Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/HNDTW, ngày 4-7-2016 của BCH Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam (khóa VI) về “Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2020”, những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã triển khai, thực hiện phong trào đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mô hình nuôi cá trắm đen của hộ nông dân Trần Văn Khoa, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) cho hiệu quả kinh tế cao. |
Xác định phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một trong ba phong trào thi đua trọng tâm của Hội, hàng năm, HND tỉnh đều giao chỉ tiêu thi đua cho HND các huyện, thành phố; phát động hội viên nông dân đăng ký phấn đấu trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Nếu năm 2016, toàn tỉnh có 151.377 hộ đăng ký, 78 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp thì đến hết năm 2021, đã có 252.358 hộ nông dân đăng ký, 126.750 hộ đạt. Phong trào đã tạo điều kiện để nông dân tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích đất canh tác. Thu nhập và đời sống của nông dân từng bước được cải thiện, số hộ có kinh tế khá, giàu ngày càng tăng lên. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến sản xuất, kinh doanh giỏi có quy mô sản xuất lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Từ năm 2016 đến nay, có 6 hội viên nông dân tiêu biểu của tỉnh được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” là bà Mai Thị Nhung, xã Xuân Kiên (Xuân Trường); ông Lê Huy Điệp, xã Giao Tiến (Giao Thủy); ông Nguyễn Văn Sơn, thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu); ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh). Năm 2020, tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, giai đoạn 2015-2020, có 90 tập thể, cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Ngày càng có thêm nhiều mô hình, điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực: Trong lĩnh vực trồng trọt tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa giống, lúa lai F1 của hộ ông Đoàn Ngọc Sơn, xã Hải An (Hải Hậu) lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Mô hình trồng, thu mua, sấy cây đinh lăng kết hợp nuôi cá của hộ ông Bùi Văn Sớm, xã Hải Quang (Hải Hậu) trên diện tích 4ha, thu nhập 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động. Lĩnh vực chăn nuôi phải kể đến mô hình trang trại chăn nuôi lợn theo phương pháp hữu cơ của hộ ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh) với diện tích chuồng trại 600m2, tổng đàn lợn trên 300 con, lợi nhuận trên 1,4 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 8 lao động. Mô hình chăn nuôi thỏ giống New Zealand của hộ ông Triệu Đình Hợi, xã Hợp Hưng (Vụ Bản) với tổng đàn 800 con sinh sản, hơn 7.000 con thương phẩm, lợi nhuận thu được trên 1,4 tỷ đồng/năm. Mô hình trang trại tổng hợp của hộ ông Lê Văn Cần, xã Yên Thọ (Ý Yên) với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, lợi nhuận 2,5 tỷ đồng/năm. Lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt thủy sản như mô hình nuôi cá trắm đen, cá Koi, tôm thẻ chân trắng của ông Trần Văn Quyên, xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); lợi nhuận thu được trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 18 lao động thường xuyên. Mô hình nuôi trồng thủy sản của hộ ông Trần Thanh Năm, xã Xuân Vinh (Xuân Trường), mỗi năm xuất bán từ 80 đến 100 tấn cá các loại, thu nhập trên 1 tỷ đồng; giải quyết việc làm thường xuyên cho 7 lao động, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động mùa vụ.
Lĩnh vực thương mại - dịch vụ, sản xuất, kinh doanh tổng hợp, lâm nghiệp tiêu biểu như mô hình sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, kinh doanh chế biến lâm sản của hộ ông Nguyễn Đoàn Phó, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), lợi nhuận thu được trên 2,5 tỷ đồng/năm, đảm bảo việc làm thường xuyên cho 90 lao động với thu nhập bình quân 9-11 triệu đồng/tháng. Mô hình sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của hộ ông Đỗ Duy Bắc, xã Điền Xá (Nam Trực), lợi nhuận thu được đạt trên 1,5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Để phong trào đạt hiệu quả, các cấp Hội tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về nguồn vốn vay, dạy nghề, tạo việc làm. Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh đến nay có 30 tỷ 220 triệu đồng cho 1.335 hộ vay; tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT cho 56.500 hộ hội viên vay với số vốn trên 11.364 tỷ đồng; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 1.316 tỷ đồng cho 38.178 hộ vay. Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội đã trực tiếp tổ chức 78 lớp dạy nghề cho 2.433 lao động; phối hợp tổ chức 388 lớp dạy nghề cho 13.128 lượt lao động nông thôn, sau học nghề có 85% học viên tìm được việc làm ổn định. Hàng năm, HND các cấp trong tỉnh tổ chức cho cán bộ, hội viên đi tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, kinh tế trang trại trong và ngoài tỉnh; tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp HND trong tỉnh còn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước, giúp các sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa các sản phẩm đặc trưng của Nam Định tới tay người tiêu dùng, góp phần quan trọng thúc đẩy đạt mục tiêu “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nam Định, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. HND tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động với Sở NN và PTNT, Liên minh HTX tỉnh để thực hiện triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, HTX liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm, HTX ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Hướng dẫn xây dựng mô hình tổ hợp tác sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết; hỗ trợ các tổ hợp tác về khoa học kỹ thuật, giống, vốn, vật tư, phân bón, nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân và các nguồn vốn khác... Đến nay, HND các cấp đã trực tiếp hướng dẫn và thành lập 10 HTX, 142 tổ hợp tác với trên 2.000 thành viên tham gia; thành lập được 74 mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp với 911 thành viên tham gia. Các cấp Hội còn vận động hội viên nông dân tham gia 30 mô hình liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị và các vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng lớn” cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, để hỗ trợ nông dân tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ nông sản, HND tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập điểm cửa hàng nông sản an toàn Thanh Hoa tại huyện Hải Hậu. HND các huyện, thành phố trực tiếp và phối hợp thành lập 4 cửa hàng giới thiệu nông sản, thực phẩm sạch, an toàn tại các huyện Giao Thủy, Trực Ninh, Xuân Trường, thành phố Nam Định.
Phát huy những kết quả đạt được trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, qua đó khích lệ đông đảo hội viên phát huy ý chí tự lực tự cường, tinh thần lao động sáng tạo, đẩy mạnh phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thực hiện toàn diện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng