Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tận tâm với người nghèo

06:09, 09/09/2022

Tận tâm hết mình vì công việc, được người dân yêu mến, lãnh đạo ngân hàng tin tưởng, ông Mai Ngọc Diệp, 67 tuổi, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TK và VV) Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) xóm Xuân Phong, xã Hải Hoà (Hải Hậu) đã trở thành “nhịp cầu” kịp thời đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với những hoàn cảnh khó khăn đang “khát” vốn.

Trực tiếp trò chuyện với ông, chúng tôi càng cảm nhận được niềm đam mê công việc của ông. Hơn 18 năm qua, không quản ngại nắng mưa, ngày nghỉ, bất cứ khi nào có người nghèo cần vay vốn, ông Diệp lại nhiệt tình đến tận nhà tìm hiểu, tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục. Là cựu chiến binh chống Mỹ, năm 1979 ông trở về quê hương. Gia đình ông lúc đó thuộc diện hộ nghèo trong xã. Công việc thuần nông đồng áng “chiêm khê, mùa úng” khiến kinh tế mãi không khá được bởi xã Hải Hoà vốn là “rốn nước” của huyện Hải Hậu, một năm chỉ cấy được 1 vụ. Năm 2003, khi Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu đi vào hoạt động, ông là một trong những hộ được vay vốn tín dụng chính sách đầu tiên. Có vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH, ông cùng gia đình cần mẫn, chịu khó cải tạo đồng ruộng, đào ao thả cá, từng bước cải thiện kinh tế gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Mai Ngọc Diệp (bên trái) thăm mô hình kinh tế VAC của anh Phạm Hồng Quảng, hộ cận nghèo tại xóm Xuân Phong, xã Hải Hoà (Hải Hậu).
Ông Mai Ngọc Diệp (bên trái) thăm mô hình kinh tế VAC của anh Phạm Hồng Quảng, hộ cận nghèo tại xóm Xuân Phong, xã Hải Hoà (Hải Hậu).

