Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, (TCĐ), Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Sở KH và CN) đã tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Xăng dầu là một trong những mặt hàng yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Công ty Cổ phần Hoàng Sa, thành phố Nam Định). |
Trong công tác tiêu chuẩn hóa, năm 2021, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phổ biến và hướng dẫn cho 12 doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa; 15 doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch; rà soát hệ thống tiêu chuẩn TCVN hiện đang lưu giữ tại Chi cục phục vụ công tác quản lý; cập nhật, bổ sung dữ liệu về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ công tác quản lý. Trước yêu cầu vừa phải tăng cường công tác quản lý Nhà nước về Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trên địa bàn tỉnh, đồng thời tránh việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp, hàng năm, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở tham mưu, trình Giám đốc Sở KH và CN phê duyệt kế hoạch thực hiện các cuộc kiểm tra đối với các lĩnh vực. Đặc biệt là các cuộc thanh tra, kiểm tra đòi hỏi cần có yêu cầu nghiệp vụ, trang bị kỹ thuật khá cao trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh: vàng trang sức mỹ nghệ; xăng dầu; thiết bị điện, điện tử, mũ bảo hiểm xe máy; vận tải hành khách bằng xe taxi; đồ chơi trẻ em… Từ đầu năm 2022 đến nay, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiếp nhận, xử lý 14 khiếu nại về phương tiện đo trong kinh doanh điện năng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn 4 huyện Xuân Trường, Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định. Chi cục đã lập đoàn giám sát và trưng cầu giám định; kết quả, phát hiện 1 công tơ 3 pha kiểu cảm ứng không đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường, nguyên nhân là do chập cháy trong quá trình sử dụng. Đã thành lập Đoàn kiểm tra tổ chức 11 đợt kiểm tra Nhà nước về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa tại 151 cơ sở kinh doanh xăng dầu, taximet (đồng hồ xe taxi) gắn trên xe taxi, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ và thiết bị điện, điện tử trên địa bàn tỉnh. Kết quả, các cơ sở được kiểm tra cơ bản đã chấp hành các quy định Nhà nước về đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa trong hoạt động kinh doanh. Về phép đo, đã phát hiện 2 cột đo xăng dầu của 2 cơ sở có sai số vượt giới hạn cho phép. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở tạm dừng sử dụng, khắc phục, kiểm định lại và báo cáo về Chi cục. Ngoài ra, Chi cục cũng tiếp nhận 58 hồ sơ đăng ký kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu, chủ yếu là các mặt hàng của các Công ty: Cổ phần Khoái Lạc Phúc và TNHH Bao bì kim loại CFC đều ở thành phố Nam Định, kết quả tất cả chất lượng các sản phẩm nhập khẩu đều đạt yêu cầu… Thời gian qua, Chi cục đã tham mưu Sở KH và CN phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh phổ biến, hướng dẫn, vận động các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đăng ký tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2022. Qua khảo sát trực tiếp tại 4 doanh nghiệp vận động, đã lựa chọn Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia năm 2022. Hiện Chi cục đang hướng dẫn doanh nghiệp viết báo cáo tham dự.
Thực hiện công tác quản lý đầu mối về chất lượng sản phẩm hàng hóa, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Cục Quản lý thị trường Nam Định phổ biến hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện áp dụng quy chuẩn kỹ thuật, công bố tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa, đăng ký sử dụng mã số, mã vạch cho sản phẩm hàng hóa, hướng dẫn thực hiện công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy đối với các sản phẩm hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của các Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở NN và PTNT. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Chi cục đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường Nam Định kiểm tra chất lượng tại 1 cửa hàng xăng dầu; đo khảo sát chất lượng xăng, dầu cho 2 doanh nghiệp; trả lời việc xác minh mã số, mã vạch của dầu gội Pantene liên quan đến người sử dụng mua trên thị trường nghi ngờ là hàng giả. Phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản khảo sát, hướng dẫn 7 doanh nghiệp đề xuất nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa. Phối hợp với Cục quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) kiểm tra 3 đơn vị phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh. Kết quả, 3 đơn vị thực hiện các quy định Nhà nước về đo lường; có 2/3 đơn vị thực hiện các quy định Nhà nước về tiêu chuẩn, chất lượng; 1 đơn vị có nghi ngờ về tiêu chuẩn, chất lượng đã được lấy 1 mẫu dầu DO để thử nghiệm. Qua đó đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng của Chi cục, đồng thời hỗ trợ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.
Đồng chí Đào Việt Hà, Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác quản lý Nhà nước được Chi cục chủ động, tích cực thực hiện kịp thời theo các yêu cầu, chỉ đạo của Bộ KH và CN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, UBND tỉnh, Sở KH và CN. Công tác kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo kế hoạch phê duyệt được thực hiện đúng trình tự, không chồng chéo. Số lượng cơ sở kiểm tra không tăng nhưng phương thức kiểm tra được thay đổi đã phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm về đo lường, chất lượng. Trong quá trình kiểm tra, Chi cục còn tăng cường phổ biến, hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết các khiếu nại về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đúng thời hạn, đúng quy định pháp luật, không có phàn nàn. Tuy nhiên một số Chương trình, Đề án của Chính phủ đã ban hành nhưng khó triển khai do chưa có hướng dẫn cơ chế tài chính cụ thể. Từ đó gây khó khăn vận động doanh nghiệp tham gia với các hoạt động về đảm bảo đo lường; nâng cao năng suất, chất lượng trong sản xuất; truy xuất nguồn gốc, giải thưởng chất lượng… Việc phối hợp triển khai chức năng quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng với cấp huyện chưa được triển khai.
Thời gian tới, Chi cục tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, mã số, mã vạch. Tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm hàng hóa đảm bảo đúng yêu cầu, kế hoạch được phê duyệt. Triển khai các nhiệm vụ thực hiện đề án, chương trình: truy xuất nguồn gốc; nâng cao năng suất, chất lượng; đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công chức chuyên môn để tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên thị trường./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh