Khắc phục hạn chế để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

07:08, 09/08/2022

Để đảm bảo phát triển sản phẩm OCOP ổn định bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng khai thác phát huy tiềm năng nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm đặc trưng; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền và ngành chức năng của tỉnh luôn chú trọng hỗ trợ, tạo thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm OCOP cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Doanh nghiệp Tư nhân Phú Long (Hải Hậu) trưng bày, giới thiệu 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Doanh nghiệp Tư nhân Phú Long (Hải Hậu) trưng bày, giới thiệu 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Các cấp, các ngành đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm OCOP. Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường nội tỉnh, các địa phương đã phối hợp với ngành chức năng hỗ trợ xây dựng, nâng cấp 9 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại các khu vực có hoạt động dịch vụ thương mại phát triển mạnh ở thành phố Nam Định và các huyện Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Ý Yên, Vụ Bản. Để sản phẩm OCOP vươn xa, nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP qua kênh thương mại điện tử được xúc tiến triển khai tích cực. Trong đó, đã xây dựng và đưa vào vận hành trang thông tin điện tử OCOP của tỉnh (ocopnamdinh.gov.vn); duy trì cập nhật thông tin thị trường trên trang điện tử, bản tin ngành Công Thương, phát hành các ấn phẩm thương mại quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thường xuyên hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP của các doanh nghiệp trong tỉnh trên các website của ngành như: ocopvietnam.gov.vn; sàn thương mại điện tử Nam Định; PostMart.vn; Voso.vn. Từ năm 2019 đến nay, Sở NN và PTNT đã tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia 14 hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương như: Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế (Agroviet), Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP tại các tỉnh, thành phố trong khu vực, chương trình “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”…

Sau hơn 3 năm triển khai, chương trình OCOP của tỉnh có 251 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên. Trong đó: 39 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; đặc biệt có 2 sản phẩm đang được hỗ trợ hoàn thiện để nâng hạng tiêu chuẩn 5 sao là Nghêu thịt đóng hộp Lenger và gạo sạch Toản Xuân. Về ngành hàng, nhóm hàng thực phẩm dẫn đầu với 231 sản phẩm, còn lại có 13 sản phẩm đồ uống, 4 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 3 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn. Theo chủ thể của sản phẩm, các doanh nghiệp đang dẫn đầu về số lượng sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Dương Nga - Chủ nhiệm đề tài Đánh giá thực trạng sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định tại Hội thảo nghiên cứu đề xuất một số giải pháp thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định đợt cuối tháng 6-2022 cho thấy: Các sản phẩm OCOP của tỉnh chủ yếu mới được tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh. Các nguyên nhân khiến việc tiêu thụ tại thị trường ngoại tỉnh còn nhiều khó khăn là: Mới chỉ có 71% doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình đi giới thiệu tới các đại lý, nhà phân phối ngoại tỉnh; các đơn vị hợp tác xã có sản phẩm OCOP chủ yếu lại giới thiệu, tiếp thị sản phẩm ra thị trường ngoại tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm. Nhiều người tiêu dùng chưa biết về chương trình OCOP, sản phẩm OCOP có gì khác biệt với hàng cùng loại mà không dán nhãn OCOP để đưa ra quyết định chọn mua. Đặc biệt, tỷ lệ sản phẩm OCOP được đưa vào chuỗi cung ứng nội địa quy mô lớn như hệ thống siêu thị còn khiêm tốn do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa đảm bảo thường xuyên ổn định sản lượng, nguồn hàng. Một số cơ sở, doanh nghiệp còn không duy trì được các tiêu chuẩn chất lượng quy định kiểm tra kiểm soát khắt khe nên không nhiệt tình, tha thiết tham gia cung ứng hàng tại các siêu thị. Số lượng sản phẩm OCOP được xuất khẩu cũng còn khiêm tốn do nhiều doanh nghiệp vướng mắc trong đáp ứng, chứng minh đầy đủ các quy định khắt khe về chất lượng, xuất xứ sản phẩm theo chuẩn quốc tế.

Thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh sẽ gia tăng các giải pháp thiết thực để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng lựa chọn những nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Tập trung định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, liên địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tiềm năng, tránh tình trạng khi sản phẩm đã thu hút được người tiêu dùng lại không đủ sản lượng đáp ứng sức mua. Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại tại đa dạng thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế đối với các sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên. Mở rộng mạng lưới hợp tác, liên kết trao đổi thông tin đa chiều giữa Trung tâm Thông tin - Xúc tiến thương mại tỉnh, hệ thống các cơ quan quản lý, các đơn vị hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề, sản phẩm OCOP đặc trưng; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về chương trình OCOP và sự khác biệt, đặc trưng của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác.

Bằng việc tăng cường các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm kể trên, hy vọng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không ngừng đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa ra các thị trường ngoại tỉnh, thị trường quốc tế./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy

 



Yến sào LifeNest

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com