Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (kỳ I)

01:06, 09/06/2010

I - Những kết quả đạt được
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, ngành học mầm non tỉnh ta đã có bước phát triển mới. Hàng năm, trẻ đến trường đạt tỷ lệ cao; chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ có chuyển biến tích cực, tạo niềm tin đối với phụ huynh học sinh. Việc các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất trường lớp cùng với đội ngũ giáo viên từng bước được trẻ hóa, "chuẩn hóa’’ đã đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

 

Giờ học hát của cô trò trường mầm non Hoa Hồng
            (TP Nam Định).                                                  Ảnh:
            Thu Hà
Giờ học hát của cô trò trường mầm non Hoa Hồng (TP Nam Định).
                                                                                   Ảnh: Thu Hà

 

Đến thăm trường mầm non Trực Thành (Trực Ninh), chúng tôi được chứng kiến cảnh phụ huynh đưa đón con đến trường, các cô giáo đón nhận các cháu trong không khí vui vẻ, thân thiện. Các phụ huynh cho biết rất yên tâm và tin tưởng khi gửi con, gửi cháu tại trường vì các cô đều rất tận tâm, trách nhiệm chăm sóc dạy bảo các cháu nên các cháu đều trở nên chăm ngoan, khỏe mạnh hơn. Các đồng chí trong ban giám hiệu nhà trường cho biết, để có được sự tin yêu của phụ huynh, nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên thông qua các hình thức sinh hoạt chuyên môn, hội thảo chuyên đề, tham quan học tập trường bạn, động viên giáo viên tham gia các lớp nâng cao trình độ cao đẳng, đại học… Với mức lương còn hạn chế, trong đó có 26/28 giáo viên ngoài biên chế nhà nước, thu nhập cao nhất là 718 nghìn đồng, thấp nhất là 645 nghìn đồng/tháng, nhưng đội ngũ giáo viên nhà trường đều có ý thức luân phiên nhau đi học tự túc để nâng cao trình độ. Hiện tại 100% giáo viên của trường đạt trình độ chuẩn, trong đó có 9 giáo viên đạt trình độ trên chuẩn và đang có 6 giáo viên đang đi học trên chuẩn. Hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, các cô vẫn phải làm ruộng để trang trải cuộc sống gia đình nhưng vì lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô vẫn dành thời gian tự làm những đồ dùng, đồ chơi, sưu tầm và tổ chức các trò chơi dân gian, các bài dân ca, ca dao phù hợp với trẻ để làm phong phú thêm giờ dạy, tạo hứng thú cho trẻ đến trường. Được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, tỷ lệ trẻ đạt sức khỏe kênh A luôn đạt từ 86,7-87%, tỷ lệ trẻ đạt về nhận thức để bước vào lớp 1 luôn cao…
Còn ở trường mầm non Hải Long (Hải Hậu) cô trò cũng ngày ngày say sưa trong mỗi buổi đến lớp, trong ngôi trường trị giá tới vài tỷ đồng do đảng ủy, chính quyền và nhân dân đầu tư xây dựng. Dạy dỗ, chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu khoa học, chất lượng và bằng tình yêu thương của người mẹ hiền, các cô đã đưa nhà trường thành một đơn vị giáo dục mầm non tiêu biểu của tỉnh và của cả nước. Cô giáo Lại Thị Ngoãn, giáo viên nhà trường tâm sự: Đã là giáo viên mầm non thì phải yêu trẻ mới đi theo nghề, vì dạy mầm non thì đi suốt ngày, việc nhà cũng chẳng làm được gì. Lương so với thời giá thì quá thấp, nhưng đến trường phải coi các cháu như con, từ dạy dỗ, bảo ban, vệ sinh cho các cháu đều hết sức mình.