Vươn lên từ hộ nghèo nên ông rất đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn khác trên cùng quê hương xóm Xuân Phong. Từ năm 2004, ông đã được bà con xóm Xuân Phong tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ TK và VV do Hội Cựu Chiến binh xã quản lý. Ông chia sẻ với chúng tôi: Thời điểm đầu với vai trò là tổ trưởng, tôi gặp không ít khó khăn do nhận thức của các thành viên trong tổ về vay vốn ưu đãi và sử dụng vốn vay còn hạn chế. Nhiều hộ nghèo không dám vay vốn vì tâm lý sợ không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Để tháo gỡ nút thắt tâm lý của các hộ, ông Diệp khẳng định: “Bản thân tôi xác định, công tác tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các chính sách tín dụng ưu đãi tới bà con và các thành viên trong tổ là nhiệm vụ hàng đầu. Từ hiểu rõ sẽ làm đúng”. Tận tình, thấu đáo, tấm lòng nhiệt thành của ông đã giúp mọi người hiểu được những lợi ích mà nguồn vốn ưu đãi mang lại và tích cực tham gia các hoạt động của tổ, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong suốt 18 năm qua, tổ TK và VV của ông Diệp đã giúp cho 192 lượt tổ viên được vay vốn với tổng số tiền 4,9 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 6-8-2022, tổ còn 52 tổ viên được vay vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH với tổng dư nợ là 2 tỷ 77 triệu đồng. Tổ TK và VV của ông Diệp hiện đang triển khai 4 chương trình tín dụng ưu đãi gồm cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay học sinh, sinh viên và nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn. Với trách nhiệm là tổ trưởng, trong quá trình bình xét cho vay, ông luôn tôn trọng các thành viên trong tổ, lấy ý kiến công khai, minh bạch; đồng thời, phân tích rõ ràng để mọi người hiểu rõ, đồng lòng tạo điều kiện cho những trường hợp, những hoàn cảnh khó khăn nhất được ưu tiên vay vốn với số vay cao nhất. Mỗi khách hàng, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều ông trăn trở nhất là làm thế nào để khi được nhận vốn, người dân biết cách làm cho đồng vốn sinh lời để vừa trả được gốc và lãi cho ngân hàng, vừa cải thiện được kinh tế gia đình. Khi được vay vốn, sát cánh cùng với các tổ viên, ông thường xuyên bám sát, gần gũi, động viên các gia đình tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăn nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, định hướng để lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp. Hàng quý, tổ TK và VV do ông Diệp quản lý đều duy trì sinh hoạt định kỳ, lồng ghép hoạt động hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Qua đó, vừa có thể theo dõi hoạt động chung của tổ, quá trình sử dụng vốn vay vừa giúp từng thành viên rút kinh nghiệm, điều chỉnh sản xuất, chọn lựa cây trồng con nuôi phù hợp, đem lại thu nhập ổn định, tránh tình trạng sử dụng vốn vay không hiệu quả, không đúng mục đích, nợ đọng vốn. Vì thế, trong suốt nhiều năm gắn bó với tổ TK và VV, tổ của ông Diệp không hề có nợ quá hạn, nợ khoanh. Vốn tín dụng Ngân hàng CSXH được các tổ viên sử dụng đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê, nuôi thuỷ sản, xây dựng công trình vệ sinh môi trường đem lại thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Từ hiệu quả đồng vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều hộ đã sửa sang được nhà cửa mới khang trang, sắm sửa vật dụng tiện nghi vươn lên thoát nghèo bền vững, tích cực tham gia đóng góp vào xây dựng NTM của địa phương. Không chỉ vậy, các hộ còn nâng cao ý thức tiết giảm chi tiêu, dành dụm tiền gửi tiết kiệm vào ngân hàng định kỳ hàng tháng để mở thêm các cơ hội vay vốn cho các hộ nghèo khác. Hiện, tổng số dư tiết kiệm tại tổ TK và VV xóm Xuân Phong đạt 107,1 triệu đồng. “Nói có sách, mách có chứng”, ông Diệp đưa chúng tôi đến thăm gia đình anh Phạm Hồng Quảng, hộ cận nghèo của xóm để minh chứng về hiệu quả sử dụng vốn vay tại tổ. Anh Quảng có 6 sào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Đang tất bật chuẩn bị cho tôm ăn, anh Quảng phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Tổ TK và VV xóm Xuân Phong đã tạo điều kiện để tôi được Ngân hàng CSXH giải ngân cho vay 100 triệu đồng để đầu tư cải tạo ao và mua con giống”. Hiện tại, 2 ao nuôi tôm của gia đình anh đã cho thu hoạch được 1 lứa, trừ chi phí gia đình anh cũng thu về hơn 30 triệu đồng. Số tiền trên tuy không nhiều nhưng cũng giúp anh Quảng trang trải chi phí lo cho mẹ già đau ốm cùng 3 con nhỏ đi học.

Khi được hỏi lý do khiến ông gắn bó và làm việc hết mình với công việc là “cán bộ tín dụng không chuyên” suốt 18 năm qua, ông cười: “Ngày nào cũng được gặp gỡ, tiếp xúc với bà con, được chứng kiến kinh tế gia đình họ khá lên từng ngày từ đồng vốn tín dụng ưu đãi, đó là niềm hạnh phúc và động lực lớn nhất giúp tôi có quyết tâm và gắn bó với công việc này”. Tận mắt chứng kiến, gặp gỡ ông Diệp và những người làm công tác tín dụng cơ sở khác ở các miền quê Nam Định mới thấy được ý nghĩa to lớn mà nguồn vốn chính sách của Nhà nước đem lại. Có thể thấy, với đòn bẩy từ vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được bảo đảm. Đặc biệt hơn, mô hình tổ TK và VV thực sự giúp bà con gần gũi nhau, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết bền chặt và trên hết, “không ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh hơn./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 

 



Nhóm vay h5 là gì

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com