Thận trọng thị trường đồ chay

08:08, 19/08/2022

Hiện nay, nhiều người tiêu dùng có xu hướng sử dụng thực phẩm chay thay thế cho thực phẩm tươi sống. Đặc biệt, trong thời điểm tháng 7 âm lịch thị trường sản phẩm này cũng sôi động hơn từ các siêu thị, các khu chợ truyền thống đến “chợ mạng” với đa dạng chủng loại và nguồn gốc, xuất xứ.

Người dân mua sắm đồ chay để phục vụ cho dịp tháng 7 âm lịch.
Người dân mua sắm đồ chay để phục vụ cho dịp tháng 7 âm lịch.

Ăn chay ngày nay phổ biến với mọi lứa tuổi với những lý do như: ăn chay vì sức khỏe, vì mục đích tôn giáo, bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật... Thị trường đồ chay cũng ngày càng đa dạng, từ rau củ quả tươi sống, chế biến sẵn, đóng túi, đóng hộp... với hàng trăm món ăn chay như: giò, chả, cá, nem, thịt bò, thịt gà... với giá bán dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng tùy loại. Đặc điểm chung của các món ăn này là được chế biến từ rau, củ, quả, các loại đậu, đỗ... Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu ăn chay nhằm thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật, giảm cân còn có các loại gia vị nấu cơm chay và cỗ chay như: xì dầu, nước mắm chay, các loại sốt chay... Là người ăn chay thường xuyên, chị Phạm Thị Bích ở thành phố Nam Định cho biết: “Gia đình tôi từ lâu đã coi món chay là chủ đạo trong bữa cơm gia đình. Thị trường thực phẩm chay rất phong phú. Tôi thường mua ở các cửa hàng, siêu thị uy tín, các sản phẩm đều có tem mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng… đầy đủ”. Chị Phạm Thị Hằng ở thành phố Nam Định, trong tháng 7 âm lịch cũng làm cơm chay để thắp hương ông bà, tổ tiên. Chị cho biết, các món chay của gia đình bao gồm: đậu phụ, rau củ quả luộc, nem, thịt gà được đóng gói sẵn về chỉ việc rán hoặc hấp lên… Theo chị, các món ăn chay chế biến nhanh, không cầu kỳ. Với tâm niệm việc bày biện lễ cúng chay không chỉ thể hiện sự thanh tịnh mà sẽ giúp cho hương linh người đã khuất sẽ được hạnh phúc, an yên. Anh Trần Văn Sơn, chủ một cửa hàng bán thực phẩm chay đông lạnh trên đường Trần Huy Liệu (thành phố Nam Định) cho biết, tháng 7 âm lịch là thời điểm lượng đồ chay được tiêu thụ mạnh nhất trong năm, lượng bán ra phải gấp 5, gấp 6 lần ngày thường. Các sản phẩm được tiêu thụ nhiều thường là chả lụa chay, thịt gà, nem… Vì những món này chỉ cần hâm nóng là có thể dùng ngay, phù hợp với nhu cầu của nhiều người. Các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng đều có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, để phục vụ nhu cầu của khách hàng, trên địa bàn thành phố cũng có một vài cửa hàng phục vụ đồ ăn chay như: nhà hàng buffet chay Thành Việt Pháp, nhà hàng ẩm thực chay Liên Hoa… Hơn 11 giờ trưa, nhà hàng ẩm thực chay Liên Hoa đã nhộn nhịp người ra vào. Các món chay như: gỏi rau củ, ngó sen hay các loại lẩu nấm… được nhiều khách hàng lựa chọn. Nhân viên nhà hàng cho biết, từ đầu tháng 7 âm lịch, lượng khách đến cửa hàng đông hơn hẳn ngày thường. Bên cạnh bán đồ chay hàng ngày, mỗi tháng vào ngày Rằm và mùng Một, các nhà hàng còn tổ chức bán buffet với hàng chục món chay khác nhau, được đầu bếp nhà hàng tự tay chế biến. Các món ăn được thay đổi liên tục để khách hàng không cảm thấy ngán, đồng thời đảm bảo dinh dưỡng. Ngoài ra, nhà hàng nhận nấu mâm cỗ cúng chay cho khách có nhu cầu. Hầu hết các cửa hàng đều có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm…

Tuy nhiên theo khảo sát tại một số cửa hàng, đồ chay không có nhãn mác được bày bán rất nhiều. Đặc biệt là các loại chả chay, thịt, tôm chay… chỉ được bọc một lớp nilon hút chân không, các loại đồ chay ngoại nhập bán tại chợ, thường không có nhãn mác Tiếng Việt đính kèm, được người bán giới thiệu là nhập từ Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Như vậy, người tiêu dùng khó có thể xác định được hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng… Việc sử dụng các loại thực phẩm chay không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ mang đến những nguy cơ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, thực phẩm chay cũng được rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Cùng với tốc độ phát triển của mạng xã hội và thói quen mua hàng trên mạng của người dân, việc đảm bảo an toàn thực phẩm lại càng khó khăn hơn. Qua tìm hiểu, thực phẩm chay thường có một lượng chất bảo quản nhất định nhằm kéo dài hạn sử dụng. Người sử dụng thường xuyên thực phẩm chay công nghiệp sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Đồ chay được khuyến cáo không nên dùng nhiều và thường xuyên. Vì nguyên liệu làm nên loại đồ chay phần lớn là bột đậu, protein thực vật nên buộc phải thêm các loại phụ gia, để tạo mùi, màu, độ dai, giòn… cho giống với đồ mặn.

Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, cần chú ý tới màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, thực phẩm tẩy trắng hay sản phẩm chế biến sẵn dùng nhiều phẩm màu lòe loẹt. Tốt nhất nên tự tay chế biến món chay từ rau củ tươi là bảo đảm nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bày bán sản phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Các trường hợp phát hiện vi phạm cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết không mua, tiêu thụ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com