Doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với diễn biến mới của dịch COVID-19

07:09, 19/09/2022

Trong thời gian qua, với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc. Tuy nhiên, trước diễn biến mới có dấu hiệu của dịch do biến chủng mới Omicron với các biến thể phụ ở các nước trong khi hiệu quả, khả năng bảo vệ của vắc-xin giảm dần theo thời gian, số ca mắc trong cộng đồng hiện đang có xu hướng tăng lên, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại... có thể gây khó khăn cho sản xuất trong nước, bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu.

Công nhân Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh) thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.
Công nhân Công ty Hệ thống dây dẫn Sumi Việt Nam (KCN Bảo Minh) thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại.

Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội mới trong quá trình phục hồi nền kinh tế để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 tái bùng phát sẽ gây hậu quả tiêu cực cho quá trình này. Theo ông Trần Xuân Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh: Quan điểm chung của các doanh nghiệp trong tỉnh là tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tích cực tuyên truyền, vận động công nhân, lao động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” trước sự xuất hiện của biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron và các biến thể khác; khuyến khích công nhân tự giác, tích cực tham gia tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kịp thời, đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra để đảm bảo an toàn sức khỏe người lao động, ổn định nhân lực, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Hiện các doanh nghiệp chủ động, tích cực cập nhật diễn biến dịch bệnh COVID-19 và thông tin chỉ đạo, điều hành về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới của chính quyền, ngành chức năng; đồng thời sẵn sàng triển khai các phương án phòng chống thích hợp với mọi tình huống dịch bệnh giúp bảo vệ hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp đều chú trọng thực hiện các hoạt động: Chuẩn bị ứng phó dịch tại doanh nghiệp; tiến hành các biện pháp đảm bảo sức khỏe, thu nhập của người lao động và duy trì hoạt động kinh doanh liên tục. Đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết: sau giai đoạn bị dồn nén bởi các đợt dịch, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may của thị trường thế giới tăng mạnh, nhiều doanh nghiệp dệt may của tỉnh nhận được nhiều đơn hàng lớn, dài hơi. Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp phải tập trung sản xuất, dồn dập trả các đơn hàng đã ký kết từ cuối năm 2021. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn sẽ bị phạt, hủy đơn hàng gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của ngành dệt may Nam Định. Đối với doanh nghiệp dệt may nếu dịch COVID-19 tái bùng phát, phải giãn cách, cách ly tuyệt đối từ 14-21 ngày sẽ phá hủy kế hoạch sản xuất của cả năm, thậm chí phải đối mặt với nguy cơ phá sản, người lao động mất việc làm, không còn thu nhập. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may luôn sẵn sàng kịch bản ứng phó với từng diễn biến dịch bệnh. Trong đó đặc biệt lưu ý công tác phòng ngừa, biện pháp ngăn chặn lây lan ngay tại nơi sản xuất. Bên cạnh đó, giai đoạn cuối năm và dự kiến sang đầu năm 2023, các doanh nghiệp dệt may phải đối mặt với thực trạng giảm sức mua do các đối tác thận trọng hơn trong việc đặt các đơn hàng mới để kiểm soát hàng tồn kho và ngăn chặn tình trạng dư thừa trước tình trạng lạm phát tại các nước trên thế giới đang tăng cao. Trong khi đó, tác động kép của sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau COVID, Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu và xung đột quân sự Nga - Ukraine khiến nguyên vật liệu sản xuất của ngành dệt may tăng cao. Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may đã đặc biệt chú trọng phương án, kịch bản ứng phó với tình huống phải tìm kiếm, tiếp cận đa dạng các nguồn nguyên vật liệu và khách hàng mới trong bối cảnh dịch COVID-19 tái bùng phát nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh liên tục, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động. 

Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để đảm bảo sản xuất kinh doanh liên tục như thiết lập, củng cố các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn áp dụng các chương trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến HACCP, quy phạm sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, phát triển các sản phẩm OCOP. Phát triển liên kết, nâng tổng số lên 22 thành viên trực thuộc Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định với 32 chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm an toàn; xây dựng được chuỗi 6 cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Nam Định, 3 cửa hàng liên kết tại địa bàn các huyện của tỉnh và hàng loạt cửa hàng ở tỉnh ngoài. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa qua kênh thương mại điện tử. Hiện toàn tỉnh đã có trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đưa hơn 400 nông sản lên giới thiệu, kinh doanh và tiêu thụ trên 2 sàn giao dịch TMĐT là PostMart.vn, Voso.vn...

Đại diện Hội Doanh nghiệp huyện Giao Thủy cho biết: Sau diễn biến của các đợt dịch COVID-19 vừa qua, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đều nhận thức rõ vai trò quan trọng của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong hướng dẫn, hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ áp dụng các quy định, khai thác, hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp các doanh nghiệp duy trì, ổn định, thậm chí là phát triển sản xuất, kinh doanh dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Vì vậy, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã bám sát tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của huyện vận động công nhân, lao động tham gia tiêm đủ vắc-xin theo hướng dẫn của ngành Y tế, nâng cao sức đề kháng, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tranh thủ các chương trình hỗ trợ của các ngành chức năng để nâng cao năng lực đảm bảo sản xuất, kinh doanh liên tục, như ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển sang phương thức thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. 

Với tinh thần cẩn trọng, cảnh giác hơn cùng sự chủ động sẵn sàng tâm thế, các phương án lại các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu ứng phó hiệu quả nếu dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại, tiếp tục duy trì ổn định và tận dụng mọi cơ hội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 tỉnh đặt ra./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com