Nhằm thúc đẩy phát triển phong trào sinh vật cảnh (SVC) thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn, thời gian qua Hội SVC tỉnh đã tích cực tuyên truyền, thu hút đông đảo người dân tham gia để phát triển hội viên, tổ chức Hội cơ sở, tổ chức các hoạt động nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng cho hội viên và định hướng phát triển sản phẩm SVC gắn với nhu cầu thị trường.
Hội viên Phạm Ngọc Cường, Hội Sinh vật cảnh xã Liên Bảo (Vụ Bản) chăm sóc, tạo thế cho cây. |
Được các cấp ủy Đảng từ huyện, xã và Hội SVC tỉnh quan tâm, hỗ trợ, nghệ nhân SVC Việt Nam Phan Văn Thìn ở xóm Phố, xã Hồng Quang (Nam Trực) cùng với một số hội viên trong xã đứng ra vận động, thành lập Hội SVC xã. Qua một thời gian vận động, Hội đã thu hút được trên 80 người là những nghệ nhân, tâm huyết, nhiệt tình với phong trào SVC của địa phương, chia thành 7 chi hội ở cơ sở thôn, xóm, tổ dân phố. Đầu tháng 9-2022, Hội SVC xã Hồng Quang đã tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2022-2027 với sự tham gia của 100% hội viên. Chào mừng thành công của đại hội, từ ngày 4 đến 16-9, Hội đã tổ chức triển lãm các tác phẩm SVC của hội viên để các hội viên tham quan, tìm hiểu và giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế, sáng tạo những tác phẩm SVC phù hợp với thị hiếu và xu hướng thị trường hiện nay. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội SVC xã Hồng Quang Phan Văn Thìn cho biết: Thời gian gần đây, phong trào SVC phát triển khá đồng đều ở các thôn, xóm. Nhiều gia đình hội viên Hội SVC đã tích cực đầu tư để phát triển kinh tế theo mô hình nhà vườn chuyên sản xuất, kinh doanh SVC với kỹ thuật cao. Tiêu biểu như các hội viên: Nguyễn Duy Nghị, xóm Cầu Vòi; Phan Văn Quân, xóm Rạch; Đoàn Văn Thành và Phan Văn Tuyến ở xóm Phố… Các khu nhà vườn được đầu tư xây dựng quy mô đa dạng chủng loại cây. Nhiều tác phẩm tại các nhà vườn có giá trị tiền tỷ. Không chỉ cung cấp các loại cây cảnh cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, các nghệ nhân SVC, các nhà vườn còn nhận thi công trang trí hoa, cây cảnh từ các khuôn viên tư gia, công sở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi... ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ước tính các hội viên SVC của xã đạt doanh thu 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập từ 10-12 triệu đồng/ người/tháng. Phong trào SVC còn góp phần quan trọng tạo không gian xanh, sạch trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Những năm gần đây, nhận thấy thị trường cây cảnh nghệ thuật có nhiều thay đổi, Hội SVC tỉnh đã chủ động định hướng các cấp hội ở cơ sở hướng dẫn hội viên từng bước chuyển sang sản xuất, kinh doanh các loại cây hoa trang trí, cây bóng mát để thích ứng. Bằng kinh nghiệm, kỹ năng của những nghệ nhân lành nghề nên các sản phẩm do mỗi hội viên sáng tạo, vun trồng, chăm sóc, cắt tỉa đã được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. Hiện nay, nhiều hội viên đã đầu tư xây dựng và tạo lập nhà vườn với diện tích hàng nghìn m2 trồng các loại cây như: mẫu đơn, tường vi, sanh, si; các loại cây thế, cây bonsai, cây công trình, bóng mát với tổng giá trị hàng tỷ đồng… Trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, mặc dù thị trường có nhiều biến động song nhiều hội viên vẫn có thu nhập cao, tiêu biểu như: Nghệ nhân SVC Việt Nam Nguyễn Công Khanh, Đỗ Duy Bắc, Đỗ Duy Quân xã Điền Xá (Nam Trực) đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng; Trần Đăng Khoa, thành phố Nam Định đạt 750 triệu đồng…
Đồng chí Phùng Văn Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội SVC tỉnh cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội SVC trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc cây cảnh; đẩy mạnh phong trào tìm tòi, sáng tạo các loại hoa, cây cảnh đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Các cấp Hội SVC đã phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Trung tâm dạy nghề các huyện, thành phố Nam Định tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề, chế tác SVC cho trên 1.000 hội viên ở các địa phương. Tham gia các lớp đào tạo này, hội viên được trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật trồng hoa, nhất là các loài hoa cao cấp, cây cảnh truyền thống, cây cảnh nghệ thuật, đá mỹ nghệ, đá phong thủy, chim, thú cảnh; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Bên cạnh đó, Hội SVC tỉnh còn tổ chức nhiều cuộc hội thảo, triển lãm cây tại các nhà vườn tiêu biểu Phan Văn Thìn, Mai Xuân Thỉnh, Đỗ Văn Cường… để tạo cơ hội cho hội viên, người làm và người chơi cây cảnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, giúp hội viên học hỏi kỹ thuật xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh SVC, nắm bắt xu thế thị trường.
Để thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế SVC, Thường trực Hội SVC tỉnh đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh và trực tiếp làm việc với Huyện ủy, UBND các huyện nhằm thu hút sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền nhằm củng cố, kiện toàn tổ chức Hội các cấp; hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật và định hướng cho người dân phát triển các vùng chuyên canh SVC. Chú trọng xây dựng các ban nghệ nhân SVC làm nòng cốt để tuyên truyền, quảng bá, giao lưu, học hỏi, tổ chức các buổi hội thảo nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ phát triển SVC, nhất là kỹ năng tạo hình thế cho cây. Hiện, toàn tỉnh có 12 ban nghệ nhân SVC với 298 nghệ nhân, trong đó có 40 nghệ nhân là hội viên SVC Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hội SVC tỉnh, đến nay diện tích trồng hoa, cây cảnh của tỉnh đạt gần 1.900ha. Toàn tỉnh có 1.289 nhà vườn, trang trại, 35 câu lạc bộ, 16 doanh nghiệp, 28 làng nghề SVC và 20 tổ chức hoạt động SVC. Nhiều mô hình trang trại, gia trại - kinh tế vườn, doanh nghiệp SVC và câu lạc bộ nghệ nhân SVC đang được xây dựng và duy trì phát triển rất hiệu quả, chuyên sâu, làm nòng cốt cho phong trào kinh tế SVC ở các địa bàn phát triển rộng khắp, đồng đều ở các địa phương. Nhờ đó thu nhập từ kinh tế SVC toàn tỉnh hàng năm ước đạt 200 tỷ đồng; giá trị canh tác bình quân đạt từ 250-300 triệu đồng/ha/năm.
Với sự nỗ lực của Hội SVC tỉnh, từ một phong trào chuyển đổi sản xuất, SVC đang dần trở thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương và còn là nghề góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường./.
Bài và ảnh: Văn Đại