Thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) đầu tư mở rộng quy mô, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng được nhu cầu một số chủng loại VLXD. Đáng chú ý là đã xóa bỏ được phần lớn các cơ sở sản xuất vật liệu nung sử dụng công nghệ lạc hậu (lò gạch, vôi thủ công) ảnh hưởng đến môi trường của tỉnh. Tuy nhiên, ngành sản xuất VLXD cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục để có thể mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.
Sản xuất gạch không nung tại Công ty TNHH Hoà Phát (thành phố Nam Định). |
Qua số liệu điều tra thực tế của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho thấy: Ngành công nghiệp sản xuất VLXD (gồm khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất VLXD) của tỉnh hiện đã có những bước chuyển biến đáng kể. Đã từng bước được đầu tư xây dựng, đưa vào sản xuất các nhà máy mới, hiện đại gồm: 1 nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite với công nghệ nhập khẩu đồng bộ của hãng Citi Italia; dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung được đầu tư đồng bộ của hãng Comec (Trung Quốc) nâng công suất lên 60-80 triệu viên/năm; nhiều nhà máy đã ứng dụng hệ thống robot trong công đoạn tạo hình và xếp gạch mộc… Đã xóa bỏ phần lớn các cơ sở đốt gạch, vôi thủ công, thủ công cải tiến, các dây chuyền lò tuynel công suất nhỏ, gây ô nhiễm môi trường đầu tư từ những giai đoạn trước. Tuy nhiên, số lượng cơ sở sản xuất vật liệu ở quy mô công nghiệp còn ít. Hiện tại toàn tỉnh có 17 cơ sở sản xuất gạch xây nung, 1 cơ sở sản xuất gạch ốp lát và 21 cơ sở sản xuất gạch xây không nung. Về chủng loại sản phẩm VLXD dù đã phát triển khá phong phú nhưng đa phần là các sản phẩm có giá trị kinh tế thấp, sử dụng nguồn khoáng sản tự nhiên làm nguyên nhiên liệu sản xuất nên mức độ gây ảnh hưởng đến môi trường lớn như: gạch đất sét nung, vật liệu xây không nung, bê tông thương phẩm, bê tông cấu kiện, cát san lấp, gạch ốp lát, vật liệu lợp. Do vậy, sản xuất VLXD của tỉnh chỉ có thể tự đáp ứng được một phần nhu cầu của địa phương và cung ứng cho các vùng lân cận nhưng số lượng không đáng kể (trừ gạch ốp lát).
Bình quân hàng năm giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD mới chỉ chiếm gần 3% giá trị toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD của tỉnh giai đoạn 2016 đến nay là 4,71%/năm, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành VLXD trong tổng giá trị sản xuất toàn tỉnh giảm dần qua các năm, từ 3,98% năm 2015, xuống còn 2,66% vào năm 2020 (riêng năm 2021 đến nay có chuyển biến theo hướng tăng nhưng không đáng kể, do trên địa bàn tỉnh đang tập trung đẩy mạnh tiến độ thi công nhiều công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội).
Nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm tỷ trọng ngành khai thác khoáng sản, đồng thời do quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, hạn chế đầu tư các cơ sở sản xuất sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên. Mặt khác, Nam Định không có lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là các loại khoáng sản có giá trị cao nên các cơ sở trên địa bàn tỉnh chủ yếu sản xuất các sản phẩm VLXD thông thường, giá trị thấp. Trước sự cạnh tranh của các sản phẩm vật liệu nhập ngoại, các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phải liên tục giảm giá sản phẩm để cạnh tranh khiến giá trị sản xuất của ngành công nghiệp VLXD tăng chậm so với mức độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh. Mặc dù tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh là cao so với cả nước, tuy nhiên lực lượng lao động tham gia sản xuất VLXD chủ yếu là lao động thời vụ, làm việc theo kinh nghiệm. Số lao động có trình độ cao đẳng, đại học hoặc công nhân có tay nghề bậc cao đang làm việc trong lĩnh vực sản xuất VLXD chỉ có ở bộ phận quản lý hành chính, kế toán và một số kỹ sư tập trung tại phòng kỹ thuật của nhà máy sản xuất gạch ốp lát… So với yêu cầu sản xuất phải gia tăng ứng dụng công nghệ thông tin và chú trọng nghiên cứu, cung ứng sản phẩm mới hiện nay thì ngành công nghiệp VLXD của tỉnh còn thiếu số lượng lớn cán bộ khoa học công nghệ giỏi, thiếu kỹ sư cơ điện, mỏ địa chất, tự động hoá, thiếu lực lượng công nhân có kỹ thuật, có tay nghề cao.
Bên cạnh đó, vấn đề quản lý sản xuất VLXD và khai thác khoáng sản làm VLXD vẫn còn những bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành. Việc quản lý các hoạt động khai thác khoáng sản chưa được kiểm tra đánh giá thường xuyên đã gây ra tình trạng khai thác bừa bãi, nên rất lãng phí tài nguyên. Các doanh nghiệp lớn được cấp phép nhưng lại không đầu tư khai thác mỏ mà thu gom nguyên liệu trên thị trường dẫn đến tình trạng khai thác trái phép. Các cơ sở sản xuất VLXD có quy mô nhỏ, sản xuất tự phát, công nghệ lạc hậu (nhiều nhất là trong khai thác cát san lấp, sản xuất gạch không nung tự phát, sản xuất bê tông thương phẩm), chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cấp, ngành và chính quyền địa phương cấp xã, huyện về sản lượng, chất lượng, giá cả, an toàn lao động cũng như việc thực hiện pháp luật về tài nguyên và môi trường. Chính vì vậy, các cơ sở này đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế cho ngân sách Nhà nước và gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Trong giai đoạn tới, nhu cầu VLXD về cả số lượng, chất lượng và chủng loại sẽ tiếp tục tăng. Nếu chưa tính tới thị trường xuất khẩu thì trên bình diện toàn quốc, tỉnh ta nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; cùng với đó là các địa phương lân cận như Bắc Giang, Hải Dương đều tăng trưởng và đẩy mạnh vốn đầu tư công xây dựng hạ tầng. Do vậy thị trường tiêu thụ VLXD ngoại tỉnh của Nam Định có tiềm năng rất lớn. Tại thị trường nội tỉnh, giai đoạn từ nay đến 2030, tỉnh tăng tốc đầu tư xây dựng hàng loạt công trình, dự án lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh tiếp tục ưu tiên các nguồn lực xây dựng đô thị thông minh và phát triển trung tâm công nghiệp, dịch vụ thành phố Nam Định cơ bản đạt một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng; tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là xây dựng đô thị, khu du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho ngành xây dựng nói chung và ngành sản xuất VLXD nói riêng. Từ thực tế kể trên, đặt ra yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh phải gia tăng các chương trình, biện pháp để phát huy hơn nữa hiệu quả trong sản xuất VLXD và đưa ngành sản xuất VLXD phát triển một cách bền vững.
Từ yêu cầu đó, tỉnh đã yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương chú trọng quy hoạch, sắp xếp lại sản xuất và tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý hoạt động sản xuất VLXD, khai thác khoáng sản làm VLXD theo đúng quy hoạch. Khuyến khích phát triển sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh theo cơ chế thị trường, chú trọng phát triển các sản phẩm VLXD có thế mạnh của tỉnh và phát triển sản xuất đa dạng các sản phẩm VLXD mới, có hiệu quả kinh tế cao. Đối với các lĩnh vực cung vượt cầu, hoặc các lĩnh vực nguồn nguyên, nhiên liệu không có sẵn, các lĩnh vực sản xuất phát thải các chất thải, khí thải nguy hại đến môi trường trong khu vực sản xuất và khu vực dân cư thì siết chặt các quy định về thuế tài nguyên, nguyên liệu sản xuất và tiêu chuẩn về môi trường
thông qua ngưỡng nồng độ bụi, nồng độ khí thải, nước thải… Xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có nghiên cứu cải tiến nâng cao sản lượng các loại VLXD mới, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường và gia tăng kinh phí cho các chương trình khoa học công nghệ liên quan, giảm thuế đối với các hoạt động phát triển VLXD gắn với xử lý tái chế rác thải. Khuyến khích, hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất VLXD có lộ trình nghề nghiệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng nhân lực, cũng như đưa ra những đãi ngộ và xây dựng môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy phát triển hệ thống vận hành tự động dần thay thế đội ngũ thợ vận hành hoặc giám sát bởi đội ngũ cán bộ kỹ thuật có tay nghề cao. Đồng thời, cần tập trung hơn nữa vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, năng lượng và bảo vệ môi trường thay vì chỉ tập trung vào tăng quy mô công suất như các năm trước đây; chú trọng nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất; tích cực tìm kiếm các thị trường tiềm năng để có thể tồn tại và mở rộng sản xuất; hướng đến mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm VLXD nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội tỉnh, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành VLXD của tỉnh trong nền kinh tế./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy