Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn

08:05, 17/10/2022

Thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT)” (Chỉ thị 19), trong 10 năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo; các sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã phối hợp tốt trong việc triển khai thực hiện dạy nghề cho LĐNT. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững.

Xã Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng) khôi phục và phát triển nghề làm nón truyền thống, tạo việc làm cho hơn 200 hộ dân với trên 500 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Toàn tỉnh hiện có 79,76% dân số sống ở vùng nông thôn; số lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản hơn 356 nghìn người, chiếm 34,1% tổng số lao động. Xác định rõ vị trí, vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, dạy nghề cho lao động nói chung và LĐNT nói riêng trong việc phát huy nguồn lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng NTM, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 19 và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của tỉnh về công tác dạy nghề cho LĐNT. Công tác tuyên truyền về dạy nghề cho LĐNT được các cấp, các ngành chức năng của tỉnh quan tâm chỉ đạo, thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực. Sở LĐ-TB và XH đã phát hành 9.100 cuốn bản tin “Việc làm - Dạy nghề”; trên 200 nghìn tờ rơi; 2.020 cuốn cẩm nang “Hệ thống các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Nam Định” để tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực dạy nghề và việc làm, năng lực đào tạo nghề của tỉnh... Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được kiện toàn, sắp xếp tổ chức cho phù hợp với thực tế, giảm còn 26 cơ sở (6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 15 trung tâm GDNN). Đội ngũ giáo viên dạy nghề thường xuyên được tỉnh quan tâm, bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng; đến nay có 1.582 giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề (số có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ chiếm 28,2%, số có trình độ đại học chiếm 55,2%; 100% nhà giáo có nghiệp vụ sư phạm; 71,4% nhà giáo có trình độ kỹ năng nghề đảm nhiệm dạy thực hành và tích hợp; trình độ ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn chiếm 90% và 92,5%). Ngoài ra, các cơ sở dạy nghề cho LĐNT thường xuyên ký hợp đồng thỉnh giảng với giảng viên của các trường đại học, cán bộ khoa học của Trung tâm Khuyến công, Khuyến nông, Phòng NN và PTNT các huyện, các nghệ nhân tại các làng nghề La Xuyên, Tống Xá, Hải Minh, Vân Chàng, Xuân Tiến... cùng tham gia dạy nghề. Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở tham gia đào tạo nghề cho LĐNT thường xuyên được quan tâm chú trọng, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm theo đúng quy định pháp luật. Tổng kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ dạy nghề cho LĐNT thực hiện trong giai đoạn 2010-2020 là 91 tỷ 600 triệu đồng với 14 cơ sở dạy nghề được thụ hưởng, đưa vào sử dụng phù hợp với ngành nghề đào tạo, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT. 

Huyện Vụ Bản là một trong những vùng đất nghề với nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như nghề đan lát thủ công, dệt, rèn thủ công. Quá trình phát triển đến nay, các xã, thị trấn từng bước du nhập, nhân cấy phát triển thêm các ngành nghề như nghề may công nghiệp, giày da, dệt nhuộm, nghề in, nghề chế biến gỗ công nghiệp, chế biến nông sản sạch nên nhu cầu đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn rất lớn; đặc biệt Khu Công nghiệp Bảo Minh và các Cụm Công nghiệp Trung Thành, Quang Trung thu hút lực lượng lớn lao động. Để công tác dạy nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện “đúng, trúng” với nhu cầu học của người dân, ngành nghề học phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, Phòng LĐ-TB và XH tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản về hướng dẫn điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề và các nghề có nhu cầu đào tạo cho LĐNT. Trong 10 năm (2010-2020), huyện phối hợp với các đơn vị đào tạo tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho 7.053 LĐNT (dưới 3 tháng). LĐNT học nghề ưu tiên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; các ngành nghề chủ yếu thuộc ngành phi nông nghiệp và nông nghiệp như: may công nghiệp, đan lát thủ công, dệt, chăn nuôi, trồng cây lương thực… Hình thức đào tạo nghề được đa dạng hóa, linh hoạt, có thể mở các lớp tập trung tại cơ sở sản xuất hoặc các lớp lưu động tại nhà văn hóa thôn, xóm. Nhờ đó, kết quả công tác giải quyết việc làm được nâng cao, lao động trong độ tuổi có khả năng lao động có việc làm đạt tỷ lệ 97,25%, lao động trong độ tuổi có khả năng lao động có việc làm đã qua đào tạo đạt 80%, thu nhập của người lao động địa phương dần ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,9%. 

Tại Trực Ninh, hàng năm UBND huyện đã trích từ ngân sách của huyện 400 triệu đồng đầu tư chương trình đào tạo nghề cho 200 LĐNT góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người lao động; đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án về dạy nghề và giải quyết việc làm, trong đó đặc biệt quan tâm chú trọng đến dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên. Tập trung đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề ngắn hạn, hỗ trợ việc làm cho đoàn viên, hội viên nông dân có kiến thức áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Đoàn Thanh niên huyện phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tư vấn chọn trường, chọn nghề cho đoàn viên, thanh niên tại các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX và hơn 60% đoàn viên, thanh niên các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Hệ thống dạy nghề cho LĐNT của huyện không ngừng được củng cố và phát triển, chất lượng lao động qua đào tạo không ngừng tăng lên (tỷ lệ lao động qua đào tạo đến tháng 6-2022 ước đạt 68% tăng 21% so với năm 2012), từng bước góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác.

Thống kê từ năm 2011 đến 2020, toàn tỉnh có 22.346 nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được học nghề; trên 56 nghìn LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng. Nhóm nghề nông nghiệp được hỗ trợ đào tạo chủ yếu: chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng; chăn nuôi lợn nái, lợn thịt; trồng cây lương thực thực phẩm; nuôi cá nước ngọt, ba ba, ếch; nghề nuôi tôm, cua biển, ngao; trồng nấm; chăm sóc, uốn, cắt tỉa cây cảnh; trồng rau... Nhìn chung, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng có năng suất và hiệu quả hơn đạt trên 85% (vượt chỉ tiêu Chỉ thị 19-CT/TW); nhiều lao động thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách sau khi được đào tạo nghề đã có việc làm và thu nhập ổn định giúp gia đình thoát nghèo; việc thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT, đáp ứng tốt quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng NTM của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo Chỉ thị 19 trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; việc tuyển sinh lao động học nghề ở một số nơi còn gặp khó khăn. Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động... Công tác tư vấn học nghề, việc làm cho LĐNT chưa thường xuyên, liên tục; hiệu quả chưa cao. Việc giải quyết việc làm sau đào tạo gặp nhiều khó khăn, nhất là các nghề phi nông nghiệp. Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên ở một vài cơ sở GDNN chưa đáp ứng yêu cầu; việc bố trí giáo viên còn lúng túng. Số lao động được đào tạo nghề còn ít so với nhu cầu lao động xã hội.

Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quyết định nâng cao chất lượng lao động khu vực nông thôn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với khu vực nông thôn; đồng thời là nhiệm vụ mang tính đột phá trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ tỉnh, là giải pháp quan trọng góp phần xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng chí Trần Anh Dũng, Ủy viên Ban TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Với mục tiêu phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại kết nối với đô thị; phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 41 ngày 30-3-2022 về thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ LĐNT được đào tạo đạt trên 75%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp trên 1,7 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn dưới 0,15%. Đến năm 2050, Nam Định trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của cả nước, trong đó nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả cao, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh - sạch - đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị. 

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn muốn khởi nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn của từng địa phương. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học có trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực khoa học công nghệ và chuyển đổi số phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất nông nghiệp, thủy sản nói riêng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập khu vực, quốc tế. Tập trung nguồn lực (trong đó có chất lượng nguồn nhân lực) để triển khai có hiệu quả một số chương trình: Chương trình nghiên cứu, phát triển sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030 (theo Quyết định số 703/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 (theo Quyết định số 885/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030 (theo Quyết định số 429/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ); chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030; chương trình phát triển HTX và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường. Phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Phát triển, quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý nông nghiệp có trình độ chuyên môn sâu, có kỹ năng, kỹ thuật trong xây dựng và phát triển nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh trong tình hình mới. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp để triển khai các hoạt động đào tạo phù hợp./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com