Cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh xác định mẫu bệnh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch. Ảnh: Xuân Thu |
Để chủ động phòng chống dịch bệnh mùa hè, hàng năm, TTYTDP tỉnh đều xây dựng kế hoạch công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè gửi đến TTYTDP các huyện, thành phố, trong đó xây dựng mục tiêu biện pháp phòng chống đối với từng loại bệnh, từng nhóm bệnh, chú trọng đặc biệt đến những dịch bệnh thường xuyên xảy ra như dịch sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, tiêu chảy cấp... Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức tập huấn cho mạng lưới cán bộ làm công tác phòng chống dịch từ tỉnh đến cơ sở về công tác giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên, phác đồ điều trị ban đầu, công tác thống kê, báo cáo cơ chế thông báo dịch, phương án tác chiến khi có dịch lớn xảy ra. Trong công tác phòng chống dịch, hoạt động giám sát đóng vai trò quan trọng giúp phát hiện những ca bệnh đầu tiên, ngăn chặn kịp thời khi dịch bệnh mới xuất hiện. Vì vậy mạng lưới giám sát được ngành Y tế xây dựng mở rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở xã, phường, thôn xóm, huy động sự tham gia của các bệnh viện, các cơ sở y tế tư nhân. Hàng năm, TTYTDP tỉnh, các huyện, thành phố đều tổ chức phúc tra các ổ dịch cũ, giám sát chặt chẽ véc tơ truyền bệnh, thực hiện các biện pháp khẩn cấp diệt muỗi và bọ gậy khi có chỉ số véc tơ cao. Từ đầu hè đến nay, TTYTDP tỉnh đã phối hợp với TTYTDP các huyện, thành phố tiến hành phúc tra tại các gia đình có bệnh nhân mắc tả trong vụ dịch năm 2009 tại 4 huyện trọng điểm là Trực Ninh, Ý Yên, Hải Hậu, Xuân Trường, tổ chức lấy mẫu phân, mẫu nước để tìm nguy cơ gây dịch, giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại các huyện có đông người đi làm ăn xa có nhiều nguy cơ lây bệnh. Bên cạnh đó, TTYTDP tỉnh, các huyện, thành phố thành lập các đội phòng chống dịch cơ động với đầy đủ các trang thiết bị, thuốc men, tổ chức thường trực 24/24 giờ và thực hiện chế độ báo dịch hàng ngày trong những đợt cao điểm khi có dịch lớn xảy ra. Năm nay, với dự báo thời tiết sẽ nắng nóng bất thường, nhiều nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm như tả, sốt xuất huyết, cúm A sẽ quay trở lại, ngành Y tế đã chuẩn bị sẵn sàng với 2 cơ số thuốc phòng chống dịch tả, 2 cơ số thuốc phòng chống sốt xuất huyết, 700 kg Cloramin bột, 20 máy phun hoá chất, 500 khẩu trang N95...
Tuy nhiên, trong công tác phòng chống dịch, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần có sự "vào cuộc" của cấp uỷ, chính quyền các địa phương, sự phối kết hợp của các ngành có liên quan cùng sự tham gia của cả cộng đồng. Mỗi người dân cần tạo thói quen và ý thức giữ vệ sinh ngay trong gia đình và môi trường xung quanh, thường xuyên làm vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, diệt muỗi, bọ gậy là trung gian truyền các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản... Giữ gìn nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ. Cần thực hiện các quy định về VSATTP, ăn chín, uống sôi, không ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín như nem, gỏi, tiết canh, rau sống, không ăn thức ăn đã bị ôi thiu, mốc hỏng, các loại thực phẩm có nguồn gốc không rõ ràng để đề phòng các bệnh lây qua đường tiêu hoá. Khi có dịch xảy ra trên địa bàn cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền để nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch, không để dịch bệnh lây lan...
Hoài Phương