Thương mại điện tử (TMĐT) trên địa bàn tỉnh phát triển đã mang lại những lợi ích thiết thực cho đời sống; các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến… Để có được tốc độ tăng trưởng tích cực trong lĩnh vực thương mại điện tử của tỉnh, bên cạnh việc các sàn giao dịch TMĐT chủ động đa dạng hóa sản phẩm cũng như thêm nhiều kênh tiếp cận cho người tiêu dùng còn phải kể đến sự vào cuộc của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Nhân viên Agribank Chi nhánh huyện Xuân Trường hướng dẫn khách hàng thao tác chuyển tiền trên tài khoản E-Mobile Banking. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 215 máy ATM và 435 thiết bị POS. Mạng lưới ATM và POS được lắp đặt theo hướng mở rộng đối tượng phục vụ và được phân bổ khá hợp lý. Số lượng thẻ được các ngân hàng, tổ chức tín dụng phát hành tăng nhanh với tổng số 1.238.569 thẻ, tăng 139.788 thẻ so với thời điểm ngày 31-12-2021. Tổng doanh số giao dịch qua ATM trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 18.426 tỷ đồng. Số lượng thiết bị POS được lắp đặt tại 347 đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ; tổng số 67.647 giao dịch qua POS 6 tháng đầu năm với tổng giá trị giao dịch 141 tỷ đồng. Các sản phẩm dịch vụ tài chính cơ bản hướng đến những đối tượng là người dân ít có điều kiện tiếp cận với những dịch vụ ngân hàng hiện đại cũng được tích cực cải thiện. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực đẩy mạnh cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính phục vụ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh...
Theo kết quả công bố của doanh nghiệp công nghệ thanh toán điện tử về thói quen thanh toán của người tiêu dùng trong nước nói chung sau đại dịch cho thấy bước đầu người tiêu dùng đã nhanh chóng đón nhận hàng loạt các phương thức thanh toán số và thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán, mua sắm trực tuyến với các lựa chọn thay thế trả tiền mặt sau thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Có tới 2/3 người dùng đã thử trải nghiệm mua sắm trực tuyến trong suốt thời kỳ đại dịch và 1/2 người dùng lần đầu trải nghiệm mua hàng qua nền tảng mạng xã hội; 9/10 người tiêu dùng hiện đang sử dụng dịch vụ giao hàng tận nhà và hầu như tất cả đều sử dụng dịch vụ này thường xuyên hơn so với giai đoạn trước khi xảy ra dịch COVID-19. Tính thuận tiện luôn là tiêu chí hàng đầu trong sự ưa thích của người tiêu dùng đối với các phương thức thanh toán số, sau đó là bảo mật giao dịch. Đáng chú ý, nhờ việc triển khai quy định về mở tài khoản thanh toán bằng phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC) nên trong thời gian cao điểm dịch COVID-19 vừa qua, nhiều khách hàng mới chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng đã mở được tài khoản từ xa dù phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, không thể giao dịch trực tiếp. Hiện tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 66% với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,44% trong giai đoạn 2015-2021. Nhiều doanh nghiệp lớn đã xây dựng website bán hàng chuyên nghiệp để quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Đến thời điểm hiện tại, hệ thống siêu thị Go!, Co.opMart, VinMart, VinMart+, MinMart, MediaMart, Điện máy xanh, Thế giới di động, Thế giới sữa, hệ thống các nhà thuốc… là những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực TMĐT đã thành công với việc cập nhật, lưu thông tin, địa chỉ nhận hàng của khách hàng và hỗ trợ thanh toán trực tuyến thông qua tài khoản ngân hàng đã liên kết... đã tạo sự tiện lợi, tin tưởng và gắn bó của khách hàng với doanh nghiệp. Các nhà mạng viễn thông như Vinaphone, Viettel, Mobifone cũng tích cực quảng bá và triển khai phổ biến ứng dụng Mobile Money tại các trung tâm thương mại, chợ dân sinh cũng góp phần giúp người dân từng bước tiếp cận, trải nghiệm và chuyển đổi từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể khẳng định việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trực tuyến và thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng đã dần trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Anh Vũ Minh Đức, chủ ki-ốt cửa hàng kinh doanh tại chợ Rồng (thành phố Nam Định) chia sẻ: Giao dịch ngân hàng trực tuyến nhanh hơn, không bị giới hạn bởi không gian địa lý và thời gian giao dịch, lại an toàn, chính xác, ít nhầm lẫn, rủi ro (trả tiền thừa thiếu, tiền giả). Các Ngân hàng đều cung cấp các công cụ giúp người tiêu dùng có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết trước khi thao tác giao dịch. Phương thức thanh toán và giao hàng cũng được các doanh nghiệp thực hiện linh hoạt nên rất thuận tiện, đáp ứng yêu cầu của người mua.
Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc ứng dụng công nghệ thông tin và ứng dụng TMĐT vào kinh doanh còn chưa cao; nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website nhưng vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang kinh doanh, giá mua, giá bán. Phần lớn các doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua email; các hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội có chức năng giao dịch TMĐT, ứng dụng di động còn thấp… Trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 727/QĐ-UBND, ngày 15-4-2022 của UBND tỉnh), tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển cụ thể: Giai đoạn 2021-20230 phấn đấu có 35-40% doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn TMĐT của tỉnh và các sàn cung cấp dịch vụ TMĐT lớn trong và ngoài nước, 80% doanh nghiệp có website riêng quảng bá thương hiệu sản phẩm… 80% hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hiện đại áp dụng phương thức thẻ thanh toán và thanh toán qua phương tiện điện tử. Thực hiện chủ trương của tỉnh, thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ tích cực tuyên truyền nhằm thúc đẩy thay đổi thói quen của người dân về thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch kinh doanh. Đồng thời, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, minh bạch về chính sách phí, cơ cấu phí giúp khách hàng hiểu biết đầy đủ hơn, cảm thấy an toàn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Không ngừng hiện đại hoá hệ thống thanh toán điện tử của các ngân hàng để cung cấp các sản phẩm dịch vụ đa dạng, ngày càng thoả mãn tốt hơn các nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh. Đẩy mạnh dịch vụ thanh toán thẻ, thúc đẩy việc chuyển đổi thẻ chip, tạo thuận lợi cho việc kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, thanh toán phi tiếp xúc và góp phần nâng cao tính an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán thẻ. Thúc đẩy hợp tác các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán. Coi trọng vai trò hợp tác ngân hàng - trung gian thanh toán, tận dụng nền tảng ngân hàng số, hệ sinh thái số do các trung tâm thanh toán tham gia phát triển. Ngoài ra, để phát triển TMĐT, không thể thiếu vai trò quản lý của các cơ quan, ban, ngành trong kiểm soát chất lượng hàng hóa trên các sàn TMĐT, kiên quyết kiểm tra, xử lý những sàn TMĐT bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc; tạo niềm tin và bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng, giúp khách hàng gắn bó và sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Có thể nói, phát triển TMĐT qua kênh ngân hàng là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra tác động đa chiều, vừa mang lại tiện ích cho người dân, vừa hỗ trợ thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện thông qua phổ cập dịch vụ tài chính - ngân hàng. Xu hướng này cũng phù hợp với chủ trương chỉ đạo của Chính phủ trong phát triển TMĐT trước bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp./.
Bài và ảnh: Đức Toàn