Nam Định có hệ thống sông, kênh phong phú nên số lượng bến thủy cũng nhiều. Hiện toàn tỉnh có 129 bến thủy nội địa trên các tuyến sông Trung ương đã được cấp giấy phép hoạt động (60 bến giấy phép còn thời hạn, 69 bến hết thời hạn). Có 104 bến khách ngang sông, trong đó 52 bến giấy phép hoạt động còn hạn, 28 bến hết hạn, 14 bến dừng hoạt động. Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã cấp mới giấy phép cho 1 bến thủy nội địa phục vụ thi công dự án Kênh nối Đáy - Ninh Cơ; gia hạn giấy phép 2 bến thủy nội địa và 15 bến khách ngang sông theo quy định của Nghị định số 08/NĐ-CP của Chính phủ. Để góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa, thời gian qua công tác quản lý, vận hành và khai thác bến phà, cầu phao được uỷ thác và phân cấp quản lý đã được Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện, đơn vị quản lý, vận hành đảm bảo.
Phương tiện chở khách ngang sông tại bến phà Đống Cao (Nghĩa Hưng) luôn được vận hành đảm bảo các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. |
Theo đó, đối với các tuyến quốc lộ, Sở GTVT được Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) giao quản lý, bảo trì 4 tuyến quốc lộ gồm 21, 21B, 37B và 38B, bao gồm các bến phà, cầu phao trên tuyến. Trong đó có công tác quản lý, vận hành và khai thác bến phà Đống Cao và cầu phao Ninh Cường (trên Quốc lộ 37B), phà Đại Nội (Quốc lộ 21B). Về hạ tầng bến bãi các bến phà, cầu phao này đã cơ bản được đầu tư đồng bộ, tuy nhiên đầu bến Đống Cao thuộc địa bàn xã Yên Nhân (Ý Yên) đường dẫn xuống bến còn nhỏ hẹp, độ dốc lớn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Bến phà Đại Nội hiện có 10 phương tiện (có 3 phương tiện được điều chuyển từ bến phà Thịnh Long cũ về) trong đó có 1 tàu kéo, 4 ca-nô tự hành và 5 phà vượt sông (3 phà 2 lưỡi, 2 phà 1 lưỡi). Toàn bộ các phương tiện tại bến phà Đại Nội trong trạng thái đang hoạt động bình thường và hoạt động tốt. Bến phà Đống Cao có tổng số 3 phương tiện tự hành gồm 1 phà 1 lưỡi, 1 phà 2 lưỡi và 1 tàu đẩy đang trong trạng thái hoạt động bình thường. Cầu phao Ninh Cường hiện có tổng số 17 phương tiện gồm 10 phao, 1 phà đóng mở và 3 pông-tông lai dắt; 1 tàu kéo và 1 ca-nô và 1 xuồng cao tốc tự hành. Về công tác đăng ký lại chủ phương tiện, bến phà Đại Nội hiện có 7 phương tiện chưa hoàn thành thủ tục sang tên do vướng thủ tục phí trước bạ theo quy định tại Thông tư 75/2014/TT-BGTVT ngày 19-12-2014 của Bộ GTVT. Hiện tại Sở GTVT đang chỉ đạo các đơn vị phối hợp Cục Thuế Nam Định tìm hướng xử lý. Cầu phao Ninh Cường có 9 phao (phao số 1 đến phao số 8 và 1 phao dự phòng), 3 pông-tông chưa được đăng ký do các phương tiện này đã được đưa vào sử dụng từ lâu nhưng không còn lưu giữ giấy tờ chứng minh mua bán, đóng phương tiện, biên lai nộp phí trước bạ theo quy định Thông tư 75/2014/TT-BGTVT nên chưa làm được đăng ký; đối với tàu kéo và ca-nô cũng chưa chuyển đổi sang tên chủ sở hữu Sở GTVT do nguyên nhân nêu trên. Ngoài các bến phà, cầu phao trên các tuyến quốc lộ, trên các tuyến đường tỉnh do Sở GTVT quản lý có 3 bến phà gồm: bến phà Sa Cao (tỉnh lộ 489), bến phà Ninh Mỹ (tỉnh lộ 488C), bến Kinh Lũng (tỉnh lộ 485B). Các bến phà Kinh Lũng, Ninh Mỹ hiện nay do tư nhân quản lý, vận hành, khai thác. Bến phà Sa Cao - Thái Hạc do Sở GTVT trực tiếp quản lý đặt hàng Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng cầu đường Nam Định vận hành, khai thác gồm có 9 phương tiện. Trong đó có 7 phương tiện được đăng ký theo tên của Công ty quản lý cầu đường bộ, chưa chuyển đổi sang tên chủ sở hữu Sở GTVT do khi cổ phần hóa năm 2000, UBND tỉnh đang giao tài sản cho công ty quản lý.