Trong nhiều năm qua, Công ty Điện lực Nam Định triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, vận hành an toàn hệ thống điện; đồng thời nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng hệ thống điện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thời gian gần đây, nắm bắt xu thế phát triển nhanh của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là một số nhà đầu tư chuẩn bị khởi công những dự án lớn ở các huyện ven biển nên ngành Điện đang từng bước đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống điện đầu nguồn 110kV đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt, đời sống của nhân dân.
Quản lý, vận hành hệ thống điện đầu nguồn ở Trạm biến áp 110kV Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng). |
Hệ thống điện đầu nguồn 110kV cung ứng trên địa bàn tỉnh ta hiện có 13 trạm biến áp với 23 máy biến áp, tổng công suất 991MVA và 288km đường dây, 255km cáp quang liên tỉnh do Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định trực thuộc Công ty Điện lực Nam Định quản lý, khai thác, vận hành. Do địa hình tỉnh ta nằm ở khu vực ven biển, hàng năm thường xuyên phải chịu ảnh hưởng bởi biến động bất thường của thời tiết, thiên tai, kết hợp với hệ thống lưới điện 110kV liên tục mang tải cao, trong đó hơn 60% máy biến áp, hơn 50% hệ thống đường dây hoạt động đầy tải, thậm chí quá tải vào giờ cao điểm, những lúc nắng nóng kéo dài, các dịp lễ, tết dẫn đến nguy cơ xảy ra sự cố luôn rất cao. Bên cạnh đó, một số máy biến áp vận hành đã lâu, xuống cấp thuộc các Trạm 110kV: Giao Thủy, Hải Hậu, Phi Trường, Mỹ Xá; hệ thống bảo vệ đầu tư qua nhiều đợt cải tạo, sửa chữa nên khó đồng bộ; thiết bị đóng cắt, tủ vận hành lâu năm bị rơ rão, tiếp xúc kém; các phương tiện thi công va quệt vào đường dây, người dân câu cá, thả diều mắc vào lưới điện, gây sự cố... thường xuyên xảy ra. Công ty Điện lực Nam Định đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào hệ thống điện đầu nguồn; đồng thời tăng cường chỉ đạo thường xuyên đổi mới công nghệ, kỹ thuật, nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành hệ thống điện, đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục phục vụ đời sống, kinh tế - xã hội.
Trên lĩnh vực đầu tư, được sự quan tâm của UBND tỉnh và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, năm 2021, ngành Điện đã hoàn thành xây dựng, đóng điện đưa vào sử dụng các Trạm biến áp 110kV: Trực Đại, Liễu Đề, kịp thời bổ sung nguồn điện cho các huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng. Đầu năm 2022, ngành Điện tiếp tục xây dựng các Trạm biến áp 110kV: Nam Điền, Hiển Khánh với tổng mức đầu tư gần 120 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng ở các huyện Nam Trực, Vụ Bản; dự kiến các trạm biến áp này sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cuối năm 2022, ngành Điện đã khởi công, xây dựng các Trạm biến áp 110kV: Yên Thắng (Ý Yên), Đông Bình (Nghĩa Hưng); dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng giữa năm 2023. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đầu năm 2023 tới đây, Công ty Điện lực Nam Định đã có kế hoạch khởi công, xây dựng mới các Trạm biến áp 110kV: Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Giao Thanh (Giao Thủy), Xuân Trường (Xuân Trường), Thịnh Long (Hải Hậu) nhằm không ngừng mở rộng hệ thống điện đầu nguồn cung ứng đồng đều vào địa bàn tỉnh.
Cùng với hoạt động đầu tư, ngành Điện đã tích cực áp dụng các giải pháp kỹ thuật để vận hành an toàn hệ thống điện đầu nguồn theo phương châm giảm thiểu tối đa sự cố mất điện do các yếu tố chủ quan gây nên. Trong đó, công tác quản trị nhân lực được đặt lên hàng đầu theo cách sử dụng hợp lý 102 biên chế của Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định; thường xuyên đào tạo nâng cao nhận thức, tay nghề; tăng cường đầu tư các máy móc thiết bị phục vụ thao tác lưu động và sửa chữa thiết bị điện. Hiện nay, việc bố trí nhân lực cơ bản phù hợp với các vị trí quản lý vận hành. Ngành Điện còn áp dụng phương pháp giao khoán quản đường dây, trạm biến áp đến từng cá nhân nhằm nâng cao vai trò của nhân viên chuyên quản trong công tác quản lý vận hành. Các đường dây, trạm biến áp vận hành lâu năm hoặc mang tải cao được tăng cường kiểm tra, đưa vào diện theo dõi đặc biệt và tiến hành thí nghiệm định kỳ, sửa chữa bảo dưỡng theo điều kiện vận hành. Đối với những máy biến áp vận hành lâu năm, thực hiện thăm khám chuyên sâu để đánh giá khả năng vận hành. Từ đầu năm 2022 đến nay, qua thăm khám chuyên sâu kịp thời phát hiện những khiếm khuyết và thay thế kịp thời 2 máy biến áp 110kV ở Trạm Giao Thủy, Hải Hậu.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định, các Trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh đều vận hành theo phương thức tự động hóa, không có người trực nên hoạt động phối hợp quản lý, vận hành luôn rất cần thiết, cần được tăng cường. Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định thường xuyên phối hợp với Trung tâm điều khiển xa thực hiện tốt hoạt động vận hành hệ thống; tỷ lệ thao tác xa thành công thiết bị đạt tới 99,9%. Tất cả những trục trặc trong việc thao tác xa đều được kiểm tra, xử lý kịp thời. Phối hợp các Điện lực huyện, thành phố Nam Định thống kê các điểm xung yếu, các nguy cơ sự cố trên lưới điện để theo dõi hàng ngày; duy trì 5S trên lưới điện; chống động vật xâm nhập vào trạm biến áp gây sự cố; quản lý tốt hành lang an toàn lưới điện 110kV.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đổi mới thường xuyên; đồng thời tăng cường trang bị các công cụ, dụng cụ hiện đại cho lực lượng vận hành để thực hiện phát hiện chuẩn xác các hư hỏng, khiếm khuyết lưới điện, các thiết bị như máy camera nhiệt cầm tay, máy đo PD, máy đo độ võng, flycame… Bên cạnh đó, đáp ứng xu thế mới, đơn vị đã ứng dụng thành công các phần mềm chuyển đổi số của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc vào công tác quản lý, vận hành, đảm bảo thu thập dữ liệu thiết bị một cách chính xác, dễ dàng theo dõi, truy xuất. Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Nam Định còn thường xuyên phát động các phong trào thi đua nghiên cứu sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đóng góp tích cực vào việc cung ứng, vận hành an toàn hệ thống điện trên địa bàn tỉnh./.
Bài và ảnh: Xuân Thu