Khai thác hiệu quả tiềm năng vùng Bãi Quỹ

06:08, 19/08/2022

Những năm qua, phong trào chuyển đổi sản xuất để gia tăng giá trị kinh tế ở các vùng đất bãi của tỉnh phát triển mạnh. Nhiều địa phương đã hình thành những khu vực chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa như cây dược liệu, cây ăn trái với giá trị kinh tế cao cho thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm như ở các huyện Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Xuân Trường, Nghĩa Hưng. Tại vùng đất khu vực Bãi Quỹ ngoài đê bối thuộc xã Thành Lợi (Vụ Bản), nhiều mô hình sản xuất nông sản mới dưới bàn tay cần mẫn, chăm chỉ, chịu khó của người dân đã tạo nên những mùa vàng bội thu.

Làm cỏ bằng phương pháp an toàn, không dùng thuốc ở vùng trồng cây dược liệu hữu cơ, an toàn theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại Bãi Quỹ.
Làm cỏ bằng phương pháp an toàn, không dùng thuốc ở vùng trồng cây dược liệu hữu cơ, an toàn theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại Bãi Quỹ.

Bãi Quỹ nằm biệt lập như một hòn đảo nổi giữa sông Đào, thuộc địa bàn xã Thành Lợi (Vụ Bản), bên kia là xã Nghĩa An (Nam Trực), nên bà con xã Nghĩa An có thể đi đò sang đây canh tác hàng ngày. Bãi Quỹ có môi trường tự nhiên trong lành, tránh được những tác động tiêu cực do ô nhiễm chất thải sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và những vùng sản xuất nông nghiệp xung quanh. Ông Vũ Văn Quân, 57 tuổi, người thôn Bái Thượng 2, xã Nghĩa An là một trong những người dân đầu tiên đến khai phá vùng đất này bồi hồi kể lại những ngày khởi nghiệp đầy gian khó. Năm 1987, khi xuất ngũ về quê hương, ông vẫn còn là chàng thanh niên đầy nhiệt huyết, quyết tâm lập nghiệp làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Với ruộng vườn có sẵn, ông tích cực tìm tòi thử nghiệm các mô hình chăn nuôi, trồng trọt như nuôi cá truyền thống, nuôi thả trâu, bò rồi trồng hoa… Đến năm 2009, phát hiện thấy đất vùng Bãi Quỹ bỏ hoang mà đất phù sa thì trù phú màu mỡ, ông dồn hết vốn liếng của gia đình, rủ anh em trong nhà đấu thầu 50ha đất của khu vực Bãi Quỹ để khai phá canh tác. Thời đó, cả vùng đất hoang sơ, chưa có đường vào, khắp nơi toàn thùng đào, thùng đấu. Gia đình ông đã phải dồn toàn lực thuê máy cày, máy múc, máy đào lớn để cải tạo, kiến thiết lại cả vùng; đắp bờ vùng bờ thửa, từng bước khoanh các vùng sản xuất chuyên biệt. Hiện tại, ông đang đào đắp 7 ao diện tích 6ha để nuôi thả cá truyền thống. Trong đó, 4 ao đã thả cá, mỗi ao hơn 4 vạn con giống, 3 ao còn lại dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 9 tới. Từ giờ đến cuối năm, ước tính gia đình ông sẽ thu được hơn 10 tấn cá các loại, trừ chi phí, cho thu hơn 250 triệu đồng. Trên bờ vùng, bờ thửa ông khai thác để trồng các loại cây ăn trái như nhãn, chuối, ổi, táo, lê… để tăng thêm thu nhập. Ông Quân cho biết: “Không chỉ thu từ nuôi cá thịt, nắm bắt xu hướng giải trí gần đây, tôi còn phát triển thêm dịch vụ câu cá. Hiện bình quân hồ câu Bãi Quỹ của gia đình tôi thu hút 15 lượt khách mỗi ngày. Riêng thứ bảy, chủ nhật, số lượng khách câu đạt đến hơn 30 người. Mỗi tháng gia đình có thêm 15 triệu đồng từ dịch vụ câu cá”. Phần đất còn lại, ông cho các hộ dân thuê trồng cây dược liệu như quất, đậu nành, húng chanh, trồng cỏ Nhật và các loại cây rau màu, cây ăn trái tạo nên vùng nông nghiệp sinh thái hữu cơ ngay tại vùng đất Bãi Quỹ.

