7 tháng đầu năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh đạt 2.513 tỷ đồng, bằng 51,7% so với kế hoạch năm. Trong đó, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 82 tỷ đồng, bằng 41,8% kế hoạch năm; vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 102 tỷ đồng, bằng 63,5% kế hoạch năm; cao hơn mức bình quân của cả nước (34,47%). Trong nhiều năm qua, tỷ lệ giải ngân VĐTC 7 tháng đầu năm thường chỉ đạt 35-40%; vì vậy với kết quả đạt được, Nam Định là một trong số ít các địa phương được Thủ tướng biểu dương về kết quả giải ngân VĐTC 7 tháng đầu năm.
Đường Trần Khắc Chung kết nối vào khu tái định cư phường Lộc Vượng xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư công mới hoàn thành, góp phần cải thiện diện mạo đô thị Nam Định. |
Để đạt được kết quả kể trên, ngay từ đầu năm tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo sát sao việc giải ngân VĐTC. Trong đó, tỉnh xác định, tỷ lệ giải ngân VĐTC năm 2022 tương đối cao so những năm gần đây. Đặc biệt, năm nay, ngoài vốn đầu tư trung hạn, còn vốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, tỉnh yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng, các đơn vị liên quan phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động phải quyết liệt; chủ động xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể, thường xuyên giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện. Việc giải ngân nguồn VĐTC được phân bổ từ Trung ương được đặc biệt quan tâm thực hiện. Ngày 6-7-2022 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 70/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, định mức và phương án phân bố vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương cũng khẩn trương hoàn thiện các quy trình, thủ tục trình UBND tỉnh phương án phân bổ, giao dự toán kinh phí năm 2022 đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
Bên cạnh đó, việc giải ngân nguồn vốn Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có đặc thù rất khẩn trương về tiến độ. Vì vậy, ngay khi được thông báo nguồn vốn Trung ương dự kiến bố trí cho tỉnh giai đoạn 2022-2023 để hỗ trợ đầu tư các dự án (Đầu tư nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; đầu tư Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định thành trường chất lượng cao, trọng điểm; đầu tư khoảng 31km đoạn tuyến đi qua tỉnh Nam Định thuộc dự án đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng), tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo triển khai đảm bảo tiến độ các phần việc liên quan: báo cáo chi tiết danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư dự án đúng quy trình, quy định của Luật Đầu tư công.
Đối với các dự án đã được bố trí vốn, các cấp chính quyền, ngành chức năng tập trung bảo đảm các điều kiện đã triển khai dự án như giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng, đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, tỉnh nhất quán quan điểm chỉ đạo không đầu tư dàn trải mà tập trung cho các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính chất tạo động lực cho phát triển của tỉnh gồm: Xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, khu trung tâm lễ hội thuộc khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Giai đoạn II dự án xây dựng tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; tỉnh lộ 485, dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung của các huyện, thành phố.
Trong bối cảnh năm 2022 giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, nhất là giá thép tăng đột biến, vật liệu cát, đá khan hiếm, các ngành, các địa phương đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, thực hiện nhiều biện pháp tích cực (kiểm soát, bình ổn thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các quy trình điều chỉnh tại các dự án áp dụng phương thức hợp đồng có điều chỉnh) giúp nhà thầu thi công giảm được các tác động tiêu cực từ thị trường vật liệu, đảm bảo tiến độ thi công các dự án.
Tuy nhiên, trong công tác giải ngân VĐTC còn nhiều việc phải làm và nhiều khó khăn. Cụ thể, so với cùng kỳ năm 2021, kết quả giải ngân VĐTC toàn tỉnh giảm 10,5%; trong đó, kết quả giải ngân cấp huyện giảm 6,5%, kết quả giải ngân cấp xã giảm 43,1%. Việc thực hiện các dự án cũng phải mất nhiều thời gian do còn không ít vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, phải triển khai các thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế - dự toán công trình mới đủ điều kiện để tổ chức đấu thầu thi công. Ngoài ra, nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình giải phóng mặt bằng, và tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các công trình...
Vì vậy, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy các biện pháp tích cực; nỗ lực khắc phục khó khăn để đạt kết quả cao trong công tác giải ngân VĐTC năm 2022. Trong đó, tiếp tục đề cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân, hiệu quả đầu tư; chủ động, thực sự vào cuộc, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả; chú trọng tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu xây dựng, đặc biệt là vật liệu san lấp; kiểm tra việc xây dựng, công bố giá, chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định; kiểm soát tình trạng biến động giá nguyên, vật liệu xây dựng và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, nâng giá trục lợi.
Các ngành, các địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư công. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, tiến hành từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục phê duyệt dự toán chi tiết, phê duyệt dự án đầu tư, khẩn trương cân đối, bố trí vốn để tổ chức thực hiện từng nội dung, hoạt động thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia; tập trung sớm hoàn thiện thủ tục các dự án xây dựng cầu qua sông Đào, đường trục phía nam thành phố Nam Định, xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong triển khai dự án đầu tư công; xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, các điều khoản hợp đồng đã ký kết. Kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn… Toàn tỉnh phấn đấu giải ngân toàn bộ VĐTC năm nay xong trước ngày 31-12-2022./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy