Người trồng lúa khó khăn vì giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao

08:09, 14/09/2022

Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022, giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… liên tục tăng đã đẩy chi phí sản xuất lên cao, khiến hiệu quả kinh tế đối với người trồng lúa bị giảm, nông dân càng khó hơn.

Sử dụng thiết bị bay phun thuốc trừ sâu trong vụ mùa 2022 tại xã Trung Đông (Trực Ninh).
Sử dụng thiết bị bay phun thuốc trừ sâu trong vụ mùa 2022 tại xã Trung Đông (Trực Ninh).

Sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn

Gia đình chị Phạm Thị Hương, thôn Phú Hòa, xã Trực Đạo (Trực Ninh) cấy 1 mẫu ruộng. Vụ xuân năm nay, gia đình chị cấy giống lúa BT7, năng suất đạt 200kg/sào. Hiện tại lúa mùa sắp được thu hoạch nhưng chị đang lo “tốn tiền công gặt mà lãi chả thấy đâu!”. Thời gian qua, giá phân bón, thuốc BVTV tăng khiến chi phí sản xuất đội lên, gia đình chị gặp nhiều khó khăn hơn. Trước đây, chi phí vật tư cho 1 sào lúa hết 350-400 nghìn đồng thì nay đã lên 530-600 nghìn đồng/sào, trong đó riêng tiền mua phân bón chiếm trên 70%, chưa kể tiền mua các loại thuốc diệt ốc bươu vàng, trừ cỏ cũng đội lên. Giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, công lao động cũng tăng từ 200 nghìn đồng lên 250-300 nghìn đồng/công và còn chi phí thuê máy làm đất, máy gặt... Trong khi đó giá lúa thương phẩm gần như vẫn thấp “ổn định” mức dưới 8.000 đồng/kg nên sau khi trừ chi phí, gia đình chị không có lãi, thậm chí lỗ. “Do giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao đã đội chi phí đầu tư khiến sản xuất lúa không hiệu quả nên tôi phải tính toán lại diện tích cấy lúa vụ tới. Với kết quả sản xuất lúa như vậy, gia đình gặp khá nhiều khó khăn trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất”, chị Hương cho biết.

Theo chia sẻ của các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 3-2021 giá các mặt hàng như phân bón, thuốc BVTV… có xu hướng tăng, tăng mạnh nhất ở thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9-2021 và đến đầu tháng 9-2022 vẫn chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) cho biết: So với đầu năm 2021 thì đến nay, giá đạm urê Phú Mỹ đã tăng từ 715 nghìn đồng/tạ lên 1,53 triệu đồng/tạ (gấp hơn 2 lần); phân bón NPK 16-16-8 Phú Mỹ từ 1,15 triệu đồng lên 1,78 triệu đồng/tạ; phân bón NPK 6-8-4 Tiến Nông từ 418 nghìn đồng lên 800 nghìn đồng/tạ… Bình quân giá phân bón tăng 40-50%. Bên cạnh giá phân bón tăng cao kỷ lục chưa từng có, giá các loại thuốc BVTV hiện cũng đang đua nhau “nhảy múa”. “Các loại thuốc BVTV như Clever 300WG, Voliam Targo 063SC, Moren 25WP, CHEVIN, Actara 25WG, MIDAN 10WP, Sofit 300EC… cũng tăng từ 15-20%”, anh Chiến cho biết thêm. Thông tin từ Cục BVTV (Bộ NN và PTNT), giá vật tư nông nghiệp thời gian qua tăng cao, nhất là giá phân bón đã tăng liên tiếp 4 lần, có loại tăng tới 250%, đạt mức cao nhất trong vòng 50 năm trở lại đây. 

