Nét đẹp văn hoá trong gia đình cụ Trần Đình Diệp xóm Hồng Phú, xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc). Ảnh: Xuân Thu |
Trong công tác xây dựng "Gia đình văn hoá" gắn với mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện các mô hình, cách làm có hiệu quả. Từ năm 2001, hưởng ứng phong trào xây dựng gia đình nông thôn văn hoá do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động, Hội Nông dân xã Điền Xá (Nam Trực) đã triển khai xây dựng 5 tiêu chí Gia đình nông dân văn hoá gắn với phong trào "Sản xuất kinh doanh giỏi, xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới". Ý nghĩa của phong trào thực sự là "cú hích" tạo sự chuyển biến về nhận thức của các hội viên về ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, khơi dậy và phát huy làng nghề trồng hoa cây cảnh. Đến nay xã Điền Xá có hơn 2400 gia đình đạt tiêu chuẩn Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi; trong đó có hơn 500 gia đình đạt danh hiệu Gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Nhiều gia đình từ diện "xoá đói giảm nghèo" đã vươn lên, trở thành những gương điển hình trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có thu nhập từ 50 đến 150 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như gia đình các ông: Vũ Viết Hoa, Nguyễn Văn Vinh, Đỗ Đức Thiện. Hay xã Nghĩa Hoà, nay là thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) là địa phương triển khai có hiệu quả xây dựng mô hình "Gia đình văn hoá". Từ năm 2000, Ban chỉ đạo phong trào của thị trấn đã xây dựng các đề án phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương như: đề án trồng cây vụ đông trên đất 2 lúa, phát triển CN- TTCN, dịch vụ thương mại, đề án phát triển xã hội hoá văn hoá, TDTT, xây dựng thiết chế văn hoá, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Gia đình văn hoá, là tiền đề cơ bản để triển khai xây dựng làng văn hoá, tiến tới xây dựng mô hình "xã văn hoá".
Phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" gắn với mục tiêu góp phần thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ Nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh phong trào ở cơ sở, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cán bộ, hội viên với việc thực hiện có hiệu quả công tác DS- KHHGĐ. Uỷ ban MTTQ tỉnh phối hợp với các ngành hữu quan triển khai nhiều biện pháp nhằm phát huy vai trò của gia đình- dòng họ trong việc thực hiện các mục tiêu của chương trình dân số, lồng ghép vào nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống mới ở khu dân cư", cụ thể hoá 6 nội dung thành chỉ tiêu phấn đấu của các khu dân cư, dòng họ, các xứ đạo. Dòng họ Hoàng, thôn Liên Bách, xã Nam Lợi (Nam Trực) đã vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn sớm, con trai 24 tuổi, con gái 22 tuổi trở lên mới xây dựng gia đình. Dòng họ Trần ở thôn Nam Long, xã Xuân Trung (Xuân Trường) có quy ước: mỗi cặp vợ chồng, không phân biệt con trưởng hay con thứ đều chỉ sinh 2 con, dù là 2 con gái cũng không sinh con thứ 3. Cùng với nhiều biện pháp giáo dục thông tin truyền thông có hiệu quả, toàn tỉnh hiện có hàng trăm dòng họ, chi họ nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3. Tiêu biểu là các dòng họ: họ Đặng, họ Vũ xã Nam Hồng (Nam Trực); họ Ngô xã Xuân Tân, họ Hoàng xã Xuân Hồng (Xuân Trường)… Ở các dòng họ này, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường; đời sống của các hộ dân được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới ổn định và phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" ở tỉnh ta còn bộc lộ một số hạn chế. Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phong trào, chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nên phong trào chưa đồng đều. Ban vận động ở một số làng, thôn, xóm, khu phố hoạt động còn yếu và thiếu, chưa phát huy khả năng tập hợp, vận động quần chúng. Công tác bình xét có biểu hiện chạy theo thành tích, số lượng mà chưa coi trọng "chất lượng"; thậm chí, không ít địa phương sau khi được công nhận danh hiệu "Làng văn hoá", "Khu phố văn hoá", "Gia đình văn hoá" vẫn "phát sinh" trường hợp sinh con thứ 3 và các tệ nạn xã hội như: cờ bạc, nghiện hút, bạo lực gia đình. Để phong trào xây dựng "Gia đình văn hoá" nói riêng và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" phát triển bền vững, trước hết, các cấp uỷ Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác xây dựng "Gia đình văn hoá". Nâng cao chất lượng bình xét danh hiệu "Gia đình văn hoá", động viên, khen thưởng và nhân rộng các điển hình "Gia đình văn hoá" trong toàn xã hội. Tiếp tục nghiên cứu toàn diện về các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hoá gia đình, phát huy những giá trị mới, xây dựng mô hình gia đình văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Việt Thắng