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành, khai thác bến phà, cầu phao trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đảm bảo tuyệt đối an toàn, thời gian qua, Sở GTVT yêu cầu kiên quyết đình chỉ hoạt động bến khi không đủ điều kiện an toàn như: Giấy phép hoạt động, đăng ký phương tiện, chứng chỉ người lái trang bị đầy đủ áo phao và phao cứu sinh, bảo hiểm đối với phương tiện... Đồng thời phối hợp với UBND các huyện, thành phố Nam Định chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chức năng của Sở có kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở chủ phương tiện đảm bảo an toàn giao thông trong mùa mưa bão đối với các bến vượt sông quan trọng. Yêu cầu các đơn vị quản lý phà Sa Cao - Thái Hạc, phà Đống Cao, phà Đại Nội, cầu phao Ninh Cường hàng năm phải có kế hoạch nạo vét âu dấu tàu và các đầu bến; kiểm tra các biển báo hiệu đường bộ, đường thủy nội địa, hố thế, neo cáp, sửa chữa phao, phà, đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuỷ theo quy định, bổ sung phao cứu sinh, cáp dự phòng... Đồng thời Sở GTVT cũng chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông chủ động, thường xuyên kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn kỹ thuật các bến khách ngang sông; phối hợp với Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh), Đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa Nam Định, Đội Thanh tra Đường thuỷ nội địa số 4 kiểm tra, hướng dẫn các chủ bến thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành, khai thác bến phà, cầu phao đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện lưu thông. Nhờ đó, nhiều năm qua, Nam Định được Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia ghi nhận, biểu dương là một trong số ít tỉnh, thành phố trong cả nước không để xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở GTVT yêu cầu các đơn vị quản lý đường bộ nghiêm túc thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung hợp đồng đã ký về việc cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước tại các bến phà, cầu phao. Tổ chức quản lý, vận hành, khai thác bến phà, cầu phao theo đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy nội địa, các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành và các văn bản chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT ban hành. Thực hiện đúng các quy định niêm yết công khai nội quy bến, giá vé... Thu giá dịch vụ sử dụng phà đúng quy định của Nhà nước và hướng dẫn của các Bộ GTVT, Tài chính và UBND tỉnh. Sở GTVT giao Ban Quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tăng cường công tác tuần kiểm để kiểm tra, đôn đốc các đơn vị quản lý bến phà, cầu phao tổ chức vận hành, khai thác theo đúng chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh và các quy định hiện hành. Rà soát, bổ sung ngay các thủ tục pháp lý, hạng mục đảm bảo an toàn giao thông nếu còn thiếu theo Quy chế quản lý và tổ chức vận hành khai thác của bến phà. Yêu cầu các phòng chức năng của Sở theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức vận hành, khai thác tại các bến phà, cầu phao theo đúng hợp đồng đã ký kết và đảm bảo tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Thường xuyên kiểm tra việc phát hành, quản lý sử dụng vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm./.
Bài và ảnh: Thành Trung