Theo các chuyên gia ngành Nông nghiệp, nguyên nhân dẫn tới giá các mặt hàng phân bón, thuốc BVTV tăng cao là do nước ta còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu để sản xuất các mặt hàng này nhập khẩu từ các nước: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Trong khi đó, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặt khác do những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh chính trị thế giới, đặc biệt là xung đột quân sự khiến giá nhiên liệu xăng, dầu cũng tăng cao làm đội giá cung cấp nguyên liệu nhập khẩu. Giá vật tư nông nghiệp tăng chưa có dấu hiệu dừng lại, chi phí đầu tư cao, trồng lúa không hiệu quả nên làm gia tăng nguy cơ nông dân giảm đầu tư, bỏ ruộng hoặc cho thuê ruộng không làm.

Tăng cường quản lý kinh doanh phân bón, thuốc BVTV

Đồng chí Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV (Sở NN và PTNT) cho biết: Thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV, tính đến tháng 6-2022, Chi cục đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho 709 tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh phân bón; 558 tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh thuốc BVTV. Hiện nay, trên thị trường các loại phân bón rất đa dạng về chủng loại, phù hợp, tiện lợi cho từng đối tượng cây trồng. Mặc dù giá tăng cao nhưng không có tình trạng “khan” hàng, số lượng phân bón đáp ứng đủ nhu cầu cần sử dụng trong canh tác của người dân. Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục đã phối hợp với Thanh tra Sở NN và PTNT thanh tra, kiểm tra các công ty, doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng kinh doanh giống, phân bón, thuốc BVTV. Qua kiểm tra cho thấy về cơ bản các loại phân bón được kinh doanh, cung ứng tại địa bàn đảm bảo chất lượng, nằm trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định của Bộ NN và PTNT, chưa phát hiện có phân bón giả và phân bón hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, vẫn có một số mẫu phân bón chưa đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng theo quy định đã kịp thời bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt hành chính, đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả không để ảnh hưởng đến sản xuất. Đối với thuốc BVTV, các đơn vị, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chấp hành tốt quy định của pháp luật về kinh doanh thuốc BVTV. Các loại thuốc đều nằm trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam; thời hạn sử dụng, chất lượng thuốc đảm bảo, đáp ứng được yêu cầu phòng trừ sâu bệnh trên địa bàn tỉnh. Một số hộ kinh doanh phân bón, thuốc BVTV lẻ không còn hoạt động do tình hình sâu bệnh những năm gần đây trên địa bàn tỉnh rất thấp, giá cả vật tư tăng cao nên gặp nhiều khó khăn, kinh doanh thua lỗ. 

Ngày 9-9-2022, Sở NN và PTNT đã ban hành Công văn số 2139/SNN-CCTTBVTV đề nghị các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý hoạt động buôn bán phân bón, thuốc BVTV. Trước tình hình giá phân bón, thuốc BVTV tăng cao, Sở NN và PTNT chỉ đạo các địa phương chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, thời vụ theo hướng tăng diện tích các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao để tổ chức sản xuất hàng hóa an toàn, hiệu quả. Tập trung thực hiện các giải pháp để nhân rộng các mô hình tích tụ ruộng đất, hình thành cánh đồng lớn, thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư xây dựng và phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Hướng dẫn nông dân áp dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống và thâm canh, trong đó tập trung vào các quy trình canh tác lúa “3 giảm - 3 tăng”; “quản lý dịch hại tổng hợp - IPM”; hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)… để đảm bảo gieo cấy đúng, đủ mật độ; bón phân tiết kiệm, cân đối, hiệu quả và ý thức hơn trong việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng” nhằm giảm chi phí, gỡ khó cho nông dân.

Nhìn chung, người trồng lúa vẫn loay hoay với tình trạng là ngành sản xuất chính nhưng giá vật tư đầu vào sản xuất bị phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nhập khẩu và tăng cao khó kiểm soát trong khi kết quả sản xuất thì vẫn luẩn quẩn điệp khúc “được mùa mất giá”. Đây vẫn là bài toán khó đặt ra cho các cấp, ngành chức năng để giúp người dân “giảm áp lực về chi phí, tăng năng suất, tăng lợi nhuận”, yên tâm gắn bó với đồng ruộng./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com