Nằm ngay sát cạnh khu ao nuôi của ông Quân là vùng trồng dược liệu đầu tiên tại Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới chứng nhận đạt chuẩn GACP-WHO (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu). Ông Đoàn Văn Hoa, người xã Thành Lợi, chủ dự án cho biết: Hiện gia đình tôi liên kết với Công ty Cổ phần Nam Dược triển khai mô hình trồng các cây dược liệu như quất, húng chanh, đậu nành với tổng diện tích gần 20ha. Tham gia mô hình liên kết này, ngoài việc có đầu ra ổn định, được bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả hợp lý, gia đình ông Hoa và lao động làm việc tại vùng trồng được chuyển giao kỹ thuật chăm sóc và trồng cây dược liệu theo những quy trình chặt chẽ của tiêu chuẩn GACP-WHO. Cây dược liệu được chăm sóc với quy trình khắt khe như: vùng trồng cách xa khu dân cư, khu công nghiệp; môi trường đất, nước được kiểm nghiệm định kỳ, đảm bảo không bị tạp nhiễm; khu nhân giống tách riêng, tránh pha tạp, chọn hạt giống và cây trồng tốt trước khi gieo trồng… Để chuyển đổi cơ cấu từ các giống cây nông nghiệp truyền thống sang trồng cây dược liệu đòi hỏi phải áp dụng quy trình canh tác khắt khe như: không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phải làm cỏ, bắt sâu bằng tay. Mọi công đoạn đều được thực hiện theo phương pháp thủ công tự nhiên từ chăm sóc, trừ sâu bệnh đến thu hái. Đây chính là cách tốt nhất để sản phẩm có được hàm lượng dược liệu cao, đạt tiêu chuẩn cũng như đảm bảo an toàn nguyên liệu trong bào chế thuốc. Ngoài ra, gia đình ông còn trồng thử nghiệm thêm các loại cây dược liệu như: kỷ tử, ích mẫu, hy thiêm, bông mã đề, râu mèo… tiến tới cung ứng ổn định nguồn dược liệu hữu cơ chất lượng tốt ra thị trường. Sau khi trừ chi phí đầu tư về giống, phân và công thuê người bắt sâu, làm cỏ, mỗi sào trồng đậu nành cho lãi từ 1,2-1,5 triệu đồng/năm; các loại cây còn lại như: quất dược liệu, tam thất, sâm đại hành, nhãn… cho thu nhập khoảng 300-500 triệu đồng/năm Từ việc trồng dược liệu, gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động quanh vùng với lương cơ bản từ 100-180 nghìn đồng/ngày tuỳ theo khối lượng công việc. Ngoài các mô hình kể trên, ở các diện tích còn lại người dân xã Thành Lợi cũng trồng thêm 10ha cỏ Nhật, quất cảnh, cây cảnh cho giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập trên 1ha diện tích đất canh tác nơi đây lên gần 100 triệu đồng/năm.

“Dám nghĩ, dám làm” ông Quân và ông Hoa là những điển hình tiêu biểu “khởi nghiệp từ làng” mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để khai thác, phát huy tối đa tiềm năng đất đai của quê hương. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng dược liệu đạt tiêu chuẩn WHO hiện là hướng đi mới cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ vừa tạo được sinh kế cho các hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng từ đồng đất quê hương, vừa tạo ra các vùng nông nghiệp sinh thái bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình OCOP tại địa phương./.

Bài và ảnh: Đức Toàn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com