Thực hiện "mục tiêu kép" trong giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động

06:08, 14/08/2022

2 năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung cao độ triển khai thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 vừa đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, năm 2021, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (giải quyết việc làm mới cho trên 34 nghìn lượt người lao động (vượt 107,6% kế hoạch năm 2021); xuất khẩu lao động đạt 1.536 người (vượt 109,7% kế hoạch năm 2021), góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống nhân dân.

Giờ học làm bánh theo kỹ thuật Nhật Bản tại Trường cấp 3 Nông nghiệp (thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định).  Bài và ảnh: Việt Thắng
Giờ học làm bánh theo kỹ thuật Nhật Bản tại Trường cấp 3 Nông nghiệp (thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định).

Công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước; nhằm tạo điều kiện cho người lao động có việc làm, tăng thu nhập, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tại Nam Định, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn đến vấn đề giải quyết việc làm trong nước và xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đẩy nhanh phục hồi phát triển kinh tế, công tác giải quyết việc làm cho người lao động địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là khi thị trường các nước châu Âu mở lại từ năm 2021; Hàn Quốc từ tháng 5-2021 (sau hơn một năm ngừng tiếp nhận lao động đi theo chương trình EPS); Nhật Bản từ tháng 3-2022 (sau hơn một năm đóng cửa từ cuối tháng 1-2021) và một số thị trường lao động khác cũng đã có chính sách tiếp nhận lao động với các điều kiện và quy định phù hợp. Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ LĐ-TB và XH, UBND tỉnh, Sở LĐ-TB và XH phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng và chủ động tư vấn XKLĐ cho người lao động, nhất là lao động khu vực nông thôn, lao động thuộc đối tượng chính sách. Sở LĐ-TB và XH đã trình UBND tỉnh chấp thuận 81 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký hoặc điều chỉnh nhu cầu sử dụng lao động là người nước ngoài; cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho 505 người nước ngoài làm việc tại 84 tổ chức, doanh nghiệp; tập hợp, báo cáo UBND tỉnh danh sách 515 lượt lao động, người nước ngoài là nhà đầu tư, quản lý doanh nghiệp... Tiếp nhận hồ sơ, thông báo 6 doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB và XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tổ chức rà soát, thu thập thông tin về lao động của 1.973 doanh nghiệp/hợp tác xã phi nông nghiệp (cầu lao động) và cập nhật biến động lao động tại 40.831 hộ gia đình (cung lao động). Kết quả 6 tháng năm 2022, toàn tỉnh tuyển sinh, đào tạo nghề cho 16.600 người; giải quyết việc làm mới cho khoảng 15.800 lượt người, trong đó XKLĐ khoảng 800 người (đạt 57,14% kế hoạch năm năm 2022); tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 74,7%. 

Đồng chí Lại Hà Nam, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Việc làm tỉnh cho biết: Để khắc phục khó khăn do dịch COVID-19, Trung tâm đã đổi mới hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm như: tư vấn qua facebook, zalo, qua website, tổng đài. Qua đó, năm 2021 đã tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề cho 54.098 lượt người lao động (đạt 676,2% so với chỉ tiêu năm); giới thiệu việc làm cho 3.648 lao động (đạt 158,6% so với chỉ tiêu năm), trong đó giới thiệu việc làm ngoài nước cho 329 người (đạt 109,7% so với chỉ tiêu năm, giới thiệu việc làm trong nước cho 3.380 người (đạt 169% so với chỉ tiêu năm). Tư vấn trực tiếp tại cơ quan, mạng xã hội và qua các phiên sàn cố định tại Trung tâm và các phiên sàn lưu động cho hàng chục nghìn lao động muốn tìm hiểu về chương trình XKLĐ tại Hàn Quốc và chương trình IM Japan. Bên cạnh đó, các phiên sàn được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến qua facebook của Trung tâm nhằm hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp có thể dễ dàng kết nối hơn. Tiêu biểu, tại phiên giao dịch việc làm tháng 10-2021, Trung tâm đã kết nối trực tuyến với chương trình “Ngày hội việc làm trực tuyến online kết nối việc làm 6 tỉnh phía Bắc” do Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Ninh tổ chức đã thu hút 75 doanh nghiệp của 6 tỉnh tham gia với 6.269 vị trí việc làm trống. 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm tổ chức 16 phiên giao dịch việc làm với kết quả 475 lượt doanh nghiệp đăng ký tuyển lao động, 3.875 người tham gia phiên và 1.230 người tham gia phỏng vấn. Kết nối, khai thác thông tin của 322 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với 57.157 việc làm trống. Tư vấn việc làm, học nghề cho 24.082 lượt người (đạt 301% so với chỉ tiêu năm năm 2022). Có 3.973 người đăng ký tìm việc làm và thực hiện giới thiệu việc làm cho 3.182 người; trong đó, giới thiệu việc làm trong nước cho 2.967 người và giới thiệu việc làm ngoài nước cho 215 người (đạt 71% kế hoạch năm 2022). 

Tỉnh ta được đánh giá là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện có hiệu quả các mô hình liên kết giữa các trường đào tạo nghề với doanh nghiệp; gắn đào tạo nghề với yêu cầu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Tiêu biểu như: Mô hình Trường cấp 3 Nông nghiệp triển khai tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định nằm trong chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ Trung cấp lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khác cho học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu cụ thể đặt ra là đào tạo 90-100 học sinh/khóa (từ 2021-2023) và 180-200 học sinh/khóa (từ 2024 trở đi) đảm bảo kiến thức về văn hóa, chuyên môn và ngoại ngữ. Đồng chí Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trong thời gian học, các em được đào tạo các nghề: nuôi trồng thuỷ sản; trồng trọt và bảo vệ thực vật; chăn nuôi - thú y; quản lý đất đai; công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản; công nghệ sinh học. Thời gian học chuyên môn theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp; Về chuyên môn: Được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) để làm việc cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản. Về ngoại ngữ: Được cấp chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT). Học sinh tốt nghiệp đảm bảo kiến thức về văn hóa, có kỹ năng nghề và ngoại ngữ được làm việc từ 3 đến 5 năm tại Nhật Bản; đáp ứng cung cấp lao động kỹ thuật chất lượng cao cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản và doanh nghiệp của Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Ngày 24-12-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Theo đó, phấn đấu: Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%; Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 65%; tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông nghiệp năm 2022 không quá 40%; tốc độ tăng năng suất lao động đạt tối thiểu 6,5%/năm; 75% học sinh tốt nghiệp THPT, sinh viên được hướng nghiệp; XKLĐ trên 1.500 người. Sở LĐ-TB và XH chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh về tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm; đề xuất chính sách khuyến khích, đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường đa dạng hoá các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; thực hiện chức năng kết nối thông tin giữa người lao động và người sử dụng, hướng tới hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm trong tình hình mới. Nâng cao hiệu quả, chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng số lao động có việc làm sau tư vấn. Thực hiện có hiệu quả công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, kỹ năng nghề cho người lao động theo hướng dẫn triển khai của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp. Triển khai thực hiện hệ thống chứng nhận nghề, kỹ năng nghề và tổ chức đánh giá kỹ năng của người lao động phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khuyến khích các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh tích cực, chủ động tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng cho người lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và nước ngoài./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



tìm người chăm người già Tin đăng tuyển lái xe tại Vieclam24h hình thức du học nhật bản​ Hướng dẫn tìm việc làm tại VietnamWorksMẫu CV được NTD ưa thích What is the average salary in Vietnam?

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com