Công việc vất vả, đồng lương eo hẹp nhưng đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non trong tỉnh đều rất nhiệt tình, yêu nghề, mến trẻ, có trách nhiệm cao với công việc được giao. Chính cái tâm của người giáo viên đối với các thế hệ trẻ thơ, cùng với sự chăm lo, đầu tư của các cấp, các ngành và toàn xã hội, ngành học mầm non đã ngày càng khởi sắc, thật sự là nền móng cho các bậc học tiếp theo vươn lên, trở thành tỉnh nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về giáo dục, đào tạo. Với 3 loại hình là công lập, bán công và tư thục, toàn tỉnh hiện có 259 trường mầm non, trong đó có 21 trường công lập, 237 trường bán công, 1 trường tư thục. Ngoài ra còn có 113 nhóm lớp mầm non tư thục, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ thơ. Hàng năm, tỷ lệ trẻ ra nhà trẻ đạt 47,8% tổng số trẻ trong độ tuổi (công lập 5%, bán công 92,5%, tư thục 2,5%), trẻ ra lớp mẫu giáo đạt 94% (công lập 7%, bán công 92,6%, tư thục 0,4%), trẻ ra lớp 5 tuổi đạt 99,9%. Tỷ lệ nuôi ăn bán trú tại trường mầm non đạt 82,8%. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm từ 0,5% - 1,0%, góp phần đưa tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng toàn tỉnh xuống còn 17%. Các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức nuôi dưỡng trẻ đều bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều năm qua không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Đến nay, đã có 137 trường thực hiện thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới, 122 trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức giáo dục trẻ và chương trình cải cách. 100% số trường đăng ký xây dựng "trường học thân thiện, học sinh tích cực’’. Việc đầu tư nâng cấp, cải tạo môi trường, cảnh quan sư phạm "xanh, sạch, đẹp, an toàn’’; tổ chức giáo dục và rèn luyện cho trẻ một số hành vi nếp sống văn minh và tổ chức các trò chơi dân gian, sử dụng các làn điệu dân ca trong các hoạt động giáo dục trẻ được các nhà trường quan tâm. Với tổng số 7.060 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó chỉ có 1.050 giáo viên trong biên chế nhà nước, còn 6.010 giáo viên ngoài biên chế (5.334 giáo viên được hưởng hỗ trợ sinh hoạt phí của tỉnh) nhưng đến nay, toàn ngành đã có 100% cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn đạt chuẩn, trong đó có 80% đạt trình độ trên chuẩn, 70% đạt chuẩn về kiến thức quản lý giáo dục; 92% giáo viên có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 24% trên chuẩn. Chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên ngoài biên chế được tỉnh quan tâm, cải thiện từng bước. Hiện nay, tỉnh đã hỗ trợ cho đội ngũ ngoài biên chế theo hệ số 0,6 và 17% bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu, cùng với nguồn thu học phí và hỗ trợ của một số địa phương, mức thu nhập của đội ngũ giáo viên ngoài biên chế trung bình đạt 650 nghìn đồng đến 850 nghìn đồng/người/tháng. Cơ sở vật chất trường lớp được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Trong 2 năm 2008, 2009, UBND tỉnh chỉ đạo điều tiết từ nguồn trái phiếu Chính phủ ưu tiên cho giáo dục mầm non xóa 739 phòng học cấp 4. Đến nay, toàn tỉnh đã có 84 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ trường có công trình vệ sinh đạt yêu cầu là 71,2%, nguồn nước sạch đạt 92,3%, bếp ăn hợp vệ sinh, đúng quy cách đạt 85% và có 57,4% sân chơi có đồ chơi ngoài trời đạt yêu cầu. Với những nỗ lực trong việc đầu tư cả về con người lẫn vật chất cho bậc mầm non để trẻ em được chăm sóc và giáo dục toàn diện đã thể hiện sự quan tâm của tỉnh, của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của nhân dân đối với ngành học. Tuy nhiên, ngành học mầm non vẫn còn những khó khăn, cần có những giải pháp cơ bản và lâu dài để tạo bước chuyển biến mới, vững chắc và toàn diện hơn./.

(Còn nữa)
Hồng Minh


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com