Trong những năm qua, ngành Ngân hàng đã tích cực chung tay, góp sức cùng các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), tiến tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, góp phần quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhiều người dân, đưa diện mạo nông thôn ngày càng tươi đẹp, trù phú.
Thi công cống hộp hoá kênh mương đường trục chính xã Hải Minh (Hải Hậu). |
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, cơ chế, chính sách liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn mới trên địa bàn tỉnh. Tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực theo chủ trương của Chính phủ như: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 55 và hướng dẫn thực hiện của NHNN Việt Nam tại Thông tư số 10/2015/TT-NHNN ngày 22-7-2015, Thông tư số 25/2018/TT-NHNN ngày 24-10-2018; Chương trình cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013… Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD trên địa bàn giảm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng đối với các lĩnh vực ưu tiên để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN. Các TCTD tích cực triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Ngoài ra, đồng hành cùng chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 và triển khai kế hoạch thực hiện giai đoạn 2021-2025, các TCTD đã tập trung nguồn vốn cho vay lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp hợp tác xã, hộ sản xuất phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở từng địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần hoàn thành mục tiêu của chương trình OCOP. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ phương án, dự án sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn mở rộng mạng lưới (phòng giao dịch, ATM) về địa bàn nông thôn theo quy định của NHNN Việt Nam. Trên địa bàn nông thôn hiện có 250 điểm giao dịch của ngân hàng, bình quân một xã có trên 1 điểm giao dịch, ngoài ra còn có mạng lưới tổ vay vốn và tiết kiệm của hệ thống các Ngân hàng: NN và PTNT và Chính sách xã hội rộng khắp trên địa bàn nông thôn. Đến nay hầu hết các ngân hàng thương mại, kể cả các ngân hàng thương mại cổ phần không có vốn Nhà nước cũng đã có mạng lưới hoạt động tại địa bàn nông thôn.
Đến nay, toàn tỉnh có 106 xã, thị trấn (bằng 52% tổng số xã, thị trấn) đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; trong đó, năm 2021 có 93 xã, thị trấn được công nhận. Trong 7 tháng đầu năm 2022, Đoàn thẩm định của tỉnh đã tổ chức thẩm định được 76 xã, thị trấn đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021 theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao của tỉnh và được Hội đồng nhất trí đề nghị UBND tỉnh ra quyết định công nhận 76 xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao. Đóng góp vào thành tựu chung đó, nguồn vốn cho vay của ngân hàng giữ một vai trò quan trọng, là nguồn lực thúc đẩy xây dựng NTM trên địa bàn nông thôn trong tỉnh. Đến hết ngày 30-6-2022, dư nợ cho vay của 204 xã, thị trấn xây dựng NTM là 48.078 tỷ đồng; trong đó cho vay ngắn hạn là 35.639 tỷ đồng, trung dài hạn là 12.439 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại có dư nợ là 40.368 tỷ đồng, chiếm thị phần 84% (trong đó hai chi nhánh Ngân hàng NN và PTNT Việt Nam trên địa bàn tỉnh có dư nợ là 18.774 tỷ đồng); Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh có dư nợ là 3.663 tỷ đồng, chiếm thị phần 7,6%; Ngân hàng Phát triển Việt Nam Chi nhánh khu vực Hà Nam Ninh là 136 tỷ đồng, chiếm thị phần 0,28%; Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh Nam Định, Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và tổ chức tài chính vi mô là 3.911 tỷ đồng chiếm 8,1%. Doanh số cho vay xây dựng NTM lũy kế từ đầu năm đến ngày 30-6-2022 là 30.484 tỷ đồng. Số khách hàng còn dư nợ tại TCTD là 198.437 khách hàng, trong đó phần lớn khách hàng là các cá nhân, hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp (197.654 hộ dân, 781 doanh nghiệp, 4 hợp tác xã).
Chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua đã tạo điều kiện và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư tín dụng đối với khu vực nông thôn được điều chỉnh hợp lý, hiệu quả và an toàn hơn, tín dụng được tập trung vào cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. Tại những xã có sử dụng vốn vay ngân hàng lớn, có thể thấy rõ kinh tế từng bước được cải thiện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, cơ sở hạ tầng phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm… Có thể thấy rằng, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của chương trình xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, hiệu quả vốn vay của các TCTD cũng gặp không ít khó khăn, hạn chế do nhiều hộ dân ít được đầu tư khoa học công nghệ, năng suất lao động thấp, giá trị thương hiệu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế, thị trường tiêu thụ không ổn định… gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn và trả nợ ngân hàng. Hiệu quả cho vay theo mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị dù được ngành Ngân hàng khuyến khích, hỗ trợ nhưng quy mô cho vay theo mô hình này còn hạn chế, nguyên nhân là do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các chủ thể trong chuỗi, các định chế tài chính đầu tư và ngân hàng; việc cam kết, tuân thủ hợp đồng của người nông dân còn yếu; quy trình sản xuất chất lượng chưa được tuân thủ chặt chẽ cũng khiến việc phát triển cho vay theo chuỗi chưa được như kỳ vọng.
Đến năm 2025, toàn tỉnh đặt mục tiêu có 50% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 25% số xã, thị trấn trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 50% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Hải Hậu được công nhận huyện NTM kiểu mẫu; ít nhất 300 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các TCTD đổi mới, áp dụng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng. Công khai thủ tục cho vay, cung cấp các dịch vụ đối với khách hàng như: trình tự các bước thủ tục, hồ sơ, thời hạn giải quyết, lãi suất cho vay… Đồng thời, tập trung hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động tiền tệ, tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách; tăng cường công tác phối hợp giữa ngân hàng, TCTD với chính quyền địa phương... Chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Kiểm soát cấp tín dụng theo hướng ưu tiên cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nhiều lao động./.
Bài và ảnh: Đức Toàn