Xã Hải Đông (Hải Hậu) có 5,2km bờ biển với 5 cửa cống thông ra biển. Với lợi thế đó cùng việc tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều người dân trong xã đã chuyển đổi diện tích làm muối, trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Người dân xã Hải Đông kiểm tra chất lượng tôm nuôi. |
Đồng chí Vũ Xuân Bách, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Xác định nuôi thủy sản là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương, cấp ủy, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển nuôi thủy sản bền vững. Hàng năm, xã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp tập huấn về nuôi thuỷ sản và phổ biến thông tin thị trường cho người dân”. Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, Hội Nông dân xã xây dựng 2 tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản gồm: tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản số 1 và tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản số 2. Thông qua 2 tổ hội nghề nghiệp nhằm quy tụ các hộ nông dân có chung mục đích cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm để nuôi thủy sản đạt hiệu quả, gắn kết chặt chẽ trong cung cấp nguồn giống và sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Trong đó, Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản số 1 được thành lập năm 2003, đến nay đã có 91 thành viên với tổng diện tích chăn nuôi 44,7ha, gồm có 21,5ha nuôi cá nước ngọt, còn lại là diện tích chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổ hội thường xuyên quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên đẩy mạnh phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi với phương châm “Dám nghĩ, dám làm và dám đột phá”, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất tạo ra nhiều sản phẩm sạch có chất lượng. Đến nay, có 91 hộ thành viên đăng ký đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và đã có 75 hộ đạt. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Luật, Nguyễn Văn Khuynh, Đinh Văn Thuận, Trần Văn Đình… cho thu nhập mỗi năm từ 1-4 tỷ đồng trở lên. Ông Nguyễn Văn Luật có trang trại chăn nuôi tổng hợp rộng 4,5ha với các đối tượng nuôi như cá nước ngọt truyền thống, cá diêu hồng, cá trê lai…; diện tích đất trên bờ nuôi lợn, gà... Hàng năm, tổng doanh thu từ trang trại tổng hợp của gia đình ông Luật đạt khoảng 5 tỷ đồng. Ông Luật cho biết: “Trước kia vùng đất này chỉ cấy lúa, hiệu quả kinh tế thấp, dù cố gắng chăm bón cách nào cũng chỉ thu được hơn tạ thóc/sào. Nhiều năm trở lại đây, nhờ chủ trương đổi mới sản xuất, người dân chúng tôi có cơ hội phát triển kinh tế từ nuôi thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm”. Ngoài ông Luật, ông Khuynh... một số hộ cũng mạnh dạn chuyển đổi nuôi cấy “xen canh, gối sóng” các loại như: tôm, cá, ốc bươu, cây cau và một số loại cây cảnh… cho thu nhập mỗi năm từ 200-500 triệu đồng trở lên, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Còn với Tổ hội nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản số 2 có 16,5ha nuôi thủy sản trong đó có 1ha nuôi cá nước ngọt, còn lại là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhiều hộ nuôi đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, nuôi tôm công nghệ cao cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm như hộ anh: Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Hạo, Lê Văn Côi, Nguyễn Văn Lân… Anh Nguyễn Văn Cường ở xóm Hợp Thành là hộ đầu tiên trong xã thực hiện mô hình chuyển đổi diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Đến nay trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của anh Cường đã được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ nuôi tôm với 90 bể, ao xi măng. Chia sẻ về mô hình nuôi tôm trong bể xi măng, anh Cường cho biết, mỗi bể nuôi tôm được thiết kế 25m2, chiều cao hơn 1m. Trên các bể nuôi, anh còn đầu tư khung thép hình chóp lắp đặt dàn mái che đảm bảo sự ổn định nhiệt độ môi trường nuôi và chủ động về thời vụ như: mùa đông phủ nilon giữ ấm, mùa hè thay mái che bằng lưới tạo độ thoáng và che mát cho tôm. Với cách làm này, anh Cường thả tôm với mật độ khá dày, khoảng 400 con/m2 (gấp 5-6 lần so với mật độ ở ao nuôi truyền thống). Sau 40-60 ngày khi tôm có kích cỡ lớn hơn, anh “san, tỉa” giảm mật độ chỉ để 200 con/m2 để tôm có môi trường rộng tăng kích cỡ nhanh. Các bể đều có hệ thống cấp, thoát nước riêng biệt, đảm bảo an toàn cho tôm sinh trưởng, phát triển tốt. Anh Cường cho biết: “Nhờ chuyển sang áp dụng mô hình nuôi này đàn tôm lớn nhanh hơn, khỏe mạnh, đặc biệt là dư lượng kháng sinh không có, tôm thành phẩm sạch, bóng đẹp nên khách hàng ưa chuộng”. Trung bình mỗi năm, trang trại của anh thu hoạch trên 30 tấn tôm cho thu nhập hàng tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Cường còn giúp đỡ cho nhiều hộ nông dân nghèo trong xã bằng hình thức bán con giống, thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm trả chậm không tính lãi. Anh Cường cũng trở thành thầy giáo “cầm tay chỉ việc” cho nhiều người dân trong xã học tập và xây dựng mô hình nuôi tôm trên bể.
Đến nay, toàn xã Hải Đông có 176 hộ tham gia nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích hơn 200ha; sản lượng nuôi thủy sản trung bình hàng năm đạt trên 2.700 tấn. Để đảm bảo phát triển kinh tế thủy sản bền vững, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để người dân nâng cao hiệu quả các vùng nuôi thủy sản tập trung, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với môi trường, khí hậu. Kiểm soát việc cung ứng giống thủy sản, tăng cường phòng, chống dịch bệnh đảm bảo an toàn cho đối tượng; kết hợp các chương trình, dự án để tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất tiên tiến, giúp các hộ nuôi chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa