Đảng bộ xã Hải Minh (Hải Hậu) hiện có 494 đảng viên sinh hoạt ở 26 chi bộ. Những năm qua, Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu các tổ chức cơ sở đảng, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Chủ cơ sở đồ gỗ Loan Thiện (bên trái) giới thiệu các sản phẩm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ cho khách hàng. |
Đồng chí Phạm Văn Phú, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Minh cho biết: Hàng năm, Đảng ủy xã đều ban hành các nghị quyết chuyên đề phát triển kinh tế, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Toàn xã hiện có 21 xóm với xấp xỉ 20 nghìn nhân khẩu; trong đó có đến 90% số người ở độ tuổi lao động tham gia sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Hiện nghề sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ thu hút 1.540 hộ tham gia, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 4.500 lao động với thu nhập bình quân hơn 7-8 triệu đồng/người/tháng. Giá trị cơ cấu kinh tế các ngành của xã chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ lên 81%, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp còn 19%. Năm 2021, dịch COVID-19 trên địa bàn xã diễn biến phức tạp dẫn tới phải áp dụng phương án cách ly trên diện rộng để chống dịch, đảm bảo an toàn cho người dân. Kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều cơ sở sản xuất của làng nghề đứng trước nguy cơ đánh mất thị trường, đơn hàng do không thể xuất hàng, thậm chí lâm vào cảnh nợ nần do không thể tiêu thụ sản phẩm, tạo doanh thu trong khi vẫn đều đặn phải trả lãi ngân hàng.
Trước tình hình đó, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của cấp trên và ngành Y tế. Chỉ đạo các xóm ký cam kết tới từng hộ về việc khai báo y tế, làm tốt công tác lập chốt quản lý, kiểm soát chặt chẽ người đi, đến từ vùng có dịch. Các chi bộ, đảng viên trong xã luôn nêu cao vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế; đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hướng dẫn “5K+ vắc-xin”, từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19. Đến nay, xã đã tiêm 100% mũi 3 và mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, 100% người dân từ 12-18 tuổi được tiêm mũi 2, 70% người dân từ 5-12 tuổi được tiêm mũi 2. Dịch COVID-19 được kiểm soát giúp các hộ dân làng nghề thuận lợi trong khôi phục sản xuất, kinh doanh, giữ vững tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Đáng kể, xã tập trung hỗ trợ về hồ sơ, thủ tục chứng minh tài sản đảm bảo, giúp các hộ sản xuất, kinh doanh của làng nghề tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng ưu đãi hỗ trợ phục hồi kinh tế. Hiện tại, Quỹ tín dụng nhân dân Hải Minh đã trở thành địa chỉ tin cậy đáp ứng tốt nhu cầu về vốn cho các hộ với dư nợ 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt hơn 143 tỷ đồng. Ngoài ra, xã còn hỗ trợ để người dân được tiếp cận với các gói vay lãi suất thấp của nhiều ngân hàng khác như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Hải Hậu, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Hậu và Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Á Châu. Bên cạnh đó, xã cũng triển khai tập huấn, phổ biến về thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến bằng các ứng dụng livestream… cho các hộ kinh doanh quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, có thêm những hợp đồng mới. Nhờ tham gia các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, ngay trong các tháng đầu năm 2022, các cơ sở sản xuất của làng nghề đã nhanh chóng nhận được nhiều đơn hàng mới, tái phục hồi sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên cho người lao động, kinh tế từng bước khởi sắc trong điều kiện “bình thường mới”. Định kỳ cuối tháng, Đảng uỷ xã họp và phân công các đồng chí đảng ủy viên hàng tháng về dự sinh hoạt cùng chi bộ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, nhân dân để kịp thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp thiết thực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Cùng với đó, xã tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cống hộp hoá kênh tiêu thoát nước giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong khu dân cư; cải tạo, nâng cấp 800m tuyến đường giao thông huyết mạch thúc đẩy thương mại, dịch vụ của làng nghề (trên địa bàn 4 xóm 37, 35, 34, 4A) đoạn từ UBND xã đến cụm làng nghề 1 với tổng kinh phí dự toán là gần 20 tỷ đồng.
Bám sát nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của Đảng ủy, các chi bộ, đảng viên trong xã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đồng chí Phạm Hải Hưng, Bí thư chi bộ 4 Tân Tiến đồng thời là chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ Loan Thiện cho biết: Xóm 34 có 355 hộ với 80% hộ tham gia sản xuất đồ gỗ thủ công mỹ nghệ. Toàn xóm có 60 xưởng, mỗi xưởng có khoảng 30 lao động. Thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, mọi hoạt động sản xuất bị đình trệ, riêng cơ sở sản xuất đồ gỗ Loan Thiện của gia đình tôi cũng bị thiệt hại ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBND xã, các đảng viên của chi bộ đã tích cực tham gia các hội nghị chuyên đề của xã về các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế làng nghề sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, phổ biến các nội dung của chuyên đề đến từng đảng viên, phân công từng đảng viên rà soát, nắm bắt thực trạng, khó khăn của từng cơ sở sản xuất trong xóm, phản ánh kịp thời để thường vụ, ban chấp hành Đảng uỷ xã chỉ đạo giải quyết kịp thời. Ngoài ra, các đảng viên tích cực “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để vận động các cơ sở sản xuất tham gia tiêm vắc-xin đầy đủ cho người lao động, thực hiện nghiêm các quy định giãn cách, phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế, không để xảy ra tình trạng tái bùng phát dịch COVID-19, đảm bảo sản xuất không bị đình trệ, đơn hàng được giao đúng thời gian. Với nỗ lực không mệt mỏi của từng cán bộ, đảng viên và người dân, đến nay, kinh tế làng nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ của xóm 34 đã từng bước hồi phục. Các cơ sở hoạt động sôi nổi trở lại đáp ứng tốt nhu cầu thị trường. Đồng chí Phạm Hải Hưng hồ hởi cho biết: Cơ sở đồ gỗ Loan Thiện hiện đang phải tăng ca ngày đêm để đảm bảo kịp thời gian giao các đơn hàng. Bình quân mỗi tháng gia đình chúng tôi xuất được 12 đơn hàng, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với thu nhập ổn định từ 9-10 triệu đồng/người. Năm 2022, doanh thu dự kiến của cơ sở đạt hơn 14 tỷ đồng. Hơn vậy, nhiều cơ sở sản xuất làng nghề ở xóm 34 đã thiết kế website quảng cáo, giới thiệu sản phẩm như dogoloanthien.com, banghegotrac.vn, mynghehaiminh.vn, dogoyenluc.vn… và ký kết hợp đồng giao dịch các đơn hàng mới trong và ngoài nước, tiếp cận với thương mại điện tử, mở rộng thị trường, phát triển hơn về quy mô sản xuất.
Thời gian tới, Đảng uỷ xã Hải Minh tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống tạo mũi nhọn về kinh tế, giải quyết thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại điện tử; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, khẩn trương dịch chuyển vào cụm công nghiệp trên địa bàn để nâng cao chất lượng đảm bảo môi trường làng nghề; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu các sản phẩm địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ, tìm đầu ra cho các sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đến hết năm 2022, thu nhập bình quân trên đầu người toàn xã đạt 76 triệu đồng./.
Bài và ảnh: Đức Toàn