Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, thị trường hàng hóa khá đa dạng và phong phú. Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng để gia tăng hoạt động buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái phép khác. Nhằm ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất tình trạng này, giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nam Định đang tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra kho hàng hóa chất tẩy rửa không đảm bảo điều kiện lưu thông tại xã Nam Vân (thành phố Nam Định). |
Thời gian qua, Cục QLTT Nam Định đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn, đặc biệt là lực lượng Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát góp phần ổn định tình hình thị trường, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và các hành vi kinh doanh trái phép, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục QLTT Nam Định đã kiểm tra gần 500 vụ, xử lý 262 vụ, tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 1,42 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là hơn 532 triệu đồng. Các nhóm hàng hóa vi phạm nổi cộm là xăng dầu, thuốc lá, khí hóa lỏng, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phân bón; nhóm hành vi vi phạm phổ biến là thương mại điện tử, hàng lậu, hàng giả, lĩnh vực giá… Đặc biệt, sau một thời gian dài kiên trì theo dõi, bằng các biện pháp nghiệp vụ, sáng ngày 25-5-2022, Đội QLTT số 1 thuộc Cục QLTT Nam Định đã phối hợp với Công an thành phố Nam Định tiến hành kiểm tra 1 kho hàng hóa kinh doanh thực phẩm đông lạnh trên đường Lương Thế Vinh, phường Cửa Bắc (thành phố Nam Định). Kết quả đã phát hiện gần 200kg thực phẩm đông lạnh gồm gà ri nguyên con (không đầu), đùi gà tây, cá nục, đùi ếch, bánh bột, nem rán không có nhãn hàng hoá theo quy định (thông tin thể hiện trên bao bì, nhãn hàng hoá không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, không có thông tin về công bố thực phẩm, không có đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá); hàng hoá không đảm bảo an toàn thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hoá. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản tạm giữ toàn bộ số thực phẩm đông lạnh để xử lý theo quy định của pháp luật. Ngày 15-6-2022, phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra 1 kho chứa hàng hóa tại tổ dân phố Mỹ Trọng 3, phường Mỹ Xá (thành phố Nam Định) có tàng trữ hàng hóa là phụ kiện thiết bị nhà vệ sinh, nhà bếp các loại có dấu hiệu vi phạm hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng hóa đã không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trong kho; trong đó gần 50 đơn vị sản phẩm trên nhãn hàng hóa có thể hiện do nước ngoài sản xuất và hơn 600 đơn vị sản phẩm trên nhãn hàng hóa không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa; trị giá hàng hóa ước tính khoảng 90 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để củng cố hồ sơ làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn phát hiện và xử lý 1 doanh nghiệp tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân (thành phố Nam Định) sản xuất các chất tẩy rửa có nhãn mác không đầy đủ; hàng trăm sản phẩm quần áo thời trang có dấu hiệu nhập lậu tại một cửa hàng kinh doanh ở xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng); 1 cơ sở kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc tại Phố Sở, xã Liên Minh (Vụ Bản)… Theo đánh giá của đồng chí Lê Ngọc An, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT Nam Định, tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm về cơ bản đã được hạn chế thấp nhất. Trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm hoạt động thường xuyên song vẫn chứa đựng nguy cơ, diễn biến phức tạp. Thủ đoạn sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu của các đối tượng thường gặp là: xé lẻ hàng hóa, khoán vận chuyển hàng hóa theo cung đoạn, để lẫn trong hàng hóa khác, không xuất trình được hóa đơn hợp pháp của hàng hóa, để hàng hóa nhập lậu ở một nơi, nơi bán chỉ để một lượng hàng hóa nhỏ, khi khách mua thì mới đưa ra. Trong khi đó, tình hình kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng có diễn biến phức tạp. Đối tượng kinh doanh chủ yếu trà trộn vào hàng thật cùng loại hoặc hợp lý hóa bằng hóa đơn chứng từ hợp pháp. Cũng có trường hợp hàng giả bày bán công khai do cả người mua và người bán đều không rõ thông tin về hàng thật.
Theo dự báo của Cục QLTT Nam Định, đại dịch COVID-19 tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn diễn biến nguy hiểm khó lường, một số loại dịch bệnh khác có dấu hiệu phát triển. Hiện nay, một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới được hình thành hoặc được chuyển đổi, khôi phục hoạt động do gián đoạn vì đại dịch, mạng lưới thương mại ngày càng được đầu tư và phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Đặc biệt, việc mua bán online (trực tuyến) đang ngày càng phổ biến nên một thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, do nước ngoài sản xuất. Đây là hình thức bán hàng không cần phải có cửa hàng, cửa hiệu, các đối tượng vi phạm dùng nhà ở để làm nơi kinh doanh, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý. Để góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa phát triển, đảm bảo cung cầu hàng hóa trên thị trường, những tháng cuối năm, Cục QLTT Nam Định tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, không để xảy ra tình trạng kinh doanh công khai hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Chú trọng chỉ đạo công tác đấu tranh chống buôn lậu trên khâu lưu thông, kết hợp với công tác quản lý địa bàn có hiệu quả, nhất là các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 (dung dịch sát khuẩn, khẩu trang, trang thiết bị y tế), thực phẩm thiết yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, hàng điện tử, xăng dầu, vàng bạc, quần áo thời trang, hóa chất… Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát việc chấp hành các quy định về pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương trong công tác QLTT nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác QLTT những tháng cuối năm, cùng với lực lượng QLTT cần có sự vào cuộc hơn nữa của các ngành có liên quan, chính quyền các địa phương và đặc biệt là các hộ kinh doanh nghiêm túc thực hiện cam kết về giá, chất lượng, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh