Khơi dậy khát vọng làm giàu của doanh nhân để doanh nghiệp phát triển bền vững

19:10, 12/10/2022

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9-12-2011 của Bộ Chính trị (khoá XI) về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ thiết lập cơ chế chính sách đến kiến tạo môi trường đầu tư lành mạnh, sản xuất, kinh doanh bình đẳng, thuận lợi; hỗ trợ mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các cấp chính quyền, ngành chức năng trực tiếp nắm bắt, hỗ trợ Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng Rạng Đông tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông (Nghĩa Hưng).

Chủ động hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp

Chia sẻ về chặng đường xây dựng, phát triển doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May Sông Hồng Bùi Đức Thịnh cho biết: từ Xí nghiệp May 1-7, thành lập năm 1988 với quy mô nhỏ của thành phố Nam Định, năm 2004 thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đơn vị chính thức chuyển thành Công ty Cổ phần May Sông Hồng. Trong lộ trình phát triển, đầu tư xây dựng, quản lý Công ty với hơn 20 nhà máy thành viên trên địa bàn tỉnh Nam Định, bên cạnh tinh thần tự nỗ lực, cá nhân ông cũng như Công ty luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền và các ngành chức năng, đặc biệt là các đồng chí lãnh đạo tỉnh trong các dự án đầu tư phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, Công ty không ngừng phát triển, trở thành một trong các doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất, kinh doanh chăn, ga, gối, đệm tại thị trường Việt Nam; có chi nhánh đại diện tại Hồng Kông (Trung Quốc). Sản lượng sản phẩm xuất FOB của Công ty chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu doanh thu, lợi nhuận; là đối tác sản xuất với số lượng lớn sản phẩm cho nhiều thương hiệu may mặc nổi tiếng toàn cầu như: GAP, Old Navy, Timberlands, JCPenny, Diesel, Spyder, Champion... Hiện, Công ty đang giải quyết việc làm ổn định cho 11 nghìn lao động với mức thu nhập cao trong khối các doanh nghiệp dệt may của tỉnh; hàng năm nộp ngân sách Nhà nước khoảng 150 tỷ đồng. 

Ông Phùng Đình Thông, Giám đốc Công ty TNHH Thắng Lợi, CCN An Xá (thành phố Nam Định) thì cho biết: Công ty chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí đúc phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, xi măng, hóa chất, chế tạo máy, là một trong những ngành nghề thế mạnh của tỉnh. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ của địa phương để triển khai các dự án, kế hoạch đầu tư nâng cấp thiết bị máy móc theo hướng hiện đại, cải tiến chất lượng sản phẩm và hỗ trợ tiếp cận, liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong nghiên cứu, cải tiến công nghệ, quy trình sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt là các dự án ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, như liên kết với đối tác nước ngoài nghiên cứu, thiết kế thành công lò nhiệt luyện liên tục tự động kết hợp giải pháp internet vạn vật (IoT) điều hành giám sát thu nhập dữ liệu từ xa giúp doanh nghiệp tiếp tục tự động hóa các quy trình và cắt giảm chi phí vận hành, cải thiện chất lượng sản phẩm. 

