Xây dựng đội ngũ lao động chuyên nghiệp, lành nghề

08:15, 20/10/2022

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh: Hàng năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế đều tăng, bình quân giai đoạn 2005-2020 tăng 0,14%/năm; cơ cấu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản; năng suất lao động giai đoạn 2005-2020 tăng bình quân 14,4%/năm. 

Công ty TNHH Quốc tế KAM FUNG Việt Nam (Giao Thủy) bố trí chuyên gia nước ngoài trực tiếp hướng dẫn, nâng cao kỹ năng chuyên sâu cho người lao động theo nhu cầu sản xuất của đơn vị.

Tuy nhiên, theo phản ánh của ngành Công Thương và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN): Mặc dù nhiều KCN, CCN trong quy hoạch chưa đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác thu hút nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất kinh doanh đầy đủ nhưng đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh gay gắt, khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành nghề, lĩnh vực, nhất là trong các ngành dệt may, thủy sản và xây dựng. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu lao động có chất lượng cao, có kỹ năng tay nghề. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do sau khi đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, người lao động có xu hướng quay trở lại các đô thị, vùng kinh tế lớn, trọng điểm. Nhiều lao động tại chỗ chưa được đào tạo nghề theo các yêu cầu chuyển đổi số nên không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, các chính sách thu hút, tuyển dụng của doanh nghiệp tại địa phương chưa hấp dẫn, khó thu hút được nguồn lực lao động có trình độ, năng lực cao đã làm việc ở các trung tâm công nghiệp lớn, có kinh nghiệm và kỹ năng nghề tốt. Ngoài ra, theo phản ánh của các doanh nghiệp: Nghị quyết số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định tăng mức lương tối thiểu từ ngày 1-7-2022 bình quân 6% so với trước nhưng trên thực tế mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động đã cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định. Vì vậy, việc tăng mức lương tối thiểu trên thực tế không làm tăng thêm thu nhập cho người lao động nhưng lại tạo áp lực cho doanh nghiệp do phải tăng các khoản chi phí được tính tỷ lệ theo lương trong cấu thành giá sản phẩm trong khi không thể thay đổi giá bán của các đơn hàng đã ký kết, ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất, khó khăn cho quá trình phục hồi sau dịch COVID-19, đặc biệt đối với những ngành có mức thâm dụng nhiều lao động như xây dựng, dệt may, da giày, thủy sản, công nghiệp…

Trước thực trạng kể trên, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng tăng cường phối hợp, thực hiện các biện pháp thiết thực để tháo gỡ. Trước mắt, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động cục bộ ở một số ngành nghề, lĩnh vực. Các ban, ngành chức năng theo dõi sát tình hình, diễn biến lao động, nhu cầu sử dụng mới lao động của các doanh nghiệp; tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng lao động; cải cách thủ tục hành chính; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật lao động nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và tạo điều kiện để người lao động có việc làm ổn định. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền để các ngành, các địa phương và bản thân các doanh nghiệp nâng cao nhận thức về quy luật cung - cầu trong cung ứng, sử dụng lao động. Từ đó giúp đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực cung ứng, đào tạo lao động và các doanh nghiệp hiểu rõ việc ngoài yêu cầu từ người lao động phải đảm bảo tay nghề, tác phong công nghiệp, nhất là các tiêu chuẩn của chuyển đổi số thì bản thân các doanh nghiệp cũng phải nâng cao các giá trị hưởng lợi cho người lao động như hạ tầng phục vụ sản xuất, các chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đủ sức hấp dẫn để thu hút, cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương tăng cường vận động các doanh nghiệp nghiên cứu, cải thiện mức lương và các chế độ ưu đãi (đi lại, tiền ăn…) để giữ chân lao động an tâm làm việc và lan tỏa thu hút nguồn lao động từ các địa phương lân cận đến làm việc.

Về lâu dài, trong nhiệm vụ đảm bảo đủ nguồn cung lao động, nhất là lực lượng lao động chuyên nghiệp, lành nghề, các ngành, các địa phương cần tăng cường bám sát vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sắp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phương án phát triển các ngành nghề, lĩnh vực và định hướng cũng như kết quả thu hút đầu tư của tỉnh, các huyện, thành phố. Từ đó có căn cứ để xây dựng định hướng, lộ trình và kế hoạch, chương trình đào tạo, cung ứng nhân lực sát với nhu cầu sử dụng lao động theo từng lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, doanh nghiệp. Đáng lưu tâm, các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng phải cẩn trọng trong lựa chọn, thu hút nhà đầu tư có thực lực kinh tế để đảm bảo đầu tư dự án theo đúng chương trình xúc tiến, cam kết và quyết định phê duyệt đầu tư. Đồng thời các ngành, các địa phương phải  tăng cường phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng bám sát để triển khai hiệu quả các quy định hướng dẫn hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách về liên kết, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, trong đó quy định rõ quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong liên kết, hợp tác đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo. Phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ thông tin đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng bằng hình thức trực tuyến; tổ chức các hoạt động kết nối, giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các huyện, thành phố hoặc liên kết với các địa phương trong vùng, liên vùng hoặc trên toàn quốc. Đầu tư hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến hiện đại để trực tiếp kết nối giữa người lao động, người sử dụng lao động, không bị rào cản về không gian địa lý. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh triển khai các hoạt động phát triển nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm, tiệm cận trình độ quốc tế đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong tình hình mới; tham mưu cơ chế, chính sách thiết thực để huy động và sử dụng hiệu quả mạng lưới tri thức người Nam Định trong và ngoài nước, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều cấp bậc. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực hàng năm triển khai hoạt động hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho đội ngũ quản lý doanh nghiệp; nâng cao kỹ năng, chuyển đổi ngành, nghề cho người lao động. Bằng các cách đó, các ngành, các địa phương hướng đến mục tiêu sớm khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành; đảm bảo đủ nhu cầu lao động theo tiến độ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp của tỉnh theo quy hoạch./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



Tổng hợp tin đăng việc làm mới nhất đơn hàng visa đặc định Áo phản quang chính hãng

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com