Xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với giảm nghèo bền vững ở Nghĩa Hưng

08:08, 22/08/2022

Với mục tiêu "xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng; nông dân giàu có; nông thôn văn minh, hiện đại", Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng khóa XXV (nhiệm kỳ 2020-2025) đã ban hành 4 Nghị quyết chuyên đề trong chương trình công tác trọng tâm toàn khóa, tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu gắn với giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện có 17 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; mức sống của người dân nông thôn được cải thiện đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 0,52%.

Thôn Đào Khê, xã Nghĩa Châu có hơn 200 hộ dân duy trì, phát triển nghề làm nón lá cho thu nhập ổn định.
Thôn Đào Khê, xã Nghĩa Châu có hơn 200 hộ dân duy trì, phát triển nghề làm nón lá cho thu nhập ổn định.

Tháng 8-2021, Nghĩa Thịnh là một trong 5 xã, thị trấn đầu tiên của huyện Nghĩa Hưng được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. So với các địa phương khác trong huyện, trong tỉnh, Nghĩa Thịnh là xã thuần nông nên quá trình triển khai xây dựng NTM nâng cao, xã đứng trước nhiều khó khăn, thách thức với các tiêu chí về việc làm, thu nhập, hạ tầng kỹ thuật... Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thời lựa chọn những phần việc trọng tâm, những khâu "đột phá", phù hợp với điều kiện địa phương, Đảng ủy xã Nghĩa Thịnh đã ban hành 3 nghị quyết, 5 chương trình, kế hoạch; HĐND xã ra các nghị quyết; UBND xã xây dựng 9 chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện. Các chủ trương, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền xã được chi bộ khu dân cư tổ chức họp bàn thảo, tham vấn ý kiến nhân dân; mở hòm thư góp ý đặt tại các nhà văn hóa xóm để người dân nêu ý kiến, bảo đảm dân chủ, công khai "dân biết, dân bàn", sau đó "dân làm" và "dân kiểm tra". Với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân, chương trình xây dựng NTM nâng cao của xã đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp ở 100% thôn, xóm. Đến nay, tổng kinh phí huy động đầu tư xây dựng NTM toàn xã đạt 57,3 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,57%; 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung; xây dựng được 24 tuyến đường hoa tổng chiều dài 7,5km; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 96%; 92% số hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa"; 100% số hộ dân chăn nuôi gia súc, gia cầm xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và ký cam kết bảo vệ môi trường.

Huyện Nghĩa Hưng có 61.508 hộ dân,  trên 196.400 nhân khẩu, sinh sống tại 24 xã, thị trấn. Đồng chí Sái Hồng Thanh, TUV, Bí thư Huyện ủy cho biết: Ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm toàn khóa, đưa ra 7 nhóm nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Huyện ủy tập trung xây dựng các giải pháp đồng bộ để tạo bước đột phá nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân. Trong đó, Huyện ủy Nghĩa Hưng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 15-NQ/HU về xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển huyện giai đoạn 2021-2025 nhằm mục tiêu xây dựng, từng bước hình thành khu kinh tế biển địa phương là trung tâm sản xuất, thương mại dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng; Nghị quyết số 11-NQ/HU ngày 19-4-2021 của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025; Tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh, của huyện về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh; góp phần quan trọng đảm bảo tiến độ xây dựng triển khai dự án. Các dự án lớn đã triển khai giải phóng mặt bằng và dự án đã hoàn thành như: Cầu Thịnh Long, dự án Tuyến đường bộ ven biển, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 1. Từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và thu hút đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân.

Bám sát chủ trương của tỉnh trong các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo, huyện chủ động xây dựng lộ trình và từng bước triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp; huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn. Đến năm 2025, phấn đấu thu hút doanh nghiệp đầu tư lấp đầy Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông giai đoạn 1; xây dựng mới 1 cụm công nghiệp diện tích 50-70ha; từng bước thu hút đầu tư và khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông theo Nghị quyết số 15 của BCH Đảng bộ huyện về xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biển huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2021-2025. Hiện tại, trên địa bàn huyện, nhiều dự án được đầu tư và đang triển khai như: Dự án Tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn huyện, đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển Nam Định với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình giai đoạn 2, kênh nối Đáy - Ninh Cơ, cầu Đống Cao và các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư tại khu vực Cồn Xanh. Đây là những dự án được kỳ vọng khi đi vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều việc làm, thay đổi cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của huyện.

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, kinh tế nông nghiệp, nông thôn huyện Nghĩa Hưng có bước phát triển mới, chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Nghĩa Hưng được đánh giá là đơn vị thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với công tác giảm nghèo bền vững; năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng, vượt chỉ tiêu so với kế hoạch; toàn huyện giảm còn 317 hộ nghèo (tỷ lệ 0,52%), 1.216 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,70%). Các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện tốt, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tín dụng chính sách xã hội, thúc đẩy đưa vốn đến cho người nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân trên địa bàn huyện. Hàng năm, Phòng LĐ-TB và XH huyện phối hợp thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát, bổ sung và xác nhận đúng đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo làm cơ sở thực hiện chính sách tín dụng đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng đã giúp cho hơn 52 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn, trong đó có hơn 20 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm cho trên 5.000 lao động; gần 20 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để tiếp tục đi học; xây dựng được gần 48.600 công trình nước sạch và vệ sinh hộ gia đình; hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 380 căn nhà cho hộ nghèo. Mặt trận Tổ quốc  các cấp trong huyện đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào giảm nghèo bền vững, đóng góp xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18-11), 100% khu dân cư trên địa bàn huyện đã duy trì tổ chức Ngày hội “Đại đoàn kết toàn dân tộc”, tặng quà cho các hộ nghèo và học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhân Tháng hành động “Vì người nghèo”, Ủy ban MTTQ huyện đã huy động sự chung tay của cả hệ thống chính trị và vận động các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ được gần 3 tỷ đồng, cùng với nguồn quỹ của cấp trên hỗ trợ để làm mới, sửa chữa, nâng cấp trên 300 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm biên cương, Nhà tình nghĩa; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ hàng nghìn gia đình có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ giống, vốn để phát triển sản xuất; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí; tặng quà hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó... Tiêu biểu là thị trấn Rạng Đông, các xã: Nghĩa Đồng, Nghĩa Lạc, Nghĩa Hồng, Nghĩa Phong, Nghĩa Tân, Nghĩa Minh, Nghĩa Châu, Nghĩa Hùng, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc, Nam Điền... Phong trào thi đua yêu nước được phát động sâu rộng thông qua các chủ đề: "Không để người nghèo nào bị bỏ lại phía sau", “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Xanh - sạch - đẹp và đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động khắc phục khó khăn do đại dịch COVID-19, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022”... được các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp phát động hưởng ứng sôi nổi. 6 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt 793,8 tỷ đồng, đạt 95% dự toán tỉnh và huyện giao. 

Đồng chí Trần Văn Dương, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết: Xác định giảm nghèo bền vững với đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành, ngày 11-8-2022, UBND huyện Nghĩa Hưng ban hành Kế hoạch số 84 về tổ chức phong trào thi đua “Nghĩa Hưng chung sức xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2023, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; có trên 100 thôn, xóm, tổ dân phố ở các xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến năm 2025 có trên 30% xã, thị trấn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) và các chính sách giảm nghèo; từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống; đảm bảo giảm nghèo bền vững. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM, nhất là các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân và nông thôn; phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên quan điểm xuyên suốt “xây dựng NTM là quá trình liên tục, thường xuyên”, bảo đảm thực chất, bền vững, lấy người dân làm chủ thể tham gia và hưởng thụ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com