Mục tiêu căn cơ của chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn trên nền tảng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Vì vậy, phát triển kinh tế nông thôn sẽ tạo tiền đề để thực hiện thành công xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa của tỉnh ta đã đạt trên 90%. |
Bám sát tinh thần chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết 26/NQ-TW (khóa X) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung phát triển kinh tế nông thôn nên đã tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh ổn định. Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa sản phẩm nông nghiệp ngày càng tăng. Cùng với việc sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, ngành Nông nghiệp đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời vụ; ứng dụng cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất; chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình canh tác hiệu quả hơn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa, trình độ thâm canh sản xuất của nông dân không ngừng được nâng lên. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông dân thuê gom, tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất, phát triển kinh tế trang trại, gia trại. Từng bước hình thành các mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp, HTX nông nghiệp và nông dân. Đến nay, tỉnh đã phát triển được 36 chuỗi liên kết giá trị, góp phần tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân. Kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp đã góp phần làm tăng giá trị sản phẩm bình quân trên mỗi ha đất canh tác (giá so sánh 2010) từ 64,54 triệu đồng/ha năm 2008 lên 120 triệu đồng/ha năm 2021. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội vừa qua, ngành Nông nghiệp đã khẳng định vai trò là “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng đạt 3,2% trong bối cảnh các điều kiện cho sản xuất, các chuỗi giá trị bị đứt gãy, gián đoạn, ngừng trệ. Mặt khác, sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp cũng dẫn đến sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn, chuyển dịch một số lượng lớn lao động trẻ, có tri thức sang các ngành kinh tế phi nông nghiệp có hiệu quả cao hơn.
Khoa học công nghệ ngày càng được ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng của ngành. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã tập trung hỗ trợ nông dân đầu tư máy móc vào các khâu làm đất, phun thuốc trừ sâu và thu hoạch. Đến nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%, khâu thu hoạch đạt trên 90%, khâu gieo cấy đạt khoảng 15%. Trong chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại đều áp dụng hệ thống chuồng trại khép kín từ cung cấp nước, thức ăn tự động, trong đó 100% hộ nuôi lợn quy mô công nghiệp sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm cho lợn con, hệ thống máng ăn, núm uống tự động, hầm biogas. Trong lĩnh vực nuôi thủy sản, hầu hết các hộ nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, 100% diện tích nuôi được cơ giới hóa đồng bộ ở tất cả các khâu: đào ao, hồ, nạo vét, cung cấp nước, sục khí, chế biến thức ăn. Ngoài ra, hoạt động chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ đã hỗ trợ các địa phương xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý phát huy giá trị, lợi thế cho nông sản, nhất là các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương.
Kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn ngày càng được hoàn thiện. Cơ sở hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển nhanh về cả số lượng và chất lượng. Trong giai đoạn 2010-2022, toàn tỉnh đã xây dựng mới và nâng cấp được hầu hết các tuyến đường giao thông quan trọng, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các địa phương trong tỉnh và giao thông đối ngoại với các tỉnh trong khu vực; các tuyến đường trục xã, liên xã được trải nhựa, bê tông hóa; nhiều tuyến đường trục chính nội đồng được cứng hóa đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện… Hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện, đồng bộ, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương. Cơ sở vật chất hạ tầng thương mại nông thôn đã có bước phát triển cả về số lượng và quy mô, đa dạng về loại hình. Ở nhiều địa phương, các phương thức phân phối bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích đã bắt đầu phát triển và hoạt động hiệu quả. Kinh tế nông thôn phát triển nên thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, rút ngắn khoảng cách thu nhập so với khu vực thành thị; tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm nhanh…
Tuy nhiên, hiện nay kinh tế nông thôn phát triển chưa đồng đều. Kết quả xây dựng NTM theo chuẩn tiêu chí mới được ban hành còn không ít khó khăn. Quy mô sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ, chủ yếu ở mô hình kinh tế hộ. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được những sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc gia và có giá trị gia tăng cao. Mối liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp và nhà khoa học còn hạn chế và thiếu bền vững. Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số địa phương vẫn diễn ra, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nông sản chuyển biến chưa thực sự rõ nét. Chất lượng đạt chuẩn NTM và công tác duy trì bền vững kết quả sau đạt chuẩn còn nhiều hạn chế. Một số công trình hạ tầng đã hoàn thành nhưng không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên nên đang xuống cấp.
Vì vậy, để thực hiện được “mục tiêu kép” là phát triển bền vững kinh tế nông thôn và xây dựng NTM, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thay đổi tư duy, nếp sống, thói quen sản xuất của người dân nông thôn, sản xuất nông nghiệp phải gắn nhu cầu của thị trường. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn dựa trên ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh. Khuyến khích và tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhằm thu hút các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản hàng nông sản. Có chính sách cụ thể hơn về tiếp cận đất đai, nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại quy mô lớn và phát triển các chuỗi liên kết bền vững. Chú trọng thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. Tập trung huy động vốn và hỗ trợ tài chính cho quá trình phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng NTM. Chú trọng huy động nguồn lực để đầu tư cho khu vực nông thôn, nhất là các địa phương còn khó khăn về nguồn thu hoặc chưa đạt chuẩn NTM nâng cao, kiểu mẫu, tạo sự phát triển đồng đều giữa các địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại