Những năm qua, xã Hải Lý (Hải Hậu) tập trung thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), qua đó từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần xây dựng thành công nông thôn mới (NTM) nâng cao, hướng tới xã NTM kiểu mẫu.
Cây cảnh được giới thiệu, bày bán tại chợ cây xóm Văn Lý, xã Hải Lý. |
Đồng chí Nguyễn Minh Định, Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định chương trình OCOP là một nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, xã Hải Lý đã tích cực chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng chất lượng gắn với ổn định năng suất. Với phương châm “Làm từ đồng ruộng về làng, làm từ hộ gia đình ra xóm, làm từ xóm lên xã” để phân cấp trách nhiệm, huy động tổng hợp các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt ưu tiên các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Trong trồng trọt, xã chỉ đạo nông dân đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, các biện pháp thâm canh trong trồng lúa; duy trì 35ha trồng màu với các loại rau, củ, quả truyền thống như: rau cải các loại, cà chua, cà rốt, khoai tây... cho thu nhập ổn định. Chăn nuôi phát triển theo hướng an toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh môi trường, chú trọng tiêm phòng đầy đủ vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; chủ động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại theo quy định. Trong lĩnh vực thủy sản, tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân tiếp tục đầu tư mua sắm phương tiện, cải tiến ngư cụ, nâng cao trình độ kỹ thuật, phát triển khai thác đa dạng các loại hải sản để đảm bảo năng lực bám biển, bám ngư trường, khai thác an toàn, hiệu quả và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Khuyến khích các hộ nuôi thủy sản hợp tác thành lập HTX nhằm cộng đồng năng lực mọi mặt về kinh nghiệm, kỹ thuật, vốn, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tổ chức sản xuất, đầu tư nạo vét cải tạo hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3, khơi thông dòng chảy, cải tạo ao đầm, mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất; liên kết, hỗ trợ từ khâu chọn giống đảm bảo chất lượng đến tiêu thụ sản phẩm và giữ gìn vệ sinh môi trường vùng nuôi. Thời gian qua, xã đã chỉ đạo, vận động nông dân chuyển đổi những chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả và những diện tích sản xuất muối hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây hoa, cây cảnh, cây ăn quả và nuôi thủy sản. Hiện trên địa bàn xã đã hình thành làng nghề sinh vật cảnh với hàng trăm hộ tham gia, nhiều hộ làm giàu từ cây cảnh. Đặc biệt, ở xóm Văn Lý các hộ buôn bán cây đã tổ chức tập trung thành khu chợ phong phú, sôi động với hơn 30 loại cây từ cây giống, cây bon sai đến cây công trình, cây ăn quả… giúp khách hàng thoải mái lựa chọn theo nhu cầu, tạo nên nét độc đáo, thương hiệu riêng cho sản phẩm nghề cây của địa phương.
Triển khai Chương trình OCOP, xã Hải Lý đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn cho các cơ sở sản xuất về phương pháp xây dựng, triển khai “phương án kinh doanh”; xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất; kỹ năng marketing phát triển sản phẩm, giám sát, quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm. Được vận động, hỗ trợ, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng, hoàn thiện các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, nỗ lực cải thiện kỹ năng xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường. Các sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” của HTX nông nghiệp và thủy sản Hải Hậu, “Nước mắm Thoa Định” của hộ kinh doanh Đỗ Thị Thoa… được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh không những mang lại doanh thu từ dịch vụ kinh doanh mà còn theo chân khách hàng quảng bá mảnh đất, con người Hải Lý với du khách trong và ngoài nước, đánh dấu bước phát triển cho du lịch địa phương cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Anh Nguyễn Đức Duy, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Thủy sản Hải Hậu cho biết: Hiện tại, HTX có 8 thành viên, hoạt động sản xuất chế biến các sản phẩm muối, mắm tôm, nước mắm, hải sản tươi sống và hải sản đông lạnh. Tham gia Chương trình OCOP, HTX đã đầu tư công nghệ để sản xuất nước mắm theo quy trình của hệ thống tiêu chuẩn chất lượng HACCP, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào, đảm bảo độ tươi của cá, sản phẩm có vị thanh, hậu vị đậm, độ đạm tự nhiên cao, không sử dụng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ điều kiện có thể xuất khẩu. Sản phẩm cũng được quan tâm thiết kế bao bì, tem nhãn đầy đủ, rõ ràng mang tính biểu trưng vùng miền; được đăng ký chất lượng, thương hiệu, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2021, sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” của HTX đã được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Hiện sản phẩm OCOP “Nước mắm Nhà thờ đổ” được phân phối khắp các tỉnh phía Bắc như: Lai Châu, Lào Cai, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên… Mỗi năm, HTX xuất bán trên 200 nghìn lít nước mắm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Dự kiến thời gian tới HTX sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ nước mắm tới các tỉnh phía Nam và miền Trung, nâng hạng sản phẩm “Nước mắm Nhà thờ đổ” lên 4 sao và đăng ký thêm các sản phẩm OCOP về hải sản biển.
Việc đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP ở Hải Lý đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thủy sản và tăng thu nhập người dân. Hiện thu nhập bình quân đầu người của xã Hải Lý đạt 72 triệu đồng/năm. Năm 2020, xã Hải Lý đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Xã đang nỗ lực phấn đấu về đích NTM kiểu mẫu trong năm 2022, đồng thời phổ biến nhân rộng các mô hình NTM kiểu mẫu về “sáng - xanh - sạch - đẹp” để phát triển bền vững ra toàn xã./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh