVC-LĐ đã ký cam kết không vi phạm tệ nạn ma tuý và các tệ nạn xã hội khác. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn tăng cường phối hợp điều tra, nâng cao trách nhiệm phát hiện, tố giác người mắc tệ nạn xã hội trong CNVC-LĐ, kịp thời phát hiện gần 50 CNVC-LĐ nghi nghiện, có biện pháp kiểm tra xác định chính xác đối tượng nghiện lập hồ sơ quản lý và vận động cai nghiện. Đồng thời xây dựng kế hoạch bố trí việc làm, tạo điều kiện cho vay vốn, hỗ trợ dạy nghề... cho những lao động phục hồi sau khi mắc tệ nạn xã hội tái hoà nhập cộng đồng. Các cấp công đoàn trong tỉnh còn phối hợp với các ngành chức năng vận động hơn 700 đối tượng nghiện hút ma tuý tại gia đình, cộng đồng; cảm hoá gần 200 đối tượng lầm lỡ tái hoà nhập thành công, nhiều trường hợp đã trở lại làm việc ổn định.
Thời gian tới, các cấp công đoàn đã xây dựng phương hướng, nhiệm vụ cụ thể để đạt hiệu quả tích cực nhất trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội trong CNVCLĐ. Theo đó, các cấp công đoàn sẽ chú trọng đẩy mạnh các phong trào "Xây dựng đời sống văn hoá cơ sở", "Cơ quan doanh nghiệp văn hoá"... thu hút CNVCLĐ vào các hoạt động lành mạnh, góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội. Ưu tiên các hoạt động tuyên truyền, giáo dục lối sống cho CNLĐ tại các KCN, CCN tập trung, tăng cường các hoạt động can thiệp giảm thiệt hại cho CNLĐ trẻ để phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội có hiệu quả hơn. Duy trì phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo hoàn thành nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CNVCLĐ, ổn định tâm lý làm việc, không để bị các tệ nạn xã hội lôi kéo. Các CĐCS phải căn cứ vào tình hình đặc điểm cụ thể của đơn vị tổ chức triển khai việc huy động đóng góp, xây dựng các quỹ hỗ trợ công tác phòng chống HIV/AIDS, quỹ vay vốn tạo việc làm, quỹ xoá đói giảm nghèo trong CNVCLĐ để giúp đỡ gia đình CNVCLĐ nghèo có người vướng mắc tệ nạn xã hội./.
Nguyễn Thanh Thuý