Giảm tỷ trọng vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng

08:08, 31/08/2022

Để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn nhiều  khó khăn, thời gian qua, tỉnh ta chú trọng huy động đa dạng, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các đơn vị, doanh nghiệp, vốn khu vực dân cư trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tỉnh triển khai thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước trên cơ sở phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, không cứng nhắc, phù hợp với tình hình thực tiễn; đảm bảo nguyên tắc chung là hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người dân và chia sẻ khi có rủi ro; lấy vốn ngân sách Nhà nước là “vốn mồi” để đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác, đồng thời ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình xây dựng cơ bản góp phần cải thiện vị thế địa kinh tế, tác động lâu dài tới phát triển kinh tế - xã hội. 

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (KCN Bảo Minh, Vụ Bản).
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Dệt nhuộm Sunrise Việt Nam (KCN Bảo Minh, Vụ Bản).

Giai đoạn 2015-2020, trong tổng vốn 175 nghìn tỷ đồng đầu tư cho phát triển, nguồn vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân chiếm 70%, tăng bình quân 23%/năm. Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 15,5% so với năm 2020, trong đó tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tiếp tục chuyển biến tích cực. Trong 8 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 2.929 tỷ đồng, giảm 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh 2.715 tỷ đồng, giảm 9,2%; vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách cấp xã 111 tỷ đồng, giảm 45,4%.  

Đáng chú ý, ở các nhiệm vụ trọng điểm trong đầu tư kết cấu hạ tầng của tỉnh gồm: phát triển vùng kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới (NTM) đều đạt chuyển biến tích cực trong thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước. Trong 17.540 tỷ đồng tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM từ năm 2021 đến tháng 6-2022: Nguồn vốn huy động đóng góp tự nguyện của người dân và cộng đồng chiếm 8,9% (đạt 1.561,962 tỷ đồng); vốn doanh nghiệp chiếm 1% (đạt 180 tỷ đồng); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác chiếm 26,5% (đạt 4.650 tỷ đồng); vốn tín dụng chiếm 57% (đạt 10.000 tỷ đồng); vốn ngân sách Trung ương bố trí trực tiếp để thực hiện Chương trình chiếm 1,4% (đạt 243,038 tỷ đồng); vốn ngân sách địa phương chiếm 5,1% (đạt 900 tỷ đồng). Từ đa dạng nguồn vốn huy động, các địa phương trên toàn tỉnh tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn NTM nâng cao gắn với quá trình đô thị hóa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện điều kiện sống, làm việc của người dân nông thôn. Hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải tạo, nâng cấp, lắp đặt hệ thống biển báo, thiết bị đảm bảo an toàn giao thông, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính, nâng cao tính đồng bộ, kết nối thông suốt từ đường dong xóm, trục xóm, liên xóm, trục xã, liên xã đến các tuyến huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ. Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 1.153 cống, đập điều tiết phục vụ tưới tiêu, sản xuất; kiên cố hoá 905km kênh mương góp phần nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cho hệ thống công trình thủy lợi, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu đời sống dân sinh và chủ động tưới tiêu cho 100% diện tích canh tác nông nghiệp trong điều kiện bình thường. Hiện có 171 xã, thị trấn (chiếm 83,8%) hoàn thành tiêu chí thủy lợi theo bộ tiêu chí NTM nâng cao. Hệ thống điện trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải tạo và nâng cấp theo hướng an toàn, ổn định, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên đạt 100%. Hệ thống trường học các cấp tiếp tục được tăng cường cơ sở vật chất và xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn. Tiếp tục đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp nhà văn hóa xã và khu thể thao xã, nhà văn hóa, khu thể thao thôn/xóm theo tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; quan tâm bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa; cải tạo nâng cấp 204 điểm bưu điện văn hóa xã, đài truyền thanh xã và hệ thống loa đến các thôn xóm, nâng cao chất lượng các dịch vụ viễn thông và internet, triển khai hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh đến cấp xã đảm bảo chất lượng phục vụ các cuộc họp trực tuyến trên toàn tỉnh. Trong 2 năm qua đã hoàn thành xây dựng mới 1 công trình cấp nước tại huyện Xuân Trường, 1 dự án nâng cấp mở rộng nối mạng cấp nước cho 6 xã huyện Ý Yên, đang tiếp tục triển khai thực hiện 5 dự án công trình cấp nước sạch, nâng tổng số lên 52 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn toàn tỉnh. Các huyện tiếp tục cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải tập trung của các xã/thị trấn thành các khu xử lý rác thải thân thiện với môi trường đảm bảo nước thải, khí thải đạt quy chuẩn cho phép trước khi thải ra môi trường…

Trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế vùng ven biển, bên cạnh nguồn vốn đầu tư công, các cấp chính quyền, ngành chức năng đã huy động hiệu quả các nguồn vốn của khu vực tư nhân. Giai đoạn 2016-2020, 3 huyện có biển (Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) đã huy động được khoảng 450 tỷ đồng từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, mạnh thường quân trong và ngoài địa phương để góp vốn thực hiện xây dựng NTM và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, đã có 114 dự án đầu tư với tổng số vốn 125.239 tỷ đồng và 2.430 triệu USD đầu tư vào địa bàn 3 huyện có biển. Trong đó, có 98 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án đầu tư nước ngoài; một số dự án có tổng mức đầu tư lớn như dự án nhà máy thép xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định có tổng mức đăng ký đầu tư sau điều chỉnh là 88 nghìn tỷ đồng; nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng có tổng mức đăng ký đầu tư sau điều chỉnh là 10 nghìn tỷ đồng... Các dự án đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân chính là động lực quan trọng của nền kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng sự tham gia của khu vực vốn ngoài ngân sách Nhà nước vào đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình hạ tầng trọng điểm, đang có nhu cầu đầu tư cao của tỉnh như: hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp, công trình vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, công trình cấp nước sạch nông thôn… còn hạn chế. Đặc biệt, kết quả thu hút vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) chưa cao. Nguyên nhân của thực trạng trên là do dịch bệnh COVID-19 tác động xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân, làm giảm kết quả huy động nguồn lực tại cộng đồng dân cư cho đầu tư kết cấu hạ tầng (rõ nét nhất là huy động vốn cho chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu). Ngoài ra, các cơ chế, chính sách và năng lực việc thực hiện các phần việc trong hỗ trợ, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng (công tác giải phóng, cung ứng mặt bằng sạch, giải quyết các thủ tục hành chính…) còn bất cập ở một số bộ phận, một số địa phương. Các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước, nhất là các dự án PPP chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và tiềm ẩn những xung đột pháp lý giữa các luật khác nhau như Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý nợ công…; trong khi nhiều dự án đầu tư ở quy mô dài hạn, chi phí lớn, khả năng tiếp cận các nguồn vốn dài hạn cho đầu tư kết cấu hạ tầng của khu vực tư nhân còn nhiều khó khăn nên chưa tạo thuận lợi, sức hút đối với sự tham gia của khu vực tư nhân vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn nêu trên, thời gian tới, song song với cơ cấu lại đầu tư công, tỉnh tiếp tục gia tăng các giải pháp nâng cao chất lượng huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước phục vụ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng nâng cao chất lượng lập và thực hiện các quy hoạch quan trọng, như: quy hoạch không gian phát triển kinh tế - xã hội, không gian hạ tầng và đô thị, sử dụng đất... làm cơ sở thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực từ doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi các cơ chế chính sách, pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính, rà soát loại bỏ các thủ tục không còn phù hợp; thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử, trung tâm dịch vụ hành chính công... làm cho môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và ổn định. Tiếp tục thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hoặc liên kết thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn để tạo thêm nhiều việc làm mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống kinh tế, tinh thần cho người dân nông thôn tạo điều kiện để người dân tái đầu tư xây dựng, phát triển bền vững nông thôn. Sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách theo hướng có sức cạnh tranh, ưu đãi vượt trội để thu hút đầu tư ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn kinh tế đầu tư các dự án lớn, quan trọng./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com