Thị trường trong nước luôn giữ vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu về hàng hóa cho nhân dân. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên việc xuất khẩu hàng hóa gặp không ít trở ngại, ách tắc; thị trường không ít quốc gia có nhiều biến động làm suy giảm sức mua. Trong khi đó, thị trường trong nước với gần 100 triệu dân luôn được các chuyên gia đánh giá là tiềm năng lớn. Do vậy, các doanh nghiệp của tỉnh nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã không bỏ lỡ cơ hội, phát huy lợi thế hiểu thị trường, hiểu văn hóa tiêu dùng, chú tâm khai thác sâu, có trọng tâm, trọng điểm hơn tại thị trường này.
Sản xuất khăn ăn phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam. |
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam: Trong giai đoạn thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, Công ty đã nhanh nhạy chuyển hướng, đẩy mạnh cung ứng sợi chất lượng cao cho các doanh nghiệp may nội địa thay vì chỉ sản xuất khăn phục vụ thị trường xuất khẩu. Với uy tín và niềm tin sẵn có của các đối tác mà công ty đã dày công xây dựng, Công ty đã nhanh chóng tăng thị phần tại thị trường nội địa. Còn theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định: Với nguyên lý sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác, cộng với nhu cầu kết nối để thiết lập chuỗi tiêu thụ sản phẩm vững mạnh, năm 2019, một số doanh nghiệp thành viên chủ chốt của Hiệp hội nông nghiệp sạch tỉnh đã kết nối, thành lập Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định với 22 thành viên là các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, ngay từ khi thành lập Công ty đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng tới mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong nước, đặc biệt là thị trường nội tỉnh. Hiện Công ty Cổ phần Hiệp hội nông nghiệp sạch Nam Định xây dựng được chuỗi 6 cửa hàng nông sản sạch tại thành phố Nam Định, 3 cửa hàng liên kết tại địa bàn các huyện của tỉnh và hàng loạt cửa hàng ở tỉnh ngoài. Tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thành viên của Công ty đều đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy trình kiểm định quy chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là các quy chuẩn tiên tiến HACCP, VietGAP; trong 185 mã sản phẩm hiện tại của Công ty có đến 99% sản phẩm đều đạt chuẩn OCOP. Công ty còn áp dụng quy định kiểm soát chất lượng của các đơn vị thành viên theo thường kỳ và đột xuất. Các doanh nghiệp thành viên đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trên môi trường thương mại điện tử. Nhờ đó, các sản phẩm của Công ty ngày càng chiếm lĩnh được sự quan tâm, thu hút được sức mua của người tiêu dùng, gia tăng doanh số bán hàng tại thị trường nội địa cho các doanh nghiệp thành viên.
Bên cạnh sự nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các các chương trình, biện pháp hỗ trợ với điểm nhấn là hỗ trợ liên kết tiêu thụ vùng, xúc tiến thương mại, xác định phân khúc khách hàng… nên không riêng gì các doanh nghiệp kể trên mà rất nhiều doanh nghiệp trên toàn tỉnh với đa dạng các ngành hàng cũng đã ngày càng khai thác hiệu quả thị trường trong nước. Nhờ đó, hoạt động nội thương của tỉnh duy trì được mức tăng trưởng ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng đa dạng và không ngừng tăng lên của sản xuất và đời sống xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 7 tháng đầu năm 2022 đạt 34.378 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, theo Sở Công Thương, để các doanh nghiệp khai thác tốt hơn thị trường trong nước, cần giải quyết một số nút thắt gồm: Sản xuất nội địa chưa gắn kết với hệ thống phân phối một cách chặt chẽ; hạ tầng của hệ thống phân phối và các chi phí khác của thương mại bán lẻ còn yếu; giao dịch hàng hóa còn ít được công khai, minh bạch và thiếu thông tin bởi chưa có một hệ thống chợ đầu mối cấp vùng…
Để xử lý những nút thắt, giúp doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường trong nước, đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế, tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163/QĐ-TTg. Trong đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Đẩy mạnh hướng dẫn, đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành hàng thế mạnh, chủ lực của tỉnh, nâng cao kiến thức sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp, vừa thúc đẩy việc chuẩn hoá quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa bảo đảm quyền lợi chính đáng của người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, ứng dụng công nghệ QR Code, Data Matrix, RFID với sản phẩm, hàng hóa tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm trong nước; áp dụng mô hình chuỗi cung ứng thông minh, vận dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) dự báo thị trường gắn kết hiệu quả các quá trình sản xuất với nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin dự báo xu hướng thị trường, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời ứng phó với những diễn biến bất lợi của thị trường. Chú trọng phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông, cung ứng hàng hóa với sản xuất theo các hình thức chuỗi liên kết dọc (liên kết thành chuỗi giá cung ứng của một hoặc một nhóm sản phẩm, hàng hóa) và liên kết ngang (giữa những doanh nghiệp cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh về một hoặc một nhóm hàng hóa), giữa các nhà sản xuất, nhà phân phối và nhà cung ứng dịch vụ hỗ trợ. Phát triển mạng lưới cơ sở thu mua nông sản, đặc sản của tỉnh và mạng lưới các cơ sở cung ứng, phân phối hàng hóa tiêu dùng quy mô vừa và nhỏ theo mô hình hiện đại tại trung tâm các huyện. Hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao kỹ năng kinh doanh thương mại điện tử, tham gia chuỗi cung ứng thương mại điện tử cho các mặt hàng, nhất là các mặt hàng nông sản, xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Phối hợp với các nền tảng thương mại điện tử để tạo các gian hàng và hỗ trợ các HTX, trang trại, nhà vườn và người dân nông thôn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; đổi mới, phát triển các hình thức xúc tiến thương mại điện tử thông qua các trang thương mại điện tử. Phối hợp với các bộ, ngành và đơn vị liên quan triển khai nền tảng mã địa chỉ bưu chính gắn với bản đồ số Vpostcode, ứng dụng giao thông mới hỗ trợ vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ tư vấn đầu tư nhằm thu hút được các dự án đầu tư trong và ngoài nước phát triển kết cấu hạ tầng thương mại của tỉnh; khuyến khích thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kho tổng hợp và chuyên dụng, kho lạnh, đặc biệt là kho dự trữ, bảo quản hàng nông sản và hàng tiêu dùng thiết yếu để phục vụ các đơn hàng lớn, đồng thời phục vụ bình ổn thị trường và cân đối cung cầu trong các thời điểm bất ổn về giá trong và ngoài nước. Ưu tiên bố trí, phân bổ vốn đầu tư công phát triển các chợ truyền thống có giá trị văn hóa cần bảo tồn; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình quản lý chợ và xã hội hóa đầu tư xây dựng, khai thác các chợ trung tâm huyện, thành phố hiện có theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an toàn thực phẩm văn minh thương mại.
Bằng việc gia tăng các giải pháp kể trên, toàn tỉnh hướng đến mục tiêu, đến năm 2030: Tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt tốc độ tăng bình quân 10%; tỷ trọng tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khu vực kinh tế trong nước chiếm khoảng 85%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 15%; tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại (như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi) chiếm 30-35%./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy