Kinh tế số (KTS) là 1 trong 3 trụ cột phải thực hiện trong chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) với 2 nhóm chỉ số gồm: nền tảng chung và chỉ số hoạt động kinh tế số.
Công ty Cổ phần Dệt Bảo Minh, Khu Công nghiệp Bảo Minh (Vụ Bản) đầu tư máy móc hiện đại trong sản xuất các sản phẩm vải, sợi. Ảnh: Thành Trung |
Để góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động KTS, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, hợp tác xã và cộng đồng; huy động tối đa các nguồn tài chính ngân sách Nhà nước, nguồn đầu tư của doanh nghiệp, khu vực tư nhân, cộng đồng và nguồn kinh phí hợp pháp khác cho phát triển KTS. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước tỉnh tập trung đầu tư các nhóm cơ sở hạ tầng vật lý, các nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung thuộc khối cơ quan Nhà nước và phục vụ cung ứng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng tốc hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng số theo hướng tham gia sâu vào nền kinh tế số toàn cầu. Tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số, trong đó có nhiệm vụ hợp tác phát triển KTS sử dụng hình thức thuê dịch vụ đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá cả cung cấp do các doanh nghiệp trong nước gồm VNPT, Viettel, FPT… đảm bảo để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cả phù hợp. Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan, các huyện, thành phố đẩy mạnh hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh) và các hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử trong nước và quốc tế.
Hiện nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy tính kết nối mạng internet băng thông rộng qua ADSL hoặc cáp quang, sử dụng email để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp; một số doanh nghiệp đã chú trọng về mặt nhân sự, có cán bộ chuyên trách về CNTT, thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cũng thường xuyên truy cập các trang mạng chuyên ngành để tìm hiểu các chủ trương, chính sách mới; tìm kiếm đối tác, khai thác tốt các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp; tìm hiểu thông tin về các thị trường xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu của tỉnh (http://www.xnknamdinh.gov.vn) và Cổng thông tin thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương (http://www.ttnn.com.vn). Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập trang website, facebook, fanpage để giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước; một số website đã sử dụng 2 ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), cung cấp các tiện ích như xác nhận đơn hàng qua email, SMS; lọc/tìm kiếm sản phẩm; hỗ trợ trực tuyến, tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về marketing online, đặt hàng, thanh toán; đã tham gia tiếp cận người tiêu dùng và quảng cáo, bán hàng trên sàn thương mại của tỉnh (http://thuongmainamdinh.vn/vn) và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước (Postmart.vn, Voso.vn…). Đáng kể, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp viễn thông thúc đẩy đưa nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh lên 2 sàn giao dịch thương mại điện tử là PostMart.vn, Voso.vn mang lại hiệu quả cao. Hiện tại đã có hơn 400 sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giới thiệu, kinh doanh hiệu quả trên 2 sàn giao dịch này. Trong đó sản phẩm truyền thống của tỉnh như gạo tẻ, gạo đặc sản tám xoan, nếp hương của các đơn vị uy tín như HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Toàn (Hải Hậu); HTX dịch vụ nông nghiệp Bốn Thuận (Vụ Bản); nước mắm truyền thống Lâm Bão, Ninh Cơ (Hải Hậu), Ninh Cường (Trực Ninh); muối thảo dược, muối biển nhạt Roya của Công ty TNHH Thương mại Muối sạch Nam Định; dây thìa canh, cà gai leo, đông trùng hạ thảo; miến gạo, miến dong, bánh nhãn (Hải Hậu); kẹo sừu châu (thành phố Nam Định)… Thanh toán không dùng tiền mặt được thúc đẩy trong giao dịch thương mại điện tử và trong hoạt động kinh doanh bán lẻ từ các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn lớn, doanh nghiệp đến cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ... Theo Chỉ số thương mại điện tử năm 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố ngày 12-5-2022, Nam Định xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố, trong đó: xếp hạng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; xếp hạng về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố; xếp hạng về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Hoạt động KTS năm 2021 của tỉnh có mức tăng trưởng nhanh, đạt thứ hạng 8/63 tỉnh, thành phố với giá trị là 0,4098 điểm, tăng trưởng 59,6% so với năm 2020 trong bảng xếp hạng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 8-8-2022.
Để tăng tốc thúc đẩy phát triển KTS, tại Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 5-8-2022 UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu cụ thể về phát triển KTS giai đoạn 2022 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh và trách nhiệm của cộng đồng tham gia thực hiện. Theo đó, trọng tâm từ nay đến năm 2025, các ngành, các địa phương, đơn vị liên quan sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ: Phát triển nền móng KTS (thể chế, hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số, an toàn thông tin và an ninh mạng, nhân lực số, kỹ năng số, công dân số và văn hóa số, doanh nghiệp số, thanh toán số); phát triển KTS theo phương án chú trọng các ngành, lĩnh vực trọng điểm như nông nghiệp, y tế, giáo dục và đào tạo, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, lao động, công nghiệp và thương mại, xây dựng, văn hóa, thể thao và du lịch. Trong đó, tại nhóm ngành, lĩnh vực thương mại, công nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; quản lý, giám sát tình hình thị trường hàng hóa, chống gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử trực tuyến; xây dựng thị trường thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh và phát triển bền vững; thúc đẩy thương mại điện tử tại các vùng nông thôn có tiềm năng phát triển hạ tầng logistics thuận lợi, có nhiều nông sản, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ độc đáo; tăng cường liên kết thương mại điện tử giữa các vùng miền; hỗ trợ người dân đưa sản phẩm, dịch vụ của mình lên các sàn thương mại điện tử với mục tiêu mỗi người dân là một doanh nhân. Triển khai Nền tảng thương mại điện tử thông qua chuỗi giá trị, kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử cùng cấu thành nên chuỗi cung ứng; triển khai cơ chế điều phối hoạt động chuyển đổi số cho các cụm công nghiệp; triển khai các chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh theo từng giai đoạn… Trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, chú trọng chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp số; triển khai các nền tảng số phục vụ nhu cầu nâng cao năng lực, chất lượng sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp và tham gia vào phát triển KTS, ưu tiên sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, nhận biết, phòng ngừa lừa đảo trên mạng…
Bằng việc chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm kể trên, các ngành, các địa phương phấn đấu KTS toàn tỉnh đến năm 2025 đạt 6 chỉ tiêu chính gồm: Tỷ trọng KTS đạt 20% GDP; tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%; tỷ lệ nhân lực lao động KTS trong lực lượng lao động đạt trên 2%./.
Thanh Thúy