Hiện nay, loại hình nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều và phổ biến trong tất cả các khu dân cư, nhất là tại các đô thị. Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC-CNCH) Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 611.098 cơ sở, hộ gia đình, trong đó 21.176 hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Từ thực tiễn cho thấy, ý thức PCCC của nhiều cơ sở, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn chủ quan, lơ là, do đó cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền và thường xuyên kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành hữu quan.
Công ty Cổ phần Xăng dầu dầu khí Nam Định diễn tập phòng cháy, chữa cháy tại kho nguyên liệu thuộc xã Tân Thành (Vụ Bản). |
Theo xu hướng mở rộng phát triển sản xuất, hiện nay, nhiều công trình, xưởng sản xuất của các cơ quan, doanh nghiệp, hộ dân được đầu tư, xây dựng, cải tạo, mở rộng quy mô. Điều bất cập đang diễn ra là hệ thống giao thông phục vụ công tác chữa cháy ở một số khu vực còn chật hẹp, nhiều nơi ngõ ngách kéo dài, mặt đường nhỏ; không gian công cộng treo mắc nhiều loại dây điện, cáp viễn thông ngang dọc; nhiều hộ gia đình xây dựng nhà hết phần diện tích nên chưa bảo đảm lối thoát nạn an toàn thứ hai; một số nơi người dân tự cải tạo một phần diện tích nhà đang ở để phục vụ sản xuất, kinh doanh mà chưa bảo đảm các điều kiện về an toàn PCCC… Những bất cập này đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của xe chữa cháy, khả năng triển khai đội hình chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH. Thống kê trong 3 năm gần đây cho thấy, năm 2020 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy, 1 vụ nổ; năm 2021 là 12 vụ cháy; 8 tháng đầu năm 2022 có 4 vụ cháy xảy ra tại cơ sở, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Điển hình như: hồi 17 giờ 15 phút, ngày 28-5-2022 đã xảy ra cháy tại nhà ông Ngô Thanh Tùng, sinh năm 1992, địa chỉ số 148 đường Thanh Bình (thành phố Nam Định); đơn vị đã điều động 3 xe chữa cháy đến hiện trường; sau khoảng 20 phút tích cực dập lửa, đám cháy đã được khống chế, rất may không gây thiệt hại về người. Hồi 21 giờ 58 phút, ngày 26-6-2022, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH nhận được tin báo cháy tại khu vực sân phơi rơm để làm đồ thủ công là ấm tích giữ nhiệt của bà Đinh Thị Nhu, sinh năm 1973, địa chỉ tổ dân phố Vạn Đồn, thị trấn Mỹ Lộc (Mỹ Lộc). Công an huyện Mỹ Lộc và lực lượng chữa cháy cơ sở đã phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng dập tắt đám cháy, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho gia chủ…
Trước những diễn biến phức tạp của các vụ cháy, từ năm 2021 đến nay, Bộ Công an và UBND tỉnh đã chỉ đạo mở đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; đồng thời huy động sự vào cuộc của các sở, ngành, đoàn thể, địa phương. Bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, Công an tỉnh đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh; phát 25.347 lượt tin, bài tuyên truyền, khuyến cáo về an toàn phòng chống cháy, nổ trên hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã; căng treo 4.189 băng rôn; phát 5.499 tờ rơi tại khu dân cư; thiết kế và in 3.618 bảng khuyến cáo, quy định về an toàn phòng chống cháy, nổ treo tại nhà văn hóa cơ sở; phổ biến, tuyên truyền trong các cuộc họp, sinh hoạt đoàn thể tại khu dân cư. Công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông gửi 498.618 lượt tin nhắn SMS đến số điện thoại di động của người dân để hướng dẫn cài đặt ứng dụng “Báo cháy 114”; hướng dẫn các ban, ngành chức năng, chính quyền cơ sở xây dựng, triển khai 14 mô hình về an toàn PCCC tại khu dân cư; hướng dẫn UBND các xã, thị trấn phát động phong trào tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ lồng sắt, “chuồng cọp” tạo lối thoát an toàn. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức 235 đoàn kiểm tra về PCCC-CNCH; kết quả đã kiểm tra được gần 99% cơ sở sản xuất, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; qua đó hướng dẫn khắc phục 188.382 thiếu sót, tồn tại về PCCC; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 trường hợp cố tình vi phạm những quy định về an toàn phòng, chống cháy, nổ. Trong suốt quá trình thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy, nhiều cơ sở, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã chủ động trang bị thêm phương tiện PCCC-CNCH; tiêu biểu như ở khu vực các phường Thống Nhất, Trần Hưng Đạo, Trần Đăng Ninh và xã Lộc An (thành phố Nam Định); các xã Yên Lương, Yên Tiến, Yên Ninh (Ý Yên); xã Mỹ Tiến, Mỹ Thắng (Mỹ Lộc)…
Phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được, thời gian tới, Công an tỉnh đang tiếp tục tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân bảo đảm an toàn tại các cơ sở, hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhất là an toàn trong sử dụng điện, máy phát điện. Rà soát, bổ sung, cập nhật tình huống cháy, nổ, sự cố ngạt khí độc có liên quan đến sử dụng điện, máy phát điện trong phương án PCCC-CNCH tại cơ sở, khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao. Tiếp tục phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng về PCCC và thoát nạn đến người dân tại các khu dân cư thông qua nhiều hình thức phù hợp. Tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống cháy, nổ, sự cố, tai nạn cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở. Hướng dẫn người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện đầy đủ trách nhiệm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC-CNCH; qua đó thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững./.
Bài và ảnh: Xuân Thu