Nhằm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16-7-2021 thực hiện nghị quyết. Trong đó, “chú trọng công tác lập, quản lý quy hoạch để tạo đà, bứt phá trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh” được xác định là một trong các giải pháp quan trọng.
Thi công giai đoạn II dự án tuyến đường tỉnh 490B thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng cải thiện hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển vùng kinh tế biển của tỉnh. |
Điểm nhấn trong công tác quy hoạch của tỉnh kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực là các văn bản chỉ đạo điều hành về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi, là cơ sở để tiến hành công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch. UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo Sở Xây dựng thực hiện tốt công tác tham mưu, ban hành quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh; việc lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý Nhà nước về các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn theo quy định của pháp luật... Mặt khác, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nội dung quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đề cương và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III-2022. Giám đốc Sở Xây dựng Vũ Văn Hưng cho biết: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Các quy hoạch được lập, thẩm định, phê duyệt kịp thời, đảm bảo chất lượng đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh; là cơ sở pháp lý quan trọng cho các sở, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng chiến lược xúc tiến thu hút đầu tư. Quy hoạch phát triển đô thị đối với thành phố Nam Định và các thị trấn, trong đó xác định rõ các chỉ tiêu về không gian kiến trúc, là cơ sở để triển khai thu hút và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị, xây dựng các khu đô thị mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị. Quy hoạch nông thôn có vai trò định hướng phát triển khu vực nông thôn, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội theo các tiêu chí xây dựng NTM.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, một trong các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là xây dựng và phát triển Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch càng được tỉnh quan tâm. Trong cả 5 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XX) đều xác định giải pháp quan trọng là “thực hiện và quản lý tốt các quy hoạch” để góp phần thực hiện và hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Để thực hiện được mục tiêu đó, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 nhiều quy hoạch quan trọng đã được UBND tỉnh phê duyệt và công khai như: Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) khu chức năng đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch sinh thái cửa Đáy; điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn các huyện đến năm 2030; Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; bổ sung Quy hoạch Tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định - Đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh vào quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh Nam Định đến năm 2030. Tổ chức thẩm định Quy hoạch vùng liên huyện Hải Hậu - Giao Thủy và vùng liên huyện Nghĩa Hưng - Ý Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070. Lập quy hoạch vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh; Điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050,... Triển khai thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Nam Định giai đoạn 2021-2030. Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030; Hoàn thành phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất đầu năm của các huyện, thành phố. Triển khai xây dựng kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh đảm bảo phù hợp với các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đã phân bổ cho tỉnh Nam Định. Chỉ đạo các ban, ngành tập trung xây dựng Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ trên cơ sở Quy hoạch phát triển Khu kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1453/QĐ-TTg ngày 24-9-2020 với diện tích 13.950ha...
Sản xuất nguyên liệu ngành dệt may tại Công ty TNHH Yulun, Khu công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản). |
Trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt, tỉnh đã nỗ lực huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo các định hướng chiến lược phát triển đã đề ra như: hoàn thành giai đoạn I và khởi công giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường bộ ven biển đoạn qua địa bàn tỉnh Nam Định và các tỉnh lộ 485B, 488B, 488C để sớm hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. Tập trung triển khai các thủ tục đầu tư dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Định thuộc tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng; Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B)... Khởi công xây dựng hạ tầng KCN Mỹ Thuận và các CCN: Thanh Côi (Vụ Bản); Yên Bằng (Ý Yên); hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư mở rộng KCN Bảo Minh; đang đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN Dệt may Rạng Đông và các CCN Giao Thiện, Thịnh Lâm (Giao Thủy); đồng ý về chủ trương, cho phép các nhà đầu tư khảo sát lập quy hoạch dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng các KCN Hồng Tiến, Trung Thành (Ý Yên); các CCN: Tân Thịnh (Nam Trực) và Giao Hải, Giao Lạc, Yến Châu (Giao Thủy); khảo sát tiềm năng điện gió gần bờ và ngoài khơi tại các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu; Khảo sát, nghiên cứu đầu tư Nhà máy điện khí LNG Nam Định tại huyện Hải Hậu.
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã thu hút được 93 dự án trong nước và 21 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 135 nghìn tỷ đồng và trên 72 triệu USD (hoàn thành vượt mục tiêu về tổng số vốn thu hút đầu tư cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết 04-NQ/TU), trong đó một số dự án lớn như: Dự án Nhà máy thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 88 nghìn tỷ đồng và Dự án Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 10 nghìn tỷ đồng...
Thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy công tác thu hút đầu tư lên một tầm cao mới, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050...; quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía Nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040. Rà soát, bổ sung quy hoạch các khu, CCN, các khu vực có lợi thế và có tiềm năng phát triển để thúc đẩy xúc tiến và thu hút đầu tư. Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng KCN Mỹ Thuận, KCN Bảo Minh; mở rộng hạ tầng các CCN Yên Bằng (Ý Yên), CCN Thanh Côi (Vụ Bản), CCN Giao Thiện, CCN Giao Yến (Giao Thủy); các dự án giao thông trọng điểm như Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định...; các cầu lớn có tính chất kết nối như: Đống Cao, Ninh Cường, Bến Mới; kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ góp phần thúc đẩy phát triển vận tải thủy ven biển trên trục Bắc - Nam. Khởi công và triển khai thi công các dự án đầu tư xây dựng đường trục phía nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi, thành phố Nam Định; Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển./.
Bài và ảnh: Thành Trung