Đó là hai trong số đông các doanh nghiệp đã được tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa từ vận dụng chủ trương, chính sách về đầu tư phát triển đến cải thiện môi trường đầu tư, lãnh đạo thực hiện cải cách hành chính; đào tạo lao động xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ; tìm kiếm phát triển thị trường... Đánh giá về sự quan tâm của chính quyền đối với sự phát triển của doanh nghiệp và đóng góp của doanh nhân tỉnh nhà, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trần Xuân Ngữ cho biết: Thông qua Hiệp hội, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc các doanh nhân, doanh nghiệp phản ánh đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tập trung chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết. Như trong thời gian dịch bệnh COVID-19 vừa qua, tỉnh đã thực hiện đúng phương châm lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp vượt cơn “bĩ cực”, từ việc thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, tổ chức thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó, phần lớn các giải pháp doanh nghiệp quan tâm, cần thực hiện để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh an toàn đã được tỉnh hỗ trợ thực hiện hiệu quả đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình: trợ cấp trực tiếp, cho vay có bảo đảm và hỗ trợ người lao động, các chính sách thuế, tài chính tiền tệ, hỗ trợ tái cơ cấu để mở rộng thị trường, chuyển đổi số, bán hàng thông qua các phương thức thương mại điện tử, internet, tiếp cận, nắm bắt thông tin hội nhập kinh tế quốc tế... Ngoài ra, tỉnh cũng đang quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo tối đa thuận lợi trong khuôn khổ quy định pháp luật cho nhà đầu tư, doanh nghiệp xuyên suốt từ khâu xúc tiến đầu tư, giải quyết thủ tục hành chính đến quá trình hoạt động tại địa phương.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã triển khai thực hiện đúng hướng, chất lượng và hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; từng bước cải thiện tốt môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển nhanh về số lượng. Đến hết tháng 9 năm 2022, toàn tỉnh có 11.165 doanh nghiệp và 861 chi nhánh, văn phòng đại diện với tổng số vốn đăng ký 101.352 tỷ đồng. Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đóng vai trò quan trọng, dẫn dắt, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng, hội nhập quốc tế, tạo thêm thu nhập, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước và góp phần xây dựng nông thôn mới. 

Công ty TNHH Thắng Lợi, Cụm công nghiệp An Xá (thành phố Nam Định) ứng dụng giải pháp internet vạn vật (IoT) trong tự động hóa lò nhiệt luyện liên tục giúp cắt giảm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, khơi dậy khát vọng làm giàu và tinh thần dấn thân của doanh nhân

Dịch bệnh COVID-19 phức tạp trong hai năm gần đây tác động toàn diện đến đời sống chính trị, kinh tế thế giới khiến tình hình sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển của đại đa số doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn; đặc biệt là quá trình xuất khẩu, tiêu thụ, lưu thông hàng hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng duy trì, phát triển của các doanh nghiệp, doanh nhân. Mặc dù phát triển nhanh về số lượng, mức vốn đầu tư và thu hút lao động nhưng nhìn chung hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, chưa có nhiều thương hiệu mạnh trên thị trường, doanh nghiệp thiếu chiến lược phát triển lâu dài; khả năng hấp thu vốn thấp, trình độ công nghệ thấp và chất lượng lao động còn hạn chế, gây nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

Để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tương xứng với yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp và các ngành chức năng tiếp tục bám sát các chương trình, nhiệm vụ các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo, tập trung thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TW. Đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Chủ động, sâu sát, nắm chắc tình hình, tâm tư nguyện vọng và những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp giải quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các ngành trong nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp; quán triệt sâu sắc quan điểm coi doanh nhân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải đối tượng quản lý. Động viên đội ngũ doanh nhân sáng tạo, dám nghĩ, dám làm với tinh thần dấn thân cống hiến, khát vọng làm giàu để phát triển doanh nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Có cơ chế, chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp có quy mô lớn, tạo ra các sản phẩm chiến lược có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, thu ngân sách lớn và bảo vệ môi trường. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của xã hội, trong đó tập trung đào tạo đội ngũ lao động có chất lượng, tay nghề giỏi. Xây dựng và phát triển mạng lưới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng tri thức cao ở nhiều cấp bậc đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp số. Động viên khích lệ doanh nhân chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng suất, chất lượng theo các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế. Tăng cường liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh gắn với mục tiêu phát triển bền vững: sản xuất sạch, xanh, tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới nhóm người yếu thế trong xã hội...

Đặc biệt, tỉnh cũng đề xuất với Trung ương có chính sách ưu tiên dành nguồn lực về đất đai để phục vụ phát triển công nghiệp nhất là xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; đẩy mạnh phân cấp quyết định đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp cho địa phương để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của địa phương trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ pháp lý liên ngành và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khác.

Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 14.500 doanh nghiệp, trong đó có thêm nhiều doanh nghiệp mạnh, có vị thế, tầm cỡ, có sức cạnh tranh cao trong khu vực đồng bằng sông Hồng và trên toàn quốc; đội ngũ doanh nhân của tỉnh có đủ trình độ, năng lực quản lý, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội cao, có văn hóa kinh doanh./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com