Thời gian qua, từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Trực Ninh đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương; xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Cán bộ Hội Nông dân xã Trung Đông kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay tín dụng của anh Trần Tất Cầu ở xóm 3 Đông Thượng. |
Để phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh đã chú trọng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các chương trình cho vay trực tiếp có ủy thác. Thông qua đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở chuyển tải kịp thời, thuận tiện, an toàn nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các tổ chức chính trị - xã hội đã phát huy thế mạnh trong việc tham gia bình xét đối tượng, quản lý, đôn đốc, kiểm tra hiệu quả sử dụng vốn vay, trả nợ, trả lãi của người vay, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Tính đến hết tháng 9-2022, tổng nguồn vốn huy động tại Ngân hàng CSXH huyện đạt 63 tỷ 639 triệu đồng, tăng 2 tỷ 837 triệu đồng so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 352 tỷ 157 triệu đồng, tăng 30 tỷ 707 triệu đồng, đạt 98,96% kế hoạch giao. Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân được 95 tỷ 65 triệu đồng cho 2.306 hộ được vay vốn, nâng tổng số hộ còn dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn toàn huyện là 11.281 hộ. Nhiều chương trình tín dụng chính sách đạt tỷ lệ giải ngân cao, hoàn thành sớm so với kế hoạch đề ra như cho vay học sinh, sinh viên 3 tỷ 626 triệu đồng (100%), cho vay hộ cận nghèo 95 tỷ 566 triệu đồng (100,2%), cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 148 tỷ 902 triệu đồng (99,7%), cho vay giải quyết việc làm 24 tỷ 359 triệu đồng (99,57%)... Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh đã giải ngân được cho 220 khách hàng với 248 món vay, dư nợ cho vay đạt 13 tỷ 130 triệu đồng. Trong đó, có 2 chương trình giải quyết việc làm và cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến và cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phục hồi hoạt động sau dịch COVID-19 đã giải ngân được 100% vốn phân bổ.
Từ nguồn vốn của Ngân hàng CSXH huyện đã giúp xây dựng được 551 ngôi nhà cho hộ nghèo, 14 ngôi nhà cho hộ có thu nhập thấp để ổn định đời sống; giúp các hộ dân tại các xã trên địa bàn huyện xây dựng được 55.168 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới; đã đầu tư cho 13.687 học sinh, sinh viên là con hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, tạo nguồn nhân lực có tri thức cho tương lai. Nguồn vốn được giải ngân nhanh, kịp thời, chính xác còn giúp trên 41 nghìn lượt hộ nghèo trên địa bàn huyện kịp có vốn để đầu tư các mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, khai thác tiềm năng đất đai, sử dụng vốn hiệu quả, tạo hiệu quả cao về kinh tế góp phần đưa nền kinh tế địa phương nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tại xã Trung Đông, tổng dư nợ các chương trình tín dụng của xã tính đến hết ngày 19-9-2022 đạt 24 tỷ 798 triệu đồng, trong đó, dư nợ cho vay qua Hội Nông dân là 12 tỷ 857 triệu đồng với 431 hộ vay, dư nợ cho vay qua Hội Phụ nữ là 11 tỷ 941 triệu đồng với 363 hộ vay. Chị Vũ Thị Hà, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 1 Trung Lao cho biết: “Trong suốt 20 năm qua, tổ của tôi đã giúp cho 526 tổ viên được vay vốn tín dụng ưu đãi với tổng số tiền là hơn 5 tỷ đồng. Từ vốn vay ngân hàng, các hộ đã tập trung đầu tư sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, chăn nuôi lợn, đầu tư cho con ăn học và sửa chữa, xây mới các công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Nhiều hộ đã vươn lên ổn định kinh tế, thoát nghèo bền vững. Hiện tổ của tôi có 33 tổ viên vay vốn với dư nợ cho vay đạt 1 tỷ 33 triệu đồng”. Điển hình như bà Vũ Thị Ngoan, một hộ tiểu biểu đã thoát nghèo bền vững từ vốn tín dụng chính sách. Gia đình bà Ngoan có một người con trai bị bệnh tâm thần, chồng lại hay ốm đau, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần như một mình bà quán xuyến mọi công việc trong gia đình, từ việc chăm sóc, nuôi dạy con đến việc lo lắng kinh tế trong gia đình. Được Hội Phụ nữ tạo điều kiện, năm 2018, bà Ngoan đã vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăn nuôi lợn phát triển kinh tế gia đình... Từ những đồng vốn vay ban đầu, bà đầu tư mua 7 con lợn, vừa chăn nuôi vừa sơ chế bán thịt lợn. Kinh tế gia đình dần ổn định, bà đã vươn lên thành hộ mới thoát nghèo. Ông Đỗ Văn Bắc, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn xóm 3 Đông Thượng cho biết: “Toàn xóm hiện có 30 hộ tham gia làm mộc sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ với thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng/năm. Vốn tín dụng chính sách được người dân sử dụng đầu tư nguyên vật liệu, máy móc và thuê công nhân, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động tại địa phương, ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hiện dư nợ của tổ chúng tôi là 820 triệu đồng với 28 hộ còn dư nợ”. Từ vốn vay tín dụng ưu đãi, nhiều gia đình như hộ các anh Trần Tất Cầu, anh Đỗ Văn Đan… đã từng bước ổn định sản xuất, giữ chân được lao động lành nghề, khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ của xóm.
Để chương trình tín dụng chính sách tiếp tục đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh sẽ chủ động tham mưu cho UBND huyện quan tâm chỉ đạo dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung uỷ thác qua ngân hàng để nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội. Tích cực phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách được uỷ thác. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động điểm giao dịch tại xã./.
Bài và ảnh: Đức Toàn