Phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động, phong trào phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, nhiều cán bộ Đoàn còn hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, thanh niên khác thông qua việc chuyển giao công nghệ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, cùng nhau vươn lên làm giàu.
Mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên Bùi Thị Vân Anh, xã Nam Phong (thành phố Nam Định) tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Từ nhiều năm nay, anh Đỗ Công Linh ở xã Điền Xá (Nam Trực) đã mạnh dạn phát triển trồng hoa phong lan và cho hiệu quả kinh tế cao. Thăm vườn lan của gia đình anh Linh, người dân, du khách không thể rời mắt trước vẻ đẹp của hàng nghìn giỏ lan đủ các loại đang khoe sắc, tỏa hương. Anh Linh chia sẻ, xã Điền Xá quê anh nổi tiếng khắp nơi với nghề trồng hoa, cây cảnh. Bản thân anh cũng đam mê tìm hiểu, nghiên cứu và yêu thích trồng, chăm sóc cây cảnh từ nhỏ, đặc biệt là hoa phong lan. Ban đầu, anh cải tạo 300m2 vườn của gia đình để làm nơi trồng, treo hoa lan. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, vườn lan của gia đình phát triển tốt, được nhiều người biết đến. Năm 2016, anh mở rộng diện tích trồng lan khoảng 1.000m2, đồng thời vay mượn của người thân, bạn bè gần 1 tỷ đồng để xây dựng vườn kiên cố, phía trên có mái che, khung vườn bằng thép chắc chắn. Trong vườn được bố trí hai sàn trồng lan với hệ thống tưới tự động. Hiểu được đặc tính của cây lan, anh áp dụng kỹ thuật làm vườn lan với tiêu chí ẩm mà không ướt, sáng nhưng không nắng trực tiếp, thoáng nhưng không nhiều gió để các loại lan phát triển. Anh Linh cho biết, hiện tại vườn lan của gia đình có thể chịu được gió bão cấp 8, nhiệt độ trong vườn luôn dao động khoảng 30 độ C. Vườn lan luôn thoáng, mát cả trong những ngày hè. Sau nhiều năm gây dựng, vườn lan của gia đình anh Linh có đủ loại như: đai trâu, hoàng nhạn, phi điệp, tam bảo sắc, bạch nhạn...; trong đó lan đai trâu chiếm 60%. Các giống hoa được anh nhập về từ Lào, Thái Lan, Căm-pu-chia và các tỉnh miền núi phía Bắc. Với sự sáng tạo, cây giống sau khi nhập về được anh trồng, chăm sóc, tạo dáng thế phù hợp để khi ra hoa sẽ tạo thành một tác phẩm mang nét đẹp từ dáng cây đến hương, sắc hoa. Theo anh Linh, người trồng lan cần tìm hiểu kỹ đặc tính từng loại lan để có phương thức phòng bệnh và sâu hại, tạo môi trường phù hợp để cây sinh trưởng, phát triển và cho hoa như mong muốn. Trước đây, anh Linh thường dùng giá thể trồng hoa là gỗ lũa nhưng để tạo dáng, thế phong phú hơn anh đã thử nghiệm với các vật liệu khác như chum, vại, than và cả xi măng và cây vẫn phát triển tốt. Hiện, khách hàng của anh đến từ mọi miền đất nước; trung bình mỗi năm doanh thu của gia đình anh đạt khoảng 1 tỷ đồng.
Với vai trò là Giám đốc Công ty TNHH hoa và cây cảnh Vân Anh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Nam Phong (thành phố Nam Định) Bùi Thị Vân Anh đã tạo việc làm, đồng thời giúp đỡ nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã cùng làm giàu thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật, kết nối cung cầu. Tốt nghiệp đại học ngành kế toán năm 2015, chị Vân Anh quay về giúp đỡ bố mẹ việc kinh doanh hoa và cây cảnh. Nhận thấy nhu cầu các loại hoa, cây cảnh công trình ngày một lớn, trong khi xã Nam Phong chủ yếu trồng các loại hoa truyền thống như cúc, hồng… được sự ủng hộ của gia đình, năm 2016, chị Vân Anh mạnh dạn thành lập công ty. Với khoảng 4.000m2 đất trồng, Công ty của chị Vân Anh hiện cung cấp các loại cây, hoa, thảm cỏ và thi công các công trình cây xanh như: trang khí khuôn viên nhà, công ty, công sở, tạo cảnh quan đô thị. Doanh thu hàng năm của công ty đạt khoảng 5 tỷ đồng. Không chỉ là đoàn viên, thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi, hiện Công ty của chị Vân Anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã, trong đó có 2 đoàn viên, thanh niên với mức lương dao động từ 4-8 triệu đồng/người/tháng tùy theo tay nghề. Ngoài tạo việc làm trực tiếp, từ năm 2018, với cương vị là Phó Bí thư Đoàn xã Nam Phong, Bùi Thị Vân Anh đã hỗ trợ, giúp đỡ khoảng 20 đoàn viên trong xã về chăm sóc cây cảnh của gia đình, hỗ trợ khách hàng, đồng thời kết nối, giới thiệu bạn hàng giúp các thanh niên trong xã có thêm cơ hội giới thiệu, quảng bá và phân phối sản phẩm. Đoàn viên Đỗ Hữu Dũng, xã Nam Phong cho biết, người dân sau khi bán cây chưa coi trọng khâu quan tâm chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên được sự giúp đỡ của chị Bùi Thị Vân Anh, thanh niên trong xã đã chú ý hơn đến việc hướng dẫn khách chăm sóc cây hàng ngày, cách xử lý khi cây mắc sâu bệnh. Ngoài ra, trong năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, chị Vân Anh cũng giới thiệu khách hàng, giúp nhiều đoàn viên tiêu thụ sản phẩm của gia đình.
Nhằm hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, những năm qua, Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã tích cực triển khai các chương trình tư vấn, hướng nghiệp, tổ chức Ngày hội việc làm, hỗ trợ đoàn viên thanh niên lập hồ sơ vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, khuyến khích thanh niên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất. Đoàn Thanh niên các cấp đã hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên xây dựng các dự án mới, vay vốn để phát triển kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo; duy trì hình thức góp vốn xoay vòng không tính lãi mang lại hiệu quả cao. Tính đến tháng 9-2022, Đoàn Thanh niên tỉnh đã có hơn 180 tổ tiết kiệm vay vốn với trên 5.800 hộ vay, dư nợ trên 200 tỷ đồng.
Chủ động tìm kiếm cơ hội và nỗ lực vượt khó vươn lên, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, mô hình phát triển kinh tế của đoàn viên, thanh niên như Đỗ Công Linh và Bùi Thị Vân Anh đã góp phần cổ vũ và lan tỏa tinh thấn sáng tạo, lập nghiệp của đoàn viên, thanh niên chủ động xây dựng kinh tế cho bản thân, gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh