Ban giám hiệu trường THPT Mỹ Lộc trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện với tổ bộ môn của trường. Ảnh: Xuân Thu |
Để thực hiện tốt chủ đề năm học mà Bộ GD-ĐT đã đề ra, Sở GD-ĐT đã quan tâm chỉ đạo, triển khai đồng bộ các công tác quản lý giáo dục như quản lý nội dung, chương trình sách giáo khoa, quản lý hoạt động dạy và học, các phong trào của ngành giáo dục, nhân sự, cơ sở vật chất…, trong đó tập trung vào việc quản lý hoạt động dạy và học. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT đã chú trọng công tác quản lý, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như trình độ cho đội ngũ làm công tác quản lý. Ngay từ đầu năm học, Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng quản lý tài chính cho đội ngũ cán bộ quản lý các đơn vị, trường học trong toàn tỉnh. Các hiệu trưởng được bồi dưỡng chương trình tin học SREM quản lý nhân sự, tài sản và chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng Việt Nam - Singapore nhằm đổi mới tư duy lãnh đạo và quản lý các lĩnh vực, hoạt động chủ yếu của nhà trường. Ban giám hiệu các trường đều chú trọng việc xây dựng các tổ trưởng chuyên môn. Các giáo viên trong tổ chuyên môn thường xuyên tổ chức dự giờ, thăm lớp và qua đó rút kinh nghiệm, đúc kết những phương pháp dạy học mới, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng trường. Lãnh đạo ngành yêu cầu mỗi hiệu trưởng phải là người đi đầu trong các hoạt động chuyên môn, đánh giá được đúng năng lực, trình độ của từng giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng cũng như chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để giúp giáo viên phát triển năng lực chuyên môn và phải kịp thời động viên, khen thưởng những giáo viên có thành tích. Coi trọng công tác bồi dưỡng và tự bồi dưỡng của giáo viên; phân công và luân chuyển cán bộ quản lý, giáo viên nhằm tạo sự đồng đều giữa các trường, các vùng miền trong tỉnh. Ngành tiếp tục thực hiện tốt ba cuộc vận động lớn: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'', cuộc vận động "Hai không", "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương tự học và sáng tạo'' và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực'' nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức, nhân cách và kỹ năng sống cho học sinh. Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư, xây dựng. Đến nay, ở bậc mầm non có 3.372 phòng học, đã có 1.960 phòng được xây dựng kiên cố và 1.412 phòng học bán kiên cố; bậc tiểu học có 4.388 phòng học, trong đó có 3.652 phòng học kiên cố, 736 phòng học cấp 4; bậc THCS có 3.180 phòng học, trong đó có 2.753 phòng học kiên cố và 427 phòng học bán kiên cố; bậc THPT có 1.450 phòng học và 203 phòng học bộ môn kiên cố. Đến hết năm học, toàn tỉnh có 450 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó ở bậc mầm non có 89/259 trường, bậc tiểu học có 274/290 trường đạt chuẩn mức độ 1 và 35 trường đạt chuẩn mức độ 2, bậc THCS có 76/245 trường và THPT có 11/42 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Do triển khai đồng bộ và thực hiện có hiệu quả chủ đề năm học nên chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng cao. Tỷ lệ trẻ ở nhà trẻ được nuôi ăn bán trú đạt 86%, tăng 3,6% so với năm học trước; ở mẫu giáo đạt 83%, tăng 1%; số trẻ suy dinh dưỡng ở nhà trẻ còn 8,4%, giảm 1,3%; ở mẫu giáo còn 8%, giảm 1%. 100% trẻ đến trường được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chất lượng dạy và học ở bậc tiểu học được nâng cao. Toàn tỉnh có 99,54% học sinh được học 2 buổi/ngày. Môn Tiếng Anh được đưa vào giảng dạy ở 282/290 trường, với 96% học sinh các lớp 3, 4, 5 học tập, tăng 28,38% so với năm học trước. Môn Tin học được giảng dạy ở 173/290 trường, với 60,5% học sinh các lớp 3, 4, 5, tăng 29,1%. Học sinh có học lực khá, giỏi ở các khối lớp đạt trên 90%. Nền nếp dạy và học ở giáo dục trung học được củng cố. Các nhà trường đều thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình kế hoạch giáo dục, tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện việc đổi mới kiểm tra đánh giá. Sở GD-ĐT đã chỉ đạo phòng giáo dục các huyện, thành phố tổ chức hội giảng, hội thảo một số môn học ở cấp THCS, trong đó các đơn vị phòng giáo dục các huyện Trực Ninh, Ý Yên, T.P Nam Định được đánh giá đạt hiệu quả cao trong các hoạt động này. Với chủ đề hội giảng bậc THPT là "Đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả giờ lên lớp'' ở các môn Ngữ Văn, Toán, Anh, Hóa, Lý, Thể dục, đã có 201/128 giờ dạy giỏi và 57 giờ dạy khá. Phần lớn giáo viên trong tỉnh đã sử dụng công nghệ thông tin là một công cụ quan trọng để đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Sở GD-ĐT đã ban hành tiêu chí đánh giá bài giảng điện tử, giúp giáo viên có định hướng cụ thể về ứng dụng CNTT trong giảng dạy để nâng cao chất lượng. Ở bậc THCS đã có 68,79% học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt và 16,39% đạt học lực giỏi, 41,33% đạt học lực khá, chỉ còn 0,42% có học lực kém. Ở bậc THPT có 66% học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt và 3,26% học sinh đạt học lực giỏi, 35,12% đạt học lực khá, chỉ còn 1,06% học sinh có học lực kém. Chất lượng học sinh giỏi ở các cấp học tiếp tục được giữ vững. Ở cấp tiểu học có 844 em học sinh lớp 5 dự thi ở 2 bộ môn Văn - Tiếng Việt và Toán, đã có 144 em đoạt giải nhất, 332 em đoạt giải nhì, 291 giải ba và 77 giải khuyến khích. Ở bậc THCS đã có 781/1285 em đoạt giải; bậc THPT có 1936 học sinh khối đại trà của 45/54 trường THPT công lập và dân lập dự thi, đã có 1013 em đoạt giải. Khối lớp 12 chuyên có 163 em đoạt giải. Khối GDTX có 199 em dự thi, đã có 89 em đoạt giải… Đặc biệt, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, tỉnh ta có 82/84 em dự thi đoạt giải, chiếm 97,6%, xếp thứ nhất toàn quốc, trong đó có 7 giải nhất, 33 giải nhì, 38 giải ba và 4 giải khuyến khích, là năm thứ 3 tỉnh ta tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu toàn quốc về thành tích thi học sinh giỏi quốc gia.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các đoàn thể, địa phương và với nỗ lực phấn đấu của toàn ngành thực hiện tốt nhiệm vụ năm học với chủ đề "Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục'', ngành GD-ĐT tỉnh đã có những chuyển biến mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống dạy tốt, học tốt của quê hương./.
Hồng Minh