Khuyến nông Nam Định - bạn của nhà nông

07:09, 22/09/2022

Bám sát thực tiễn của địa phương và nhu cầu sản xuất của nông dân, những năm qua, hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất nông nghiệp qua hệ thống Khuyến nông trong tỉnh đã được chủ động triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả tích cực trong thực tiễn. Qua đó nâng cao nhận thức, trình độ sản xuất cho nông dân một cách trực tiếp nhờ “cầm tay chỉ việc”, gia tăng hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, góp phần đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).
Tham quan mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Liêm Hải (Trực Ninh).

Trong năm 2021, toàn hệ thống Khuyến nông tỉnh đã xây dựng được 224 mô hình khảo nghiệm, trình diễn các kỹ thuật mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, nhằm chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân. Điển hình ở vụ đông năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Việt Tiến, xã Trực Hùng (Trực Ninh) triển khai xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản với quy mô 2ha. 30 hộ nông dân tham gia mô hình được tập huấn các quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản và bộ tiêu chuẩn VietGAP; quản lý dịch hại tổng hợp (IMP) trên rau màu ở tất cả các khâu: Thực hiện mô hình làm đất, lên luống cao, thoát nước tốt tại chân ruộng 2 lúa thích hợp với sinh trưởng, phát triển của cây rau, đồng thời sử dụng phân ủ hoai mục kết hợp với vôi bột và các loại phân vô cơ NPK, kali, lân để bón nhằm cải tạo đất, tăng độ phì, độ pH để nuôi cây. Trong quá trình sản xuất sử dụng nước tưới không bị ô nhiễm các loại hóa chất, vi sinh vật độc hại cho rau. Về quản lý dịch hại trên rau màu, các hộ tham gia mô hình được khuyến khích sử dụng các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc có độ độc thấp; áp dụng phương pháp IPM nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao, ít độc hại cho người và môi trường. Khi thực sự cần thiết sử dụng thuốc hóa học thì chọn các loại trong danh mục cho phép của Bộ NN và PTNT theo phương thức luân phiên các loại thuốc khác nhau, đúng liều lượng, chủng loại, không tự ý phối trộn các loại thuốc, đặc biệt đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch đúng theo hướng dẫn ghi trên các nhãn của các loại thuốc. Kết quả mô hình đạt năng suất 2,53 tấn rau/sào (tương đương 70 tấn/ha), lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 10% so với sản xuất đại trà. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình còn góp phần chuyển biến nhận thức và hành động của nông dân về việc sản xuất của mình, đặc biệt là người trồng rau, giúp họ hiểu được trong sản xuất, kinh doanh, chất lượng sản phẩm là điều tiên quyết, sống còn để duy trì phát triển lâu dài. Bên cạnh đó, sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, VietGAP còn thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu, giúp cho người tiêu dùng có địa điểm để mua được những sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng cũng như bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. 

Còn nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao được hệ thống Khuyến nông thực hiện như: mô hình sản xuất khoai tây thương phẩm tại xã Giao Yến (Giao Thủy) cho năng suất đạt 25 tấn/ha, lợi nhuận 150 triệu đồng/ha, hiệu quả kinh tế tăng 15% so với đại trà; mô hình sản xuất hoa Lily tại xã Xuân Ninh (Xuân Trường) lợi nhuận đạt 1,5 tỷ đồng/ha; mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học quy mô 1.500 con triển khai tại 2 xã Mỹ Tiến (Mỹ Lộc) và Yên Thọ (Ý Yên) đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, hiệu quả kinh tế đạt 57,9 triệu đồng; mô hình nuôi cá sộp bằng thức ăn công nghiệp tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng), năng suất đạt 64 tấn/ha, lãi trên 500 triệu đồng/ha… 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, bám sát nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục triển khai nhiều mô hình theo nhiệm vụ được giao đảm bảo đúng thời vụ, tiến độ. Vụ xuân năm 2022, Trung tâm đã thực hiện khảo nghiệm tập đoàn giống lúa thuần tại thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Kết quả, các giống triển vọng là VNR20, LP5, CS6 NĐ4 có năng suất cao hơn 12-15,4% so với đối chứng Bắc thơm 7, giúp cho các địa phương lựa chọn, bổ sung vào cơ cấu giống, thay thế dần các giống lúa cũ năng suất, chất lượng và sức chống chịu kém hơn. Mô hình thực nghiệm bón phân vi sinh thay thế phân chuồng cho lúa được triển khai tại 3 xã Hải Quang (Hải Hậu), Minh Tân (Vụ Bản) và Yên Xá (Ý Yên) cho năng suất tăng 7,8-12% so với đại trà, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường và mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững. Trong chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện các mô hình: chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng); xây dựng vùng nguyên liệu chuỗi thịt lợn an toàn tại xã Giao Hà (Giao Thủy); vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học tại 2 xã Yên Phong, Yên Thọ (Ý Yên). Ở lĩnh vực thủy sản, các mô hình nuôi cá đối mục bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Xuân Trường; nuôi cá trắm đen bằng thức ăn công nghiệp tại huyện Giao Thủy cho lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn bằng công nghệ Biofloc tại huyện Nghĩa Hưng cho năng suất đạt 17 tấn/ha, lợi nhuận trên 650 triệu đồng/ha… 

Song song với việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm, trình diễn, từ đầu năm 2021 đến tháng 6-2022, hệ thống Khuyến nông tỉnh còn tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho nông dân. Trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức 58 lớp tập huấn theo kế hoạch và theo nhu cầu của nông dân về chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức 8 lớp huấn luyện khuyến nông ToT (đào tạo lực lượng tập huấn viên) và 7 lớp tập huấn đào tạo cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông, nông dân, chủ trang trại. Qua đó nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác khuyến nông; đảm bảo giúp nông dân tiếp thu, áp dụng có hiệu quả những tiến bộ KHKT vào sản xuất, phòng trừ dịch bệnh, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Thông qua các chương trình, mô hình khuyến nông, xu hướng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, hạn chế sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng… ngày càng phát triển mạnh. 

Đồng chí Nguyễn Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động ứng dụng chuyển giao nhanh các tiến bộ KHKT trong sản xuất cây trồng, con nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và an toàn đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của tỉnh. Từ đó cung cấp các loại thực phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu; nâng cao dân trí và tập quán sản xuất hàng hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh, môi trường, thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com