Lúa cỏ xuất hiện ở 5/20 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Xuân Trường từ năm 2019, làm giảm năng suất, chất lượng lúa, gạo. Qua điều tra, khảo sát những diện tích có mật độ 5-10 cây/m2, năng suất giảm từ 15-20%; diện tích có mật độ 20 cây/m2, năng suất giảm tới 50%, thậm chí có nơi mất trắng. Trước tình hình trên, UBND huyện Xuân Trường đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện nghiên cứu, tìm biện pháp và xây dựng quy trình xử lý lúa cỏ nhằm bảo đảm sản xuất lúa an toàn, hiệu quả.
Nông dân xã Xuân Thượng (Xuân Trường) cắt bỏ lúa cỏ. |
Lúa cỏ, hay còn gọi là lúa hoang, lúa ma, lúa dại... (tên khoa học là Oryza Sativa) cùng loài với lúa trồng nhưng là loài phụ; không cho năng suất, chất lượng như mong muốn. Đây được xếp là một loại dịch hại nghiêm trọng tại các vùng trồng lúa; khả năng lưu tồn trên đất trồng lúa trong thời gian dài, có nguy cơ lây lan và gây hại diện rộng. Lúa cỏ có khả năng sinh trưởng và phát triển mạnh nên cạnh tranh trực tiếp về ánh sáng, không gian sống, dinh dưỡng, nước với lúa trồng nên làm giảm chất lượng lúa, gạo và rất khó phòng trừ nếu không có biện pháp quản lý kịp thời, phù hợp. Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Trường cho biết: Từ số liệu điều tra nông hộ cho thấy, trong 2 năm 2019 và 2020, diện tích lúa của huyện bị nhiễm lúa cỏ tăng dần, trong đó cao nhất là tại xã Xuân Thượng. Ruộng bị nhiễm lúa cỏ chủ yếu chân đất vàn, vàn cao. Đa số (khoảng 90%) người dân áp dụng phương thức xử lý bằng nhổ bỏ khi lúa non và cắt bỏ khi lúa cỏ đã trỗ bông; số ít hộ (khoảng 10%) đã sử dụng các loại thuốc diệt cỏ để phun trừ nhưng hiệu quả không cao…
Trước tình trạng này, đầu năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tham mưu cho UBND huyện trình và được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện đề tài “Hoàn thiện quy trình tổng hợp trong xử lý lúa cỏ trên địa bàn huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định” từ năm 2020-2022 tại Quyết định số 2847/QĐ-UBND ngày 30-11-2020 của UBND tỉnh về phê duyệt danh mục các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định đợt III năm 2020 và hợp đồng số 25/2020/HĐKHCN ngày 25-12-2020 giữa Sở Khoa học và Công nghệ với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Trường. Nhiệm vụ của đề tài là điều tra, khảo sát tình hình lúa cỏ; xây dựng bản mô tả đặc tính lúa cỏ tại địa bàn huyện; xây dựng thí nghiệm diện rộng mô hình xử lý lúa cỏ tại 3 xã với quy mô 2ha/xã/vụ. Trên cơ sở đó hoàn thiện quy trình tổng hợp xử lý lúa cỏ.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức tập huấn cho 935 lượt người về quy trình tổng hợp trong xử lý lúa cỏ; tiến hành điều tra tình hình lúa cỏ tại 5 xã bị nhiễm nhiều; hợp đồng với Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để lấy mẫu đất trước và sau thí nghiệm, đánh giá chất lượng của các mẫu đất thu thập; chọn 3 xã Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Phương để xây dựng mô hình thí nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lúa cỏ rất giống với lúa trồng ở giai đoạn cây con; làm giảm năng suất lúa, chất lượng gạo do hạt lúa cỏ có vỏ trấu và hạt gạo thường khác màu so với lúa trồng; trông quá trình sinh trưởng lúa cỏ cạnh tranh trực tiếp với lúa trồng về không gian, ánh sáng, dinh dưỡng, nước và là môi trường, ký chủ phụ cho các loại sâu bệnh dịch hại cho lúa trồng. Do vậy, lúa cỏ gây khó khăn cho quá trình canh tác lúa, làm tăng chi phí sản xuất. Lúa cỏ tồn tại và xâm nhiễm vào ruộng lúa trồng qua quá trình vệ sinh đồng ruộng, làm đất không kỹ, theo dòng nước, máy gặt từ vùng bị nhiễm sang vùng không bị nhiễm. Ngoài ra còn nguyên nhân do quá trình canh tác lúa lâu đời, giống lúa trồng đã bị phân ly, thoái hóa và tính chất di truyền có xu hướng trở lại các đặc tính nguồn gốc của lúa hoang dại ban đầu (hiện tượng “lại giống”). Việc người dân tự để giống lúa hoặc mua giống lúa bị lẫn tạp và nhất là sử dụng giống lúa trong vùng bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy.
Từ kết quả điều tra, đánh giá cụ thể về đặc điểm, hình thái, những tác hại và nguyên nhân xuất hiện, lây lan lúa cỏ qua quá trình nghiên cứu đề tài, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Trường đã xây dựng và hoàn thiện quy trình tổng hợp xử lý lúa cỏ trên địa bàn huyện. Theo đó, trước hết người trồng lúa cần sử dụng các giống lúa có phẩm cấp xác nhận hoặc nguyên chủng, không sử dụng thóc thịt để làm giống, đặc biệt không sử dụng giống lúa xuất xứ từ vùng đã bị nhiễm lúa cỏ để gieo cấy. Hạn chế tối đa gieo sạ trên những diện tích đã bị nhiễm lúa cỏ. Khâu chuẩn bị đồng ruộng, thực hiện làm đất kỹ, đặt lưới mắt dày tại đầu kênh mương dẫn nước vào ruộng nhằm ngăn chặn hạt lúa cỏ xâm nhập. Đối với diện tích ruộng bị nhiễm nặng lúa cỏ cần khoanh vùng, nhổ, cắt bỏ, tiêu hủy triệt để ngay, không đặt lúa cỏ trên ruộng, bờ ruộng ngăn hạt lúa rụng để hạn chế nguồn lây; tiến hành nhổ, cắt bỏ lúa cỏ vào thời điểm sau gieo cấy, khi lúa làm đòng và khi lúa bắt đầu trỗ, chắc xanh, không để tồn gốc cho lúa cỏ tái sinh trở lại. Luôn giữ mức nước nông thường xuyên trong ruộng từ 1-3cm sau khi cấy đến khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu để hạn chế lúa cỏ nảy mầm và phát triển. Các biện pháp hóa học chỉ áp dụng trong điều kiện cho phép thời gian đất nghỉ kéo dài…
Nhờ thực hiện tốt quy trình tổng hợp trong xử lý lúa cỏ đã xây dựng nên đến nay, tình trạng lúa cỏ trên địa bàn huyện Xuân Trường đã được kiểm soát. Mô hình xử lý lúa cỏ ở vụ xuân, vụ mùa đã được nhân rộng ra 5 xã, gồm: Xuân Phương, Xuân Thượng, Xuân Kiên, Xuân Tân, Xuân Hồng với tổng diện tích 25ha; góp phần giữ ổn định năng suất lúa; giảm sâu bệnh; nâng cao chất lượng lúa thương phẩm và thu nhập cho hộ nông dân trồng lúa. Việc tham gia mô hình giúp người trồng lúa nắm vững đặc điểm sinh trưởng, lây lan và tác hại của lúa cỏ đối với năng suất, chất lượng lúa, gạo; có thêm kiến thức về các nguy cơ và tác hại của dịch bệnh hại đối với cây trồng nói chung, cây lương thực nói riêng, trong điều kiện canh tác hiện nay. Thông qua kết quả của các mô hình thí nghiệm, đề tài cũng đã chọn lựa được một số loại thuốc trừ lúa cỏ thích hợp và các biện pháp canh tác tổng hợp giúp người dân xử lý lúa cỏ tốt hơn, hạn chế việc sử dụng không đúng thuốc, vừa không hiệu quả tiêu diệt dịch hại mà còn tăng chi phí sản xuất và gây ô nhiễm đồng ruộng cũng như môi trường sống, giúp hộ dân yên tâm canh tác lúa./.
Bài và ảnh: Văn Đại