Thời gian qua, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh phát huy tốt vai trò đầu tàu chủ động kết nối với các hợp tác xã (HTX), hộ nông dân đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị lúa hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân và giải quyết tình trạng bỏ ruộng hoang.
Cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh kiểm tra chất lượng sinh trưởng lúa ST25 do Công ty Cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Trực Thái sản xuất. |
Trước đây, Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh chủ yếu kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp như giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… phục vụ nhu cầu sản xuất của bà con nông dân và các HTX nông nghiệp. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về đất đai ở các địa phương, từ năm 2020, Công ty đã tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị và liên kết với các hộ xã viên ở một số HTX trong tỉnh thực hiện tập trung ruộng đất liền vùng để hợp tác phát triển sản xuất lúa, gạo hàng hóa chất lượng cao. Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh cho biết: Chúng tôi đã mạnh dạn kết nối xây dựng chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp - HTX dịch vụ nông nghiệp - hộ nông dân để sản xuất lúa. Để hình thành vùng sản xuất tập trung, Công ty đã thông qua các HTX dịch vụ nông nghiệp ký hợp đồng với các hộ nông dân ở các xã, thị trấn của các huyện với tổng diện tích ruộng tập trung được 420ha, trong đó huyện Trực Ninh 200ha, Nam Trực 120ha, Xuân Trường 50ha, Nghĩa Hưng 50ha… Ngoài ra, Công ty còn thuê gom hơn 50ha đất nông nghiệp là những thửa ruộng nhỏ lẻ, điều kiện canh tác khó bà con nông dân bỏ hoang không trồng cấy thành cánh đồng lớn để đầu tư cải tạo, quy hoạch, xây dựng hệ thống thủy lợi để tổ chức sản xuất. Các giống lúa được Công ty lựa chọn sản xuất là giống lúa có tiềm năng năng suất cao, chất lượng gạo tốt, được thị trường ưa chuộng như giống: ST25, Bắc Thơm số 7 kháng bạc lá, Nếp 97, Lộc Trời 183. Để bảo đảm sản xuất ổn định, Công ty phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật, phân công cán bộ hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản lúa cho bà con; ứng vốn đầu tư bán chậm trả cho bà con các loại phân bón không tính lãi và khấu trừ vào cuối vụ. Toàn bộ diện tích sản xuất được cơ giới hóa 100% từ khâu gieo cấy đến thu hoạch, góp phần giảm bớt công lao động nặng nhọc cho người dân. Qua đó giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất, đồng thời yên tâm thâm canh lúa trên chính đồng ruộng của mình. Công ty đã đầu tư xây dựng hệ thống máy sấy lúa và dây chuyền chế biến lúa gạo đồng bộ, khép kín với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hàng năm, tiêu thụ hàng trăm tấn lúa chất lượng cao cho nông dân với giá thu mua cao hơn 8-10% so với giá thị trường. Hiệu quả sản xuất của mô hình tăng hơn so với sản xuất đại trà 30-60%. Người dân khi tham gia vào chuỗi liên kết tạo nên cánh đồng lớn thu nhập tăng 20-30% so với cách làm truyền thống. Toàn bộ sản lượng lúa thương phẩm được Công ty thu mua theo hợp đồng ký kết với giá cao hơn từ 10-15% so với lúa sản xuất đại trà. Nhờ đó, lợi nhuận của người dân tham gia mô hình liên kết với Công ty đạt 20-25 triệu đồng/ha.
Với sự đầu tư đồng bộ, thực hiện sản xuất “đồng giống, đồng trà” nên nguồn cung lúa đầu vào phục vụ chế biến gạo thương phẩm luôn bảo đảm ổn định. Hiện nay, thông qua mô hình liên kết trung bình mỗi vụ Công ty thu mua được khoảng 260-300 tấn thóc để sản xuất, chế biến 3 loại sản phẩm gạo chất lượng cao được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao, gồm: Gạo sạch Quỳnh Thanh ST25, gạo sạch Quỳnh Thanh Bắc Thơm số 7 và gạo sạch Quỳnh Thanh 999. Trong đó, sản phẩm gạo sạch Quỳnh Thanh ST25 đang được Công ty hoàn thiện hồ sơ, nâng cấp phương thức chế biến, bảo quản để đề nghị UBND tỉnh đánh giá nâng hạng lên sản phẩm OCOP hạng 4 sao trong năm 2022. Các sản phẩm gạo sạch Quỳnh Thanh đã được công nhận là “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” và được người tiêu dùng đánh giá cao.
Tuy nhiên, qua 2 năm triển khai thực hiện phát triển mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, Công ty đang phải đối diện với một số khó khăn. Anh Lê Văn Thanh cho biết thêm: Tại một số địa phương vẫn có tình trạng ruộng bỏ hoang, Công ty mong muốn liên kết với nông dân để khai thác quỹ đất tiềm năng đang bị lãng phí này song chính quyền địa phương thiếu sự quan tâm cần thiết trong việc hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia tập trung, tích tụ ruộng đất, xây dựng mô hình liên kết để mang lại lợi ích cho các bên tham gia chuỗi. Tại nhiều cánh đồng doanh nghiệp đã thỏa thuận được với đa số người dân địa phương nhưng còn một số ít hộ có ruộng nằm xen kẹt trên các cánh đồng không tham gia gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất của người dân, doanh nghiệp. Hoạt động liên kết giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm nhìn chung còn thiếu bền vững, chưa đáp ứng được yêu cầu. Số HTX tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp còn ít. Trên thực tế, Công ty rất cần liên kết với HTX để tập trung đầu mối nhưng hiện tại dù có HTX song Công ty vẫn phải liên kết trực tiếp với các hộ nông dân để thu mua, tiêu thụ nông sản... Rõ ràng, việc phát huy vai trò của HTX trong phát triển chuỗi liên kết là điều cần thiết nhằm tập hợp những hộ nông dân, chủ trang trại, cơ sở sản xuất nhỏ ở nông thôn tự nguyện cùng nhau tổ chức sản xuất, tổ chức quản lý để bảo đảm lợi ích của các thành viên và phát triển cộng đồng. HTX phát triển là cơ sở để khuyến khích xã viên góp đất, tập trung phát triển sản xuất quy mô lớn; kiểm soát được quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm sản xuất ra đồng đều, đủ số lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại