Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HNDTW ngày 5-8-2019 của Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam về "Đẩy mạnh xây dựng chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp", thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội, tổ HND nghề nghiệp, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Hội viên nông dân xã Giao Hải (Giao Thủy) phát triển nghề nuôi thủy sản. |
Bám sát Nghị quyết, HND tỉnh đã cụ thể hóa thành chỉ tiêu giao, hướng dẫn HND các huyện, thành phố và cơ sở tổ chức khảo sát, lựa chọn, xây dựng các chi hội, tổ HND nghề nghiệp bảo đảm tiêu chí và nguyên tắc “5 cùng”: cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng lợi. Theo đó mô hình chi hội, tổ HND nghề nghiệp đã xuất hiện trên nhiều lĩnh vực sản xuất như: nuôi trồng thủy sản, trồng hoa cây cảnh, khai thác thủy sản, chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh chế biến đồ gỗ mỹ nghệ… Sau khi được thành lập, các cấp HND trong tỉnh đã tạo điều kiện để các chi hội, tổ HND nghề nghiệp hoạt động hiệu quả như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; mời các kỹ sư, chuyên gia ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ đến tuyên truyền, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tổ chức tham quan, học tập các mô hình sản xuất có hiệu quả; kết nối với các doanh nghiệp, HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Đến nay, HND các cấp trong tỉnh đã trực tiếp hướng dẫn thành lập được 74 mô hình chi hội, tổ HND nghề nghiệp với 911 thành viên, hoạt động có hiệu quả. HND tỉnh trực tiếp triển khai xây dựng các mô hình “Chi HND nghề nghiệp, HTX chăn nuôi Phú Nghĩa” tại xã Yên Nghĩa (Ý Yên); “Chi HND nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm, hỗ trợ và củng cố HTX” tại xã Hải Thanh (Hải Hậu). Trong đó, chi HND nghề nghiệp, HTX chăn nuôi Phú Nghĩa với 15 thành viên, quy mô 5.680m2 chuồng trại và 45 nghìn con gà đẻ. Qua gần 2 năm hoạt động, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức do biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao trong khi đó giá sản phẩm đầu ra thấp, nhưng các thành viên chi hội đã nỗ lực vượt khó, duy trì và phát triển đàn gia cầm có hiệu quả, ổn định, tạo thu nhập ổn định. Số lượng gà nuôi của từng hộ thành viên ngày càng tăng, quay vòng các lứa nhanh, tỷ lệ gà đẻ luôn đạt trên 80%; thu nhập bình quân mỗi hộ sau khi trừ chi phí khoảng 16 triệu đồng/tháng. Tham gia mô hình chi HND nghề nghiệp, các thành viên còn có nhiều cơ hội được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, được chia sẻ kinh nghiệm, đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong sản xuất. Nhờ áp dụng chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học nên sản phẩm trứng gà của chi hội Phú Nghĩa đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Tại huyện Nghĩa Hưng, năm 2021, HND huyện chỉ đạo HND xã Phúc Thắng xây dựng mô hình 2 trong 1 (Tổ hợp tác - Chi HND nghề nghiệp nuôi cá mú) với 23 thành viên phù hợp với thế mạnh về nuôi trồng thủy hải sản của địa phương, tổng diện tích nuôi trồng trên 40ha. Để hỗ trợ các hộ nuôi, 16/23 hộ đã được Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho vay vốn 800 triệu đồng. Ngoài tổ hợp tác, chi HND nghề nghiệp “nuôi cá mú” của xã Phúc Thắng, trong năm 2021, HND huyện còn thành lập được chi HND nghề nghiệp trồng hoa cây cảnh xã Nghĩa Lạc với 21 thành viên và 5 tổ HND nghề nghiệp tại các xã Nghĩa Châu, Nghĩa Hồng, Nghĩa Bình, Nghĩa Trung, thị trấn Liễu Đề với các ngành nghề chủ yếu là nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng hoa cây cảnh, nuôi trâu sinh sản, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.
Tại huyện Hải Hậu, tổ HND nghề nghiệp nuôi trồng thủy sản xã Hải Đông thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song các thành viên đã thực hiện tốt nguyên tắc “5 cùng” để sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Năm 2021, các thành viên đã xuống giống trên 26,5 vạn con cá truyền thống (trong đó có 10 vạn con cá diêu hồng); trên 90 vạn con tôm các loại; duy trì thường xuyên từ 2.200-3.200 con lợn; trên 146 nghìn con gia súc, gia cầm với tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 116,8 tỷ đồng. Tiêu biểu như mô hình của hộ các ông Nguyễn Văn Luật, Đinh Văn Thuận, Nguyễn Cao Đình... cho thu nhập từ 1-4 tỷ đồng/năm trở lên, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ HND nghề nghiệp còn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các hoạt động từ thiện nhân đạo, phòng, chống dịch COVID-19 với tổng số tiền 215 triệu đồng; giúp đỡ 10 hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng hỗ trợ con giống, vật nuôi… Năm 2022, tổ hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đẩy mạnh diện tích chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phấn đấu thả 13 vạn cá diêu hồng, 130-150 vạn con cá, tôm truyền thống, phát triển đàn lợn từ 4.000-4.500 con; đàn gia súc, gia cầm trên 120 nghìn con. Để hỗ trợ tổ hội hoạt động, HND xã Hải Đông đã phối hợp với Công ty Men gốc công nghệ sinh học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản về nuôi tôm, cá nước ngọt, nước lợ và bảo vệ môi trường, sức khỏe con nuôi, giúp các hội viên nông dân có thêm nhiều kiến thức hữu ích, đảm bảo nâng cao hiệu quả trong sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Từ việc nhân rộng mô hình chi hội, tổ HND nghề nghiệp, các cấp HND trong tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ hội viên nông dân cùng ngành nghề liên kết đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản thúc đẩy việc hình thành, phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp./.
Bài và ảnh: Lam Hồng