Khởi nghiệp từ nông nghiệp sạch

05:08, 19/08/2022

Đang có công việc ổn định tại doanh nghiệp may mặc thời trang, nhưng với mong muốn xây dựng một thương hiệu nông sản riêng cho quê hương, anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri, xã Phương Định (Trực Ninh) chuyển sang phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch từ cây sen. Qua 2 năm khởi nghiệp, sản phẩm từ cây sen của anh Duy ngày càng được thị trường ưa chuộng.

Anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri ở xã Phương Định (Trực Ninh) cùng công nhân đang sơ chế củ sen. Ảnh: Do cơ sở cung cấp
Anh Vũ Ngọc Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Viagri ở xã Phương Định (Trực Ninh) cùng công nhân đang sơ chế củ sen. Ảnh: Do cơ sở cung cấp

Những ngày đầu tháng 8, chúng tôi có dịp ghé thăm cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch của anh Vũ Ngọc Duy. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng không chỉ là khu trang trại 2,6ha đất trồng dâu nuôi tằm trước đây đang được phủ lên màu xanh của các loại cây ăn quả, cây dược liệu… mà còn bất ngờ bởi tư duy rất mới của người chủ khu vực này. Trò chuyện và hướng dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình, anh Vũ Ngọc Duy cho biết, năm 2005 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh anh khởi nghiệp từ lĩnh vực thời trang may mặc. Năm 2008, anh chuyển xưởng may của mình ra Hà Nội để phát triển thị trường và tìm kiếm tiềm năng ở vùng đất mới. Đến năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và muốn gần gia đình anh lại tiếp tục chuyển công ty may thời trang về quê hương tại xã Liêm Hải. Trong quá trình về quê làm việc, anh Duy kết nối với các bạn trẻ học nông nghiệp, có chung niềm đam mê muốn phát triển nông nghiệp sạch ngay trên mảnh đất quê hương và đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi từ internet, sách, báo chí và phương pháp làm nông khoa học, hiện đại, hiệu quả, kết hợp với kinh nghiệm thực tế đã bồi đắp, phát triển thêm tư duy cho anh Duy cũng như những người cùng đam mê về nền nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao để vận dụng và triển khai tại quê hương. Năm 2020, anh Duy thuê lại diện tích 2,6ha đất trồng dâu nuôi tằm ở xã Trực Chính và bắt tay vào thực hiện mô hình nông nghiệp sạch với trà củ sen, tinh bột củ sen. Nghĩ là làm, trên diện tích ao ban đầu, nhóm của anh Duy đã trồng cây sen lấy củ cho năng suất cao. Theo anh Duy, kỹ thuật trồng loại sen lấy củ này không khó, cũng không cần cầu kỳ như nhiều loại cây trồng khác. Nhưng cần chú trọng đến giống sen, để sau thời gian chăm sóc, thu hoạch được những củ sen to, trắng, nạc, ăn giòn, bùi... Sau khi chọn được giống sen tốt, trong quá trình chăm sóc, chú ý khâu chăm sóc ở từng giai đoạn tăng trưởng khác nhau để cho cây sinh trưởng và phát triển, đảm bảo chất lượng củ sen. Sau khoảng 5-6 tháng trồng, sen sẽ cho thu hoạch củ, thời gian thu hoạch thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm. Để đảm bảo mẫu mã, chất lượng của củ sen, nhóm của anh Duy đã thuê công nhân thu hoạch củ bằng máy bơm sục.

Với mong muốn tăng giá trị và giá thành sản phẩm cho củ sen, nhóm của anh Duy đã chế biến củ sen tươi thành tinh bột củ sen, vừa giúp tăng thời gian bảo quản sản phẩm, vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng sử dụng. Đối với trà củ sen, sau khi thu hoạch được mang về rửa sạch, để ráo nước, thái lát, phơi khô trong nhà màng, sao vàng bằng củi và đóng gói. Ngoài tự trồng sen với diện tích khá nhiều, anh còn thu mua sen của các hộ nông dân trong và ngoài tỉnh để cung cấp ra thị trường. Sau một thời gian nghiên cứu, sản phẩm trà củ sen, tinh bột củ sen của anh Duy ngày càng được hoàn thiện cả về chất lượng bên trong và mẫu mã bao bì bên ngoài nên tạo được lòng tin cho khách hàng. Hiện sản phẩm của anh đang được phân phối trên toàn quốc.

Bên cạnh sản phẩm trà củ sen và tinh bột củ sen, anh Duy còn cải tạo đất để trồng các loại cây thảo dược, trồng nấm rơm, nấm sò; nuôi cá trắm đen, ba ba, lợn rừng… Anh Duy cho biết để vừa đầu tư, vừa phát triển, anh đã cho ra một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngắn ngày như trà củ sen, tinh bột củ sen, trồng nấm rơm, nấm sò… Các sản phẩm của anh được phân phối bởi hơn 100 kênh bán sỉ, lẻ trong toàn quốc và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng. Hình thức được anh Duy lựa chọn là “lấy ngắn nuôi dài”. Vì nếu chỉ tập trung đầu tư thì sẽ khó khăn về tài chính. Do vậy, ở giai đoạn đầu, các sản phẩm của trang trại là nguồn thu hỗ trợ để trả lương cho cán bộ, nhân viên lao động, vừa duy trì hoạt động. Chia sẻ lý do lựa chọn về quê để khởi nghiệp, anh Duy cho biết: “Tôi thấy quê mình có lợi thế về lao động, đất đai nhưng chưa phát huy hết. Trong khi đó, xu hướng của xã hội hiện đại đang cần những sản phẩm sạch. Vì vậy, tôi đã ấp ủ dự định làm nông nghiệp sạch để vừa mang đến sản phẩm sạch cho người dân, vừa bảo vệ môi trường, giúp giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên”.

Hiện nay, các sản phẩm của Viagri đang đi theo hướng vừa làm vừa truyền thông để người tiêu dùng biết đến quá trình sản xuất để họ chủ động nắm bắt các thông tin và lựa chọn sản phẩm trên thị trường. Đây được xem là hướng đi để người tiêu dùng giám sát chuỗi sản xuất sản phẩm của mình, là cách để nhà sản xuất có trách nhiệm với sản phẩm và người tiêu dùng được bảo đảm quyền lợi. Với định hướng phát triển nông sản sạch, tất cả các cây trồng, vật nuôi ở trang trại đều được chăm sóc bằng phương pháp hữu cơ do trang trại tự sản xuất từ các nguyên liệu sẵn có ở địa phương. Hiện nay, Công ty của anh Duy đã mua lại toàn bộ diện tích trang trại, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập bình quân đạt 200 nghìn đồng/người/ngày. Đồng chí Lã Văn Bách, Phó Bí thư Đoàn xã Phương Định cho biết: “Từ khi có trang trại trên địa bàn đã tạo nhiều cơ hội việc làm cho người dân, các thanh niên trong và ngoài xã. Từ hiệu quả của mô hình trang trại của anh Vũ Ngọc Duy đã tạo được động lực cho các đoàn viên, thanh niên đam mê nông nghiệp tại chỗ công việc ổn định, giảm bớt đi làm ăn xa thu nhập bấp bênh.

Ngoài lợi ích về phát triển kinh tế nông nghiệp sạch, mô hình trang trại của anh Duy còn chú trọng giải quyết công ăn việc làm, hướng tới các dự án thiện nguyện vì cộng đồng. Trong hai năm qua, trang trại đã tổ chức một số hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, chia sẻ kinh nghiệp cho các bạn trẻ, giúp cho những bạn trẻ rút ngắn được hành trình khởi nghiệp. Bên cạnh đó, anh Duy mong muốn sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, cùng đồng hành của các đơn vị, sở, ban, ngành liên quan để giúp trang trại tháo gỡ các khó khăn trong quá trình khởi nghiệp để phục vụ tốt hơn cho công việc nghiên cứu, hướng nghiệp, phát triển mô hình nông nghiệp sạch./.

Văn Huỳnh


 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com