Xây dựng hệ thống đô thị góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (kỳ 2)

07:08, 25/08/2022

(Tiếp theo và hết)

Kỳ II: Thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trọng tâm

Với mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh, phát triển mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư; phát triển đô thị là hạt nhân để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, Chương trình hành động số 19-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.

Diện mạo thị trấn Ngô Đồng đang phát triển từng ngày, khẳng định vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện Giao Thuỷ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Diện mạo thị trấn Ngô Đồng đang phát triển từng ngày, khẳng định vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của huyện Giao Thuỷ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX, hướng tới quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh, Chương trình hành động số 19-CTr/TU đã đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 toàn tỉnh phát triển được hệ thống 26 đô thị các loại; trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hoá đạt 50%. Diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 35,7m2/người, nhà ở kiên cố đạt 100%; tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt 100%... Đến năm 2045, nâng tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh cao hơn mức trung bình toàn quốc; bộ máy chính quyền đô thị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.

Để thực hiện được các mục tiêu đó, trong giai đoạn 2021-2030, Chương trình hành động số 19-CTr/TU đã đề ra 6 nhóm giải pháp trọng tâm để xây dựng, phát triển toàn diện, bền vững hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị theo hướng đảm bảo quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hoá và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển. Để từng bước đầu tư xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn phát triển, đảm bảo nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững và giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa của mỗi đô thị, Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nam Định đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3023/QĐ-UBND ngày 31-12-2019. Trong đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đang được Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tập trung thực hiện là “nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững” với yêu cầu đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị, đảm bảo kết hợp hài hoà giữa quá trình đô thị hoá, phát triển đô thị với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế... 

Nhằm phát triển bền vững hệ thống đô thị đến năm 2030, trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh sẽ tập trung triển khai đầu tư nâng cấp thị trấn Quất Lâm, mở rộng đô thị Rạng Đông đạt tiêu chí đô thị loại IV; thành lập mới 5 đô thị loại V gồm đô thị mới phía tây tỉnh (thuộc địa phận 4 xã Yên Bằng, Yên Quang, Yên Hồng, Yên Tiến, huyện Ý Yên); các đô thị Đại Đồng, xã Hồng Thuận (Giao Thuỷ), Trung Thành (Vụ Bản), Xuân Ninh (Xuân Trường), Đồng Sơn (Nam Trực). Giữ nguyên cấp đối với 14 đô thị còn lại, trong đó mở rộng địa giới hành chính thành phố Nam Định ra toàn bộ huyện Mỹ Lộc, 5 xã liền kề của huyện Nam Trực và 3 xã liền kề  của  huyện Vụ Bản; thị trấn Thịnh Long mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; 12 thị trấn hiện có của 9 huyện là đô thị loại V. Tổng thể, đến năm 2025, hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đáp ứng các chỉ tiêu: tỷ lệ đất giao thông đô thị loại I đạt trên 25%; loại III, IV, V đạt 11-20% đất xây dựng đô thị trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng ở đô thị loại I đạt 30%, loại III đạt 15%; loại IV, V đạt khoảng 5-10% trở lên. 100% dân cư đô thị (từ loại I đến loại V) được cấp nước sạch; 100% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, chất thải rắn y tế nguy hại và chất thải của các KCN được thu gom, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đất cây xanh đô thị đối với đô thị loại I đạt 12m2/người trở lên, đô thị loại III đạt trên 10m2/người, đô thị loại IV, loại V đạt trên 7m2/người. Trên nền tảng đó, giai đoạn 2025-2030, phát triển đô thị Rạng Đông thành đô thị loại III; 4 đô thị, gồm đô thị thuộc địa phận 4 xã của huyện Ý Yên, thị trấn Cổ Lễ (mở rộng), thị trấn Lâm (mở rộng), thị trấn Xuân Trường (mở rộng) được nâng lên loại IV. Thành lập mới 6 đô thị loại V gồm Hải Phú, Hải Đông (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Trường), Bo (thuộc địa phận xã Yên Chính, huyện Ý Yên), Trực Nội (Trực Ninh), Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng). Song song với lộ trình quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển hệ thống đô thị, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; phát triển kinh tế khu vực đô thị, đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.

Để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình hành động số 19-CTr/TU về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị, những tháng cuối năm 2022, tỉnh tập trung đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo thời gian theo quy định; tiếp tục triển khai công tác lập Quy hoạch vùng liên huyện Nam Trực - Trực Ninh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070; điều chỉnh Quy hoạch phân khu hai bên Đại lộ Thiên Trường; các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nam Định đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050,... Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện thủ tục đầu tư các dự án trọng điểm: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; các tỉnh lộ 485B, 488B, 488C; Khu Trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Cải tạo, nâng cấp một số đoạn đê xung yếu trên tuyến đê sông tỉnh Nam Định;... 

Các dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu (điểm) dân cư tập trung, khu tái định cư của các huyện, thành phố. Tiếp tục triển khai thi công Giai đoạn II dự án Xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Tập trung hoàn thành thủ tục đầu tư để sớm khởi công các dự án: Xây dựng cầu qua sông Đào; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B); Xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Tiếp tục triển khai thủ tục đầu tư các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ; Chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án Xây dựng cầu vượt sông Đáy trên tuyến cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức đầu tư công; phối hợp với UBND tỉnh Thái Bình trong công tác triển khai thủ tục dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng theo hình thức PPP do UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ; xây dựng cầu Bến Mới; thủ tục đầu tư xây dựng cầu Ninh Cường. 

Nam Định nằm ở trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, là đầu mối trung chuyển, cửa ngõ giao thông của vùng. Để có thể khai thác, phát huy lợi thế vị trí địa lý này cho sự phát triển của tỉnh cũng như toàn vùng đòi hỏi đầu tư lớn cho hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong khi đó nguồn thu từ ngân sách của tỉnh còn thấp. Do vậy, hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội thời gian qua chưa hoàn thiện, chưa tạo được sự kết nối đồng bộ với các tỉnh trong khu vực nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, để thực hiện và hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và phát triển Nam Định trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khoá XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra rất cần quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị; lấy các đô thị làm động lực, là các trụ cột để thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Để thực hiện và hoàn thành được mục tiêu đó, xây dựng quê hương Nam Định ngày càng giàu đẹp, văn minh, tỉnh ta có thêm nhiều miền quê đáng đến và đáng sống, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đang nỗ lực tập trung tối đa các nguồn lực, trí tuệ để xây dựng và phát triển bền vững hệ thống đô thị theo kế hoạch đã đề ra./. 

Bài và ảnh: Thành Trung

Xây dựng hệ thống đô thị góp phần phát triển toàn diện kinh tế - xã hội (kỳ 